Phần 2: Gia tăng cố vấn quân sự Mỹ tại chiến trường Việt Nam (tiếp theo)

3. Khối lực lượng (các bộ tư lệnh) và hệ thống cố vấn:

Tháng 8/1965, Mỹ cho thành lập Bộ tư lệnh Đặc nhiệm “Anpha” (Task Force Alfa) đóng tại Nha Trang để trực tiếp chỉ huy lực lượng chiến đấu trên bộ của Mỹ và quân đồng minh Nam Triều Tiên, Úc, Tân Tây Lan. Đến tháng 9/1965 Bộ tư lệnh “Anpha” đổi thành Bộ tư lệnh dã chiến 1 và vẫn tiếp tục đóng căn cứ ở Nha Trang chỉ huy lực lượng Mỹ và Nam Triều Tiên ở cao nguyên và Nam phần Trung bộ. Đến 15/3/1966 Bộ tư lệnh Dã chiến 2 được thành lập, đóng căn cứ tại Long Bình – Biên Hòa, có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng chiến đấu Mỹ ở Nam bộ. Các tổ chức chỉ huy của các quân, binh chủng bảo đảm cũng được triển khai song song. Ngày 21/7/1965, Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ và Bộ tư lệnh hậu cần số 1 thành lập, cũng đóng tại Long Bình để chỉ huy công tác hậu phương và hậu cần toàn miền Nam Việt Nam. Bộ tư lệnh sư đoàn không quân số 2 Mỹ ở Tân Sơn Nhất tách khỏi sự chỉ huy của tập đoàn không quân số 13 ở Phi Luật Tân, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương và đến năm 1966 phát triển thành Bộ Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 đảm nhận toàn bộ hoạt động không quân của Mỹ ở Đông Dương. Tuy nhiên, mọi hoạt động của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng đều phải thông qua sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy quân sự MACV.

  • Bộ tư lệnh lục quân và Đoàn cố vấn lục quân, sở chỉ huy đóng tại Long Bình (Biên Hòa).
  • Bộ Tư lệnh hải quân và Đoàn cố vấn hải quân, sở chỉ huy đóng tại 117, Phan Đình Phùng, Sài Gòn.
  • Bộ Tư lệnh tập đoàn không quân số 7 và Đoàn cố vấn không quân, sở chỉ huy đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.
  • Bộ Tư lệnh Lính thủy đánh bộ số 3 (III MAF) và Đoàn cố vấn Vùng 1 chiến thuật, sở chỉ huy đóng tại Đà Nẵng.
  • Bộ Tư lệnh Quân đoàn 24 (XXIV Corps), sở chỉ huy đóng tại Phú Bài (Huế)
  • Bộ Tư lệnh Dã chiến 1 đóng tại Nha Trang
  • Bộ Tư lệnh Dã chiến 2 (II. Field Force) và đoàn cố vấn Vùng 3 chiến thuật, sở chỉ huy đóng tại Long Bình (Biên Hòa).
  • Bộ Tư lệnh hậu cần số 1 đóng tại Long Bình (Biên Hòa).
  • Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự ở đồng bằng sông Cửu Long, sở chỉ huy đóng tại Cần Thơ.
  • Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt số 5, sở chỉ huy đóng tại Nha Trang.

4. Khối lực lượng yểm trợ:

Khối lực lượng yểm trợ cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam bao gồm các đơn vị:

  • Hạm đội 7.
  • Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược tiền phương (SACAE – Strategic Air Command Advanced Echelon)
  • Đại diện thông tin quốc phòng và lực lượng bảo vệ giao thông vận tải ở Đông Nam Á.

5. Khối lượng đồng minh tham chiến của Mỹ ở miền Nam Việt Nam gồm các nước: Nam Triều Tiên, Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan và Phillippin. Đó là những nước tham gia trực tiếp, ngoài ra còn có 34 nước tham gia gián tiếp như: tiếp tế hậu cần, vận chuyển, huấn luyện, đóng góp lương thực, thuốc men, trang bị kỹ thuật, chuyên gia…bao gồm Nhật Bản, Anh, Argentina, Canada, Brazil, Đan Mạch….

  • Thái Lan: chính thức đến tham chiến ngày 19/9/1967, rút quân vào tháng 3/1972. Quân số vào thời điểm cao nhất là hơn 11.000 người, đóng quân tại Long Thành – Biên Hòa.
  • Philippines: chính thức đến tham chiến vào tháng 4/1965, rút quân vào ngày 15/1/1970. Quân số vào thời điểm cao nhất là hơn 2.000 người, đóng quân tại Tây Ninh, Bình Dương, Gia Định, Long An.
  • Nam Triều Tiên: chính thức đến tham chiến vào 19/8/1964, rút quân vào ngày 23/3/1972. Quân số vào thời điểm cao nhất là 50.000 người, với tổng cộng 328 lượt quân tham chiến. Trong đó có những đơn vị khét tiếng như: Sư đoàn Mãnh Hỗ, Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ Rồng Xanh. Khu vực đóng quân chủ yếu là ở các tỉnh miền Trung.
  • Úc: chính thức đến tham chiến vào 31/7/1962, rút quân vào ngày 31/1/ 1973. Quân số vào thời điểm cao nhất là hơn 7.500 người, đóng quân tại Núi Đất – Phước Tuy.
  • Tân Tây Lan: chính thức đến tham chiến vào tháng 7/1965, rút quân vào tháng 6/1972. Quân số vào thời điểm cao nhất là 550 người, đóng quân tại Núi Đất – Phước Tuy.
  • Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, MACV đã trực tiếp chỉ huy một số đơn vị lính Mỹ: Sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ), Sư đoàn bộ binh số 25 (Tia chớp nhiệt đới), Lữ đoàn Không vận 173, Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp số 11, Lữ đoàn 1 Sư đoàn Không vận số 101, Lữ đoàn Bộ binh số 199, Sư đoàn Bộ binh số 9, Sư đoàn Không vận số 82.

Bộ chỉ huy Nam Triều Tiên tại Sài Gòn năm 1969. Nguồn: https://www.flickr.comphotos13476480@N077702215390

Từ năm 1964 đến 1973, tổ chức MACV trên thực tế là cơ quan có quyền lực nhất tại miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ chỉ huy mọi hoạt động quân sự của Mỹ và các nước đồng minh. Ngay cả các tổng thống Việt Nam Cộng hòa nhiều khi cũng không được can dự vào các quyết định của MACV, và nếu muốn, MACV có thể ra lệnh lật đổ bất kỳ tổng thống Việt Nam Cộng hòa nào mà họ muốn phế truất, tương tự như các Toàn quyền Đông Dương của Pháp trong thời Pháp thuộc

Sau 11 năm tồn tại, theo điều khoản của Hiệp định Paris, các lực lượng Mỹ và đồng minh phải về nước trong vòng 60 ngày kể từ ngày ngừng bắn. Do đó, MACV cũng được giải tán vào ngày 29/3/1973. Tuy giải tán trên danh nghĩa, nhưng trong thực tế, các cố vấn quân sự Mỹ vẫn hiện diện ở miền Nam Việt Nam để điều phối các hoạt động quân sự cho tới ngày 30/4/1975 dưới danh nghĩa Văn phòng Tùy viên Quân sự Mỹ (Defense Attaché Office Saigon- DAO).

Người viết : Biện Thu Ngần