Quân đội Úc tham chiến tại Việt Nam từ năm 1965, ban đầu với lực lượng đặc nhiệm giới hạn hoạt động ở Biên Hòa. Từ tháng 8/1965, họ được phép tham gia các hoạt động tác chiến không giới hạn dưới sự kiểm soát của Mỹ. Trong giai đoạn 1966-1970, quân Úc tham gia chương trình “bình định”, xây dựng quan hệ với dân chúng, tham gia các cuộc hành quân “tìm diệt” và thực hiện các chiến thuật như “hàng rào mìn”, biệt kích, “ụ ngầm” và “hàng rào lá chắn”. Tuy nhiên, sau những thất bại và áp lực dư luận, quân đội Úc rút hoàn toàn khỏi Việt Nam vào cuối năm 1972.

Sự tham chiến ban đầu của quân đội Úc tại Việt Nam (tháng 6 - 7/1965)

Đầu tháng 6/1965, Lực lượng đặc nhiệm Úc đầu tiên được triển khai đến Nam Việt Nam, bao gồm Tiểu đoàn bộ binh 1 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Úc, được tăng cường bởi Đại đội thông tin 79, đại đội hậu cần và 100 chuyên gia về chiến tranh du kích. Lực lượng này ngay lập tức được phối thuộc vào Lữ đoàn không quân vận 173 của Mỹ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, hoạt động của lực lượng Úc bị giới hạn trong các cuộc hành quân an ninh địa phương tại tỉnh Biên Hòa (nơi đóng quân của Lữ đoàn 173). Chính phủ Úc không đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng lực lượng này vào các cuộc hành quân tấn công, ngoại trừ việc phòng thủ căn cứ không quân Biên Hòa. Phạm vi hoạt động của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Hoàng gia Úc được giới hạn trong bán kính 30-35km.

Ngày 30/7/1965, Tham mưu trưởng Lực lượng quân đội Úc tại miền Nam Việt Nam từ chối cho Tiểu đoàn 1 tham gia một cuộc hành quân của Lữ đoàn 173 Mỹ, buộc phía Mỹ phải sử dụng lực lượng riêng để bảo vệ pháo binh, trong khi Tiểu đoàn 1 của Úc chỉ đóng vai trò dự bị.

Như vậy, giai đoạn này, quân đội Úc đã bắt đầu tham chiến trực tiếp tại Việt Nam, tuy nhiên còn rất hạn chế và chưa có vai trò rõ rệt. Phạm vi hoạt động bị chính phủ giới hạn, khiến việc triển khai hoạt động tác chiến của liên minh chưa được hiệu quả.

Sự tham chiến của quân đội Úc tại miền Nam Việt Nam (8/1965-1970)

Tháng 8/1965, tướng O.D. Jackson của quân đội Hoàng gia Úc đến Việt Nam, thông báo với tướng Westmoreland về việc dỡ bỏ giới hạn nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm Úc. Quân đội Úc được phép tham gia các hoạt động tác chiến, mở rộng địa bàn hoạt động, đánh dấu sự tham chiến trực tiếp không giới hạn của Úc trong liên minh do Mỹ kiểm soát. Thỏa thuận quân sự giữa tướng Jackson và tướng Westmoreland được ký ngày 15/8/1965, trao quyền kiểm soát lực lượng Úc cho Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam. Mỹ đảm bảo hậu cần và hành chính cho lực lượng Úc. Cuối năm 1965, quân số Úc tại Nam Việt Nam là 1557 người. Tháng 3/1966, Chính phủ Úc thành lập Lực lượng đặc nhiệm số 1, đóng quân tại Phước Tuy, thực hiện nhiệm vụ chống nổi dậy, kết hợp quân sự và dân vận.

Thành lập Nhóm Hỗ trợ Hậu cần số 1 của Úc trên những đụn cát ở Vũng Tàu vào năm 1966Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth.

Từ 1966 đến 1970, Lực lượng đặc nhiệm Úc tham gia chương trình “bình định”. Giai đoạn đầu, họ xây dựng quan hệ với dân chúng địa phương. Giai đoạn sau, họ khảo sát “ấp chiến lược” để phác thảo dự án “bình định”, yêu cầu Mỹ cung cấp vật liệu xây dựng. Ngoài “bình định”, Lực lượng đặc nhiệm Úc còn tham gia các cuộc hành quân “tìm diệt” cùng Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Họ được mệnh danh là “những tay thợ đào” khi khám phá hệ thống hầm lớn của quân cách mạng.

Tháng 3/1966, sau cuộc tập kích của lực lượng vũ trang cách mạng vào sân bay Vũng Tàu, Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hoà biến Vũng Tàu thành trung tâm hậu cần lớn, cũng là hậu cứ quan trọng của quân đội Úc. Từ tháng 5 đến tháng 6/1966, Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 1 Mỹ cùng một tiểu đoàn Úc mở cuộc hành quân Hardi Hood đánh vào vùng giải phóng thuộc tỉnh lộ 2, nhưng các lực lượng cách mạng tại chỗ dựa vào các cao điểm chống trả quyết liệt, bẻ gãy trận càn, liên minh Mỹ - Úc và quân đội Việt Nam Cộng Hoà buộc phải rút khỏi căn cứ Minh Đạm. Tại Bà Rịa, quân Mỹ chuyển giao trách nhiệm bình định cho Trung đoàn bộ binh số 1 Úc. Tháng 8/1966, lực lượng quân Úc ở địa bàn gồm hơn 1.000 người. Họ còn giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, chuyên huấn luyện chiến tranh chống du kích. Ngày 17/8/1966, quân giải phóng mở trận phục kích tại Vườn Xoài, gây bất ngờ cho quân đội Úc. Đây là trận đọ sức lớn nhất giữa quân giải phóng và quân Úc trong suốt thời gian tham chiến. Sau thất bại tại Long Tân, quân Úc mở nhiều trận càn lớn hơn vào các vùng căn cứ kháng chiến, kết hợp với quân đội Việt Nam Cộng Hoà thực hiện gom dân lập “ấp tân sinh” nhằm chia rẽ phong trào cách mạng.

Thủ tướng Harold Holt thăm Tiểu đoàn 1RAR tại Biên Hòa, năm 1966. Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth.

Từ tháng 10/1966 đến tháng 6/1967, liên minh Mỹ và đồng minh mở cuộc phản công chiến lược trong mùa khô thứ hai. Quân Úc yểm trợ cho công tác bình định, tập trung vào Long Đất, xây dựng tuyến hàng rào dài 11km cắt đứt giao thông, cô lập căn cứ Minh Đạm. Đến tháng 7/1967, quân Úc sử dụng chiến thuật “hàng rào mìn” và biệt kích, gây nhiều khó khăn cho quân cách mạng.

Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Úc tăng cường lực lượng lên 7.661 người, thực hiện chiến thuật “ụ ngầm” nhằm bao vây ba xã vùng đất đỏ (Phước Thọ, Phước Thạnh, Phước Hòa Long) tạo lá chắn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ ngoài vào. Các hệ thống ụ ngầm làm xong, liên quân Mỹ - Úc từng bước quay vào để lùng bắt các chiến sĩ cách mạng.

Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân Úc cùng quân đội Việt Nam Cộng Hoà phản kích, ngăn chặn các cuộc tiến công của quân cách mạng. Qua một năm chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy, liên minh Úc - Mỹ cùng quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã giành được một số kết quả nhất định. Đợt 2 và 3 của cuộc tổng tiến công quân cách mạng gặp khá nhiều tổn thất. Từ tháng 6 năm 1969, sư đoàn 18 quân đội Việt Nam Cộng Hoà phối hợp với quân đội Mỹ và quân đội Úc hoạt động trên ba địa bàn chính: Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc và tỉnh lộ 2 nối dài về Bà Rịa với các chiến thuật chủ yếu: biệt kích, phục kích nhỏ kết hợp tập kích lớn bằng hỏa lực.

Năm 1969, quân đội Úc sử dụng chiến thuật “ụ ngầm” và “hàng rào lá chắn”; Đầu năm 1970 họ tiếp tục áp dụng chiến thuật “hàng rào lá chắn”, tấn công căn cứ Minh Đạm. Tuy những chiến thuật này cuối cùng đều thất bại nhưng cũng gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho lực lượng cách mạng.

Trung tá John Warr (trái), chỉ huy trưởng của 5RAR, và Đại úy Robert O'Neill, sĩ quan tình báo của 5RAR, lên kế hoạch cho một chiến dịch tìm và diệt vào năm 1967. Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth.

Như vậy, trong suốt năm 1970, quân Úc đã phối hợp với quân Mỹ liên tục tổ chức các cuộc phục kích, ném bom bắn phá vùng Long Đất với mục đích ngăn chặn, gây khó khăn cho lực lượng cách mạng. Song với tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, quân và dân huyện Long Đất vẫn tiếp tục đứng vững giữ địa bàn. Bằng phong trào chiến tranh du kích, quân dân Long Đất đã đạt được nhiều chiến công lớn: loại khỏi vòng chiến đấu 527 lính Úc, phá vỡ hệ thống phòng vệ dân sự của Mỹ - Úc với 1.119 người, bắn rơi 10 máy bay, phá hủy 60 xe cơ giới và xe ủi... Những thắng lợi quân sự này đã giáng một đòn tâm lý nặng nề vào lực lượng của quân đội Úc đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Thủ tướng John Gorton thăm quân đội của 3RAR tại Núi Đất, 1968. Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth

Sự thất bại của quân đội Úc tại Long Đất và quá trình rút quân (1971-1973)

Trong hơn 4 năm thực hiện nhiệm vụ “bình định” tại Long Đất theo sự chỉ đạo của Mỹ, quân đội Úc đã chịu tổn thất nặng nề. Mục tiêu biến Long Đất thành một mô hình bình định kiểu mẫu ở miền Đông đã không thành công trước sự kháng cự của quân dân cách mạng.

Các binh sĩ của 7RAR chờ máy bay trực thăng tại căn cứ Núi Đất lúc bắt đầu một chiến dịch, năm 1970. Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth.

Tháng 3/1971, Thủ tướng Úc tuyên bố cắt giảm quân đội tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi rút quân hoàn toàn, vào tháng 6/1971, quân đội Úc phối hợp với quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hoà mở trận càn lớn vào căn cứ Minh Đạm. Mục tiêu là tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến huyện Long Đất và bảo đảm an toàn cho việc rút quân. Trận càn diễn ra ác liệt với sự tham gia của bộ binh Mỹ, xe tăng Úc và lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, quân đội cách mạng đã bố trí hỏa lực và bãi mìn hiệu quả, gây thiệt hại nặng nề cho liên quân. Kế hoạch của liên minh Mỹ - Úc một lần nữa thất bại.

Một chiếc xe tăng Centurion của Úc tại khu vực biên giới của tỉnh Phước Tuy và Long Khánh, năm 1971. Nguồn: Edwards, P. F. (2014). Australia and the Vietnam War. NewSouth.

Những thất bại trên chiến trường Bà Rịa cộng với sự lên án của nhân dân tiến bộ trong nước đã buộc Chính phủ Úc phải “xuống thang”, tính toán kế hoạch rút quân cụ thể. Đỉnh điểm là ngày 18 tháng 8 năm 1971, Thủ tướng Úc chính thức tuyên bố trước Quốc hội quyết định rút tất cả các lực lượng tác chiến Úc khỏi Nam Việt Nam bắt đầu từ tháng 12 năm 1971. Ngày 5 tháng 3 năm 1972 đơn vị hậu cần cuối cùng của quân đội Úc rời khỏi Vũng Tàu. Ở Việt Nam còn một đội cố vấn 150 người giữ vai trò huấn luyện và lực lượng này cũng rút khỏi Nam Việt Nam vào ngày 8 tháng 12 năm 1972. Theo quy định của Hiệp định Pari (1973) Mỹ và quân đội các nước Đồng minh phải rút hết quân về nước. Đến đây, sứ mệnh tham chiến tại Nam Việt Nam của quân đội Úc trong vai trò là đồng minh của Mỹ đã chính thức chấm dứt.

Người viết: Nguyễn Hoàng Thái, Nhân viên Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm.