Phần 1: Phái bộ Cố vấn Quân sự Mỹ cho Đông Dương (MAAG) – tiền thân của Bộ Chỉ huy Viện trợ Mỹ tại Việt Nam
Trong khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh tại Đông Dương, chính quyền Mỹ đã viện trợ tài chính và vũ khí cho Pháp. Tháng 9/1950, Phái bộ Cố vấn Quân sự Mỹ cho Đông Dương (Military Assistance Advisory Group - MAAG) do tướng Brink chỉ huy đã có mặt tại Sài Gòn với nhiệm vụ giám sát việc sử dụng các trang thiết bị quân sự viện trợ của Mỹ trị giá 10 triệu dollar (thời giá năm 1950) để hỗ trợ Pháp trong nỗ lực chống lại Việt Minh.
Báo Tia Sáng ngày 19/2/1954 đưa tin về việc Phái bộ quân sự Mỹ có mặt tại Đông Dương. Nguồn:http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=WOIt19540519&e=--vi-20-1-img-txIN-
Sau Hiệp định Geneve 1954, để giúp chính phủ Việt Nam Cộng hòa xây dựng lực lượng và loại trừ ảnh hưởng của Pháp, ngày 12/2/1955, chính phủ Mỹ quyết định sẽ chuyển các viện trợ quân sự trực tiếp cho chính quyền Ngô Đình Diệm và trách nhiệm quân sự lớn sẽ được chuyển giao từ người Pháp sang cho tổ chức MAAG với sự chỉ huy của Trung tướng John O'Daniel. Tuy nhiên, vào năm 1961, sau thắng lợi của Phong trào Đồng Khởi, các hoạt động quân sự của lực lượng giải phóng ở miền Nam cũng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ đã tăng ảnh hưởng của mình lên chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Viện trợ quân sự của Mỹ tăng nhanh chóng từ 50 triệu dollar (1959) lên đến 144 triệu dollar (1961). Đồng thời, chính quyền Ngô Đình Diệm phải cho phép các cố vấn Mỹ được tham gia chỉ huy đến cấp tiểu đoàn. Tuy số lượng cố vấn tăng lên liên tục, nhưng Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn không thể ngăn chặn sự phát triển của những đội quân giải phóng miền Nam. Vì vậy, ngày 8/2/1962, Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (The US Military Assistance Command, Vietnam - MACV) được thành lập sau khi Tổng thống Mỹ Kennendy ra lệnh tăng thêm quân Mỹ tới miền Nam Việt Nam. MACV có trụ sở đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, chịu sự điều hành trực tiếp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) ở Hawaii. Dưới danh nghĩa là “Bộ chỉ huy viện trợ quân sự” nhưng MACV chịu trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam thay cho MAAG được thành lập từ năm 1950.
Trước tình hình Pháp ngày càng sa lầy, chính quyền Mỹ ra sức giúp quân đội Pháp. Tháng 9/1950, Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ cho Đông Dương (MAAG) được thành lập ở Sài Gòn với những quân nhân Mỹ đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Các chuyên gia quân sự Mỹ chuẩn bị bàn giao máy bay C-47 cho quân đội Pháp. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Trên chiến trường miền Nam từ sau năm 1962, MACV đảm nhiệm đồng thời ba nhiệm vụ gồm: nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến tranh trên lĩnh vực quân sự; nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa trên các mặt chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật và nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng yểm trợ Mỹ bao gồm không quân, hải quân, pháo binh, hậu cần… để chi viện cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Tháng 2/1962, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV) được thành lập dưới sự chỉ huy của tướng Paul D. Harkins. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Tháng 5/1962, MACV chính thức nới rộng quyền hạn với tính chất một bộ tư lệnh tiền phương của Mỹ ở Đông Nam Á, không chỉ đảm trách về mặt quân sự ở miền Nam Việt Nam mà trên toàn Đông Dương và Thái Lan. Trên thực tế, MACV không những chỉ huy lực lượng yểm trợ Mỹ mà còn toàn quyền chỉ huy quân Mỹ, đồng minh và quân đội Việt Nam Cộng hòa hành quân càn quét “tìm diệt”, hành quân “bình định” thông qua Bộ tham mưu chung. Tuy nhiên không phải lúc nào MACV cũng có thể chỉ huy một cách dễ dàng và thông suốt. Không kể MACV là cơ quan chỉ huy cao nhất của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam còn có một số cơ quan chỉ huy khác.
(còn tiếp...)
Người viết : Biện Thu Ngần