Sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945, vào ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Thế nhưng không lâu sau khi giành được độc lập, Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai (mở đầu ở Nam Bộ (23/9/1945)).

Mặc dù, nhận được sự trợ giúp từ phía Mỹ, thế nhưng sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp liên tiếp phải hứng chịu những thất bại. Trước tình hình đó, vào tháng 5/1953, Pháp đã bổ nhiệm Tướng Henri Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Từ tháng 11/1953, Navarre cho xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hy vọng tìm kiếm thắng lợi quân sự quyết định trên toàn chiến trường Đông Dương.

Trận chiến Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13/3 - 07/5/1954 với kết quả là sự thất bại của quân đội Pháp. Ngay sau đó, ngày 08/5/1954, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc, với sự tham dự của 9 đoàn đại biểu, gồm: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Hai đồng chủ tịch hội nghị là Ngoại trưởng Anh Anthony Eden và Ngoại trưởng Liên Xô Vvwacheslav M.Molotov.

Trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp toàn thể và họp kín, ngày 20/7/1954, các văn bản của Hội nghị Genève 1954 về chấm đứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. (Các văn bản được ký vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 21/7 nhưng thời gian được ghi ở cuối các hiệp định là 24 giờ ngày 20/7 để giúp cho Thủ tướng Pháp giữ lời hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp giải quyết vấn đề Đông Dương trongvòng một tháng).

Văn bản của Hiệp định gồm: 3 hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự; Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị (Mỹ không ký vào Tuyên bố chung mà ra tuyên bố riêng); các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendès-France.

Nội dung một số văn bản chính của Hiệp định như sau:

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết gồm có 6 loại điều khoản, với 47 điều. Một số điều khoản quan trọng: 

Điều 14:

c) Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.

Điều 16: Kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được tăng thêm vào Việt Nam mọi quân đội và nhân viên quân sự.

Điều 17:

a) Kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, cấm tăng viện vào nước Việt Nam mọi thứ vũ khí, đạn dược và những dụng cụ chiến tranh khác, ví dụ: phi cơ chiến đấu, đơn vị thủy quân, khẩu đại bác, khí cụ và súng ống phản động lực, khí cụ thiết giáp.

Điều 18: Từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, cấm không được thành lập trong toàn cõi Việt Nam, những căn cứ quân sự mới.

Điều 19: Kể từ ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được lập một căn cứ quân sự ngoại quốc nào trong vùng tập hợp của đôi bên; hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây hại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược.

Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève về Đông Dương gồm 13 điều. Trong đó có l số điều khoản riêng về Việt Nam như:

6. Hội nghị thừa nhận rằng, mục đích chính của Hiệp định liên quan đến Việt Nam, là dàn xếp các vấn đề quân sự nhằm chấm dứt chiến sự và giới tuyến quân sự là tạm thời và không được hiểu là ranh giới chính trị hay biên giới lãnh thổ dưới bất cứ hình thức nào....

7. Hội nghị tuyên bố rằng, đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị được thực hiện trên nền tảng tôn trọng những nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người Việt Nam được hưởng những quyền tự do cơ bản bảo đảm bởi hiến pháp dân chủ được thiết lập từ kết quả tổng tuyển cử tự do bằng bỏ phiếu kín.

9. Những người có thẩm quyền ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam cũng như nhà cầm quyền ở Campuchia và Lào, không được dùng thứ bất cứ hành vi trả thù cá nhân hay tập thể nào, đối với những người đã từng cộng tác với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc các thành viên trong gia đình của những người đó.

12. Trong quan hệ với Campuchia, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia nói trên, không can thiệp vào nội bộ các nước này.

Tuyên bố của đại diện Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về Hội nghị Genève với nội dung chính như sau:

Dựa vào cách nhìn nhận Hiệp định với những đoạn văn nói trên rằng nước Mỹ sẽ tự kìm chế mình trong việc dọa dẫm dùng vũ lực để gây rối những quyết định có liên quan, thể theo Điều 2 (4) trong Công ước của Liên Hợp Quốc đề cập đến nghĩa vụ các nước thành viên tự kìm chế trong các quan hệ Quốc tế của mình, không dọa dẫm hay sử dụng vũ lực và Mỹ sẽ xem xét bất cứ toan tính tấn công mới nào vi phạm Hiệp định nói trên ở mức độ nghiêm trọng và coi như uy hiếp nặng nề hòa bình và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên những điều khoản quan trọng trong, Hiệp định, đặc biệt là cuộc Tổng tuyển cử để “cho phép người Việt Nam được hưởng những quyên tự do cơ bản bảo đảm bởi hiển pháp dân chủ được thiết lập từ kết quả tổng tuyển cử tự do bằng bỏ phiếu kín.” đã không được diễn ra như mong đợi. Chính quyền Mỹ đã tiếp nối cuộc chiến tranh, tiếp tục chia cắt đất nước, buộc nhân dân Việt Nam phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ kéo đài 21 năm đề giành độc lập dân tộc.