Henri Martin (1927-2015) được nhiều thế hệ những người kháng chiến Việt Nam biết đến như một người bạn cộng sản đã dũng cảm đấu tranh chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.
Ông tên đầy đủ là Henri Ursin Clément Martin, sinh ngày 23 tháng 1 năm 1927 tại làng công nghiệp Rosières, xã Lunery, thuộc tỉnh Cher, Pháp. Cha của ông, Louis Martin, xuất thân từ một gia đình nông dân, làm công nhân lắp đặt tại nhà máy Rosières chuyên sản xuất bếp. Mẹ của ông – bà Mathilde, nhũ danh Gimonet, có bố mẹ là công nhân nông nghiệp. Người cha Louis Martin cùng với các đồng nghiệp của mình đã tham gia các phong trào đình công trong 2 năm 1936 và 1938. Chính vì vậy ông bị chủ nhà máy sa thải. Sau đó ông tham gia và trở thành thành viên kháng chiến cộng sản ở địa phương.
Vì gia đình nghèo nên dù học rất giỏi nhưng Henri không thể học tiếp lên Trung học mà phải đi học trường nghề, sau đó làm công nhân vặn ốc vít trong nhà máy. Theo chân cha tham gia kháng chiến, Henri Martin bắt đầu phát truyền đơn vào ban đêm tại làng của mình từ năm 1943. Đến năm 1944, ông chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.
Tháng 12/1944, Henri Martin xin gia nhập Hải quân Pháp với vai trò thợ cơ khí. Đến cuối tháng 5/1945 ông mới được triệu tập và ký cam kết gia nhập quân ngũ 5 năm vào ngày 01 tháng 6 năm 1945. Sau khi qua căn cứ không quân hải quân Hourtin (Gironde), ông đã hoàn thành khóa thực tập thợ cơ khí ở Mimizan (Landes). Vào tháng 12 /1945, ông được phái đi Toulon (Var, Pháp), trở thành thành viên phục vụ trên tàu chiến mang tên Chevreuil của Pháp sang Đông Dương để giải giáp quân đội phát xít Nhật, nhưng sau khi chứng kiến cảnh thành phố Hải Phòng bị tàn phá năm 1946, ông đã nhận ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến mà Pháp đang tiến hành ở Đông Dương.
Henri Martin xin xuất ngũ ngay nhưng bị từ chối. Cuối năm 1946, mặc dù được cấp trên đánh giá cao về phẩm chất chuyên môn và lòng dũng cảm, được bổ nhiệm làm thủy thủ - thợ máy hạng nhất, nhưng Henri Martin đã từ chối nhận Huân chương chiến công vì ông thấy mình có tội khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1947, trở lại quân cảng Toulon, ông liên lạc với chi bộ Đảng Cộng sản Pháp ở tỉnh Var, tham gia rải truyền đơn kêu gọi thủy thủ phản chiến. Ngày 13/3/1950, ông bị bắt và bị Tòa án quân sự Pháp kết án 5 năm tù. Trước tòa, ông lớn tiếng khẳng định rằng quyền độc lập thuộc về người dân Việt Nam.
Hành động phản chiến của Henri Martin và việc ông bị cầm tù đã làm dấy lên phong trào đòi trả tự do cho ông. Trước sức ép của dư luận và các lực lượng tiến bộ, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho ông vào ngày 02/8/1953. Ông tiếp tục tham gia tích cực các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp, tổ chức nhiều hoạt động phản đối chiến tranh thực dân ở Đông Dương, Algeria và phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, có lúc ông đã bị bắt, bị phạt tiền vì những hoạt động này. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Hữu nghị Pháp - Việt.
Sau khi ra tù, Henri Martin (thứ 2 từ trái sang) cùng với Raymonde Dien (cũng là một biểu tượng của phong trào đoàn kết quốc tế, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Pháp ngay trong lòng nước Pháp) được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nồng nhiệt tại Việt Nam. Ảnh: Báo NGF, tháng 2 năm 1969, số 64.
Tình đồng chí cộng sản của Henri Martin được thể hiện rõ nhất trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ông tận tình hỗ trợ, giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đến ngày toàn thắng (1973).
Những năm tiếp theo, Henri Martin liên tục giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng Cộng sản Pháp. Mặc dù tuổi ngày càng cao, sức yếu, ông vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi mỗi bước phát triển của Việt Nam, sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong các hoạt động nhân đạo, nhất là việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Từ những năm 1990, ông chịu trách nhiệm về các vấn đề của Cựu chiến binh. Ông và các cựu chiến binh Pháp và nhiều bạn bè cựu chiến binh ở Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản đã cùng nhau vận động thực hiện ý tưởng xây dựng làng Hữu nghị ở Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội để nuôi dưỡng, chữa trị cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Tại Pháp, “Ngày Việt Nam” đã được tổ chức để vận động quyên góp ủng hộ cho Làng Hữu Nghị.
Với những đóng góp xuất sắc của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển của Việt Nam, Henri Martin được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bày tỏ niềm vinh dự khi được nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam, Henri Martin chia sẻ: “Đối với tôi, không có vinh dự nào to lớn hơn là được thừa nhận là bạn của nhân dân Việt Nam”.
Ông Henri Martin trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2004. Ảnh: Kim Anh/Tuổi trẻ Online
Những năm cuối đời, ông vẫn luôn hành động vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vì người nghèo Việt Nam và vì tình hữu nghị giữa hai nước Pháp - Việt. Ông qua đời tại Thành phố Pantin, ngoại ô Pháp vào ngày 17/02/2015, hưởng thọ 88 tuổi.
Năm 2019, tên Henri Martin được đặt cho một con đường tại thành phố Pantin. Phát biểu tại lễ gắn biển tên đường, Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh: Tên tuổi của Henri Martin và Raymonde Dien trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng quốc tế cao cả nhất, hết lòng ủng hộ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chính vào những thời khắc khó khăn nhất của cuộc chiến, nhân dân Việt Nam đã không đơn độc vì có những người bạn Pháp như Henri Martin luôn sát cánh, hết lòng ủng hộ. Các thế hệ người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm và sự hy sinh của các bạn Pháp, những chiến sĩ hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
Người viết: Nguyễn Thị Anh