Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với mục đích nhằm liên minh những người dân miền Nam Việt Nam có mục tiêu đấu tranh chống Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa, thực hiện đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo đấu tranh chính trị cũng như quân sự của Mặt trận tại các làng xóm ở miền Nam Việt Nam, trong những năm thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, mạng lưới cách mạng phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng rộng rãi đối với quần chúng nhân dân. Mạng lưới này được Hoa Kỳ gọi là “cơ sở Việt Cộng” (VCI – Viet Cong infrastructure), hay mạng lưới “cơ sở cách mạng” (theo các tài liệu Việt Nam).
Năm 1967, nhằm tăng cường thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của mạng lưới cơ sở cách mạng cũng như nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với vùng nông thôn, CIA và Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) thực hiện chương trình Phối hợp và Khai thác Tình báo (Intelligence Coordination and Exploitation-ICEX) vào tháng 7/1967. Năm tháng sau khi ICEX đi vào hoạt động, chương trình được chính quyền miền Nam Việt Nam đổi tên thành chương trình “Phượng Hoàng” hoặc “Phụng Hoàng”. Chương trình này được hoạch định với mục đích phát hiện và "vô hiệu hóa" – bắt giam, chiêu hàng, giết, hoặc kiềm chế – các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng, những người tuyển dụng và đào tạo cơ sở cho quân Giải phóng tại các xã ấp miền Nam Việt Nam, cũng đồng thời là những người hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh vũ trang.
Phù hiệu nhận diện của chương trình Phụng hoàng
Các lực lượng tham gia vào chương trình “Phượng hoàng” sẽ tiến hành điều tra, phân loại dân chúng và được phân chia theo tiêu chuẩn được ban hành trong bản “Huấn thị điều hành căn bản số 3”. Theo đó, dân chúng được phân thành tiêu chuẩn tư tưởng chính trị như sau:
- Thành phần hoạt động cho Cộng sản hoặc liên hệ mật thiết với Cộng sản: Đối với loại này, phải lập danh sách, lý lịch, nhân dạng, hình ảnh, giờ giấc ăn ở, theo dõi chặt chẽ hoạt động. Nếu có thể, móc nối tổ chức nội tuyến hoặc đưa người thâm nhập
- Loại thiên Cộng sản: Lập danh sách như loại 1 và tìm cách cô lập đời sống của họ, nếu có thể móc nối làm mật báo viên
- Loại tình nghi: Lập danh sách tình nghi, sau đó theo dõi mọi hành vi và các cuộc tiếp xúc của họ. Giám sát tỉ mỉ để phân tích tư tưởng nhằm áp dụng biện pháp đối phó. Nếu có thể, móc nối làm mật báo viên
- Đối với phần tử lừng chừng: Lập danh sách, tuyên truyền tác động làm chuyển biến tư tưởng của họ. Nếu có thể, mua chuộc, móc nối làm mật báo viên
Từ phân loại dân chúng để theo dõi, giám sát, đi tới hình thành hệ thống “Sổ đen”. Từ hệ thống này sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho Trung tâm quận chấm định mục tiêu để loại trừ. Hệ thống danh sách “Sổ đen” được lập theo 4 loại:
- Danh sách A (cần thanh toán): Bao gồm tất cả những hạ tầng cơ sở Cộng sản quan trọng nhất đang hoạt động tại địa phương.
- Danh sách B (loại có thể thanh toán): Bao gồm những hạ tầng cơ sở Cộng sản có nhiều hoạt động phức tạp cần theo dõi, kiểm soát để khi cần có thể chấm định mục tiêu loại trừ.
- Danh sách C (ưu tiên theo dõi): Ghi tên những phần tử quan trọng thuộc loại A và B nhưng chưa xác định rõ chứng cứ.
- Danh sách D (lập theo từng ấp - thôn): Được ghi đầy đủ thành phần cơ sở Cộng sản và thành phần võ trang Cộng sản, cả những người tình nghi trong mỗi ấp.
Sau đó, trung tâm quận tiến hành “chấm định mục tiêu” và phân thành 2 loại:
- Loại mục tiêu đang loại trừ: Đó là danh sách ghi tên những hạ tầng cơ sở Cộng sản mà trung tâm đã quyết định hành quân loại trừ (bắt và xử lý ngay).
- Mục tiêu sẽ loại trừ: Đó là danh sách ghi tên những hạ tầng cơ sở để ban hành quân sẽ thiết lập kế hoạch hành quân xử lý tiếp theo.
Chỉ huy hành quân đặc biệt quan tâm đến công tác thẩm vấn tù, hàng binh, những người bị bắt và số hồi chánh viên (cán bộ Cộng sản chiêu hồi). Đây là công tác được ưu tiên cao nhất, xử lý cấp thời những thông tin thu được qua thẩm vấn để phục vụ cho kế hoạch hành quân tiếp theo.
Sơ đồ mẫu một địa điểm tập trung dân chúng trong cuộc hành quân để thanh lọc:
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương - người bị CIA cưa chân sáu lần là một trong số hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam yêu nước bị bắt giữ từ chương trình Phượng Hoàng này.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Thương sinh năm 1938 tại xã Lộc Hưng, Trảng Bảng, Tây Ninh. Mẹ của ông là bà Lê Thị Tân, một nữ đảng viên tham gia cách mạng từ sớm và hy sinh trong ngục tù của nhà tù Côn Đảo năm 1947. Cha ông là Nguyễn Văn Chắc, một chiến sĩ quân báo, bị quân đội Việt Nam Cộng hòa bắt giam và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959. Tiếp nối truyền thống yêu nước, đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc, tháng 5/1959, Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là mang thư từ, điện báo từ Tây Ninh xuống Long Khánh (Đồng Nai) và rải truyền đơn trong đồn điền cao su.
Năm 1961, sau một thời gian đi học nghiệp vụ sĩ quan, ông được chọn làm vệ sĩ cho đồng chí Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định). Khi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Cục tình báo miền Nam. Nguyễn Văn Thương được tin tưởng chọn sang hoạt động tình báo, đặt dưới sự quản lý trực tiếp và huấn luyện của đồng chí Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn – Chợ Lớn).
Trong vai người bán bánh mì Tư Hiếu (bí danh của Nguyễn Văn Thương), ông hoạt động tình báo ở khu vực miền Đông Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và Sài Gòn. Ông tham gia các mũi giao thông của Cụm tình báo A18, A20, A22 và A36. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển về tin tức từ các điệp viên mà quân giải phóng cài cắm sâu trong chính quyền Sài Gòn của ông Ba Quốc (Thiếu tướng, AHLLVTND Đặng Trần Đức), Hai Nhạ (Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Hai Trung (Thiếu tướng, AHLLVTND Phạm Xuân Ẩn),… về Trung ương Cục miền Nam. Suốt thời gian hoạt động, ông đã chuyển khoảng 900 tin tình báo về chiến khu an toàn. Nhờ thông tin tin tình báo của ông đã giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng có những sách lược, chủ trương kịp thời đối phó với các chiến lược của đối phương.
Ngày 11/02/1969, ông bị chỉ điểm và bị bắt khi đang băng vội qua cánh đồng ấp 9 Bình Phước để chuyển 2 bản tài liệu quan trọng. Tên chỉ điểm đã chỉ điểm rằng ông là Nguyễn Văn Thương, tức Hai Thương, hay còn gọi là Tư Hiếu, phụ trách một mạng lưới tình báo.
Nhận thấy đây là người cần khai thác triệt để để nắm được mạng lưới tình báo quan trọng này, CIA dùng mọi biện pháp để mua chuộc. Sau một đêm tra tấn nhưng không khai thác được thông tin, quân đội Hoa Kỳ chuyển chiến thuật, đưa ông về 1 căn biệt thự sang trọng ở Sài Gòn, có đủ “kẻ hầu người hạ” và tách biệt với thế giới bên ngoài. Trên bàn, một tấm séc kí sẵn với trị giá 100.000 USD (thời điểm 1969), cùng vé máy bay một chiều mở có thể chọn bất kỳ quốc gia nào là đồng minh của Hoa Kỳ, cùng một viễn tưởng về gia đình hạnh phúc với cô gái trẻ tên Thùy Dương. Cuộc đấu trí cân não với chuyên gia tâm lý chiến Thùy Dương diễn ra trong suốt 100 ngày nhưng không đạt được kết quả, CIA quyết định tra tấn ông.
Không nhận được cái gật đầu chỉ với một câu hỏi “Mày là Nguyễn Văn Thương phải không?”, trong một tuần lễ, họ đã đập nát hai bàn chân ông, các ngón chân bị bẻ quặt theo các kiểu khác nhau, mười đầu ngón chân bị vặn trật ra khỏi khớp. Những đòn tra tấn “dằn mặt” không khuất phục được người chiến sĩ cách mạng. Bàn chân bị dập nát vì trận đòn cảnh cáo, những ngón chân bị bẻ gãy chưa kịp lành, viên sĩ quan Hoa Kỳ dùng ông để làm thí nghiệm “đòn tra tấn kiểu tân thời” bằng cách cưa chân ông ra từng khúc, từng khúc để ông không thể làm giao liên được nữa. Lần cưa chân thứ nhất, chân phải được chọn đầu tiên. Viên bác sĩ Mỹ hướng dẫn thực tập sinh người Mỹ phải cắt ra sao, xử lý phần thịt, phần xương, kẹp các tĩnh mạch, động mạch như thế nào để không làm tù binh chết, chỉ có thể… gần chết mà thôi. Sau đó, vẫn với câu hỏi “Mày là Nguyễn Văn Thương phải không? Vẫn là cái lắc đầu của ông, họ tiếp tục đưa ông lên bàn mổ và…cưa chân. Hết chân phải, họ cưa sang chân trái, tổng cộng, họ đã cưa chân Nguyễn Văn Thương 6 lần, cắt cụt cả 2 chân. Người Mỹ giao ông cho bệnh viện quân đội Việt Nam Cộng hòa, kể từ đó, ông là tù binh Nguyễn Trường Hận, số tù 7218, mù chữ, và là một thanh niên trốn lính.
Nguyễn Văn Thương sau đó bị giam ở trại giam Hố Nai trong suốt 20 tháng (trong đó có 18 tháng biệt giam), sau đó chính quyền Sài Gòn đưa ông đến trại giam tù bình Phú Quốc vào năm 1972. Tuy mất đi một phần thân thể song vẫn không làm nhụt đi ý chí đấu tranh của Nguyễn Văn Thương. Ông tiếp tục cùng các đồng chí khác tham gia đấu tranh chống chào cờ quốc gia, học văn hóa, chính trị. Nguyễn Văn Thương dùng đôi tay bò đi khắp nơi, đến giờ tập trung sinh hoạt, ông cũng “đi” nhanh như ai và quyết không để ai cõng. Ngày 14/02/1973, trong đợt trao trả tù binh đầu tiên sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tại Lộc Ninh, Nguyễn Văn Thương được cõng trên lưng một đồng chí, tay vẫn cầm đôi ghế con, phương tiện để ông sẵn sàng “chạy” ra đón gặp các đồng chí của mình, hướng về phía cờ giải phóng tìm kiếm. Từ phía xa, Đồng chí Tư Cang (AHLLVT Nguyễn Văn Tàu), cụm trưởng cụm 18 trong mạng lưới tình báo của Phạm Xuân Ẩn nhìn thấy ông, bế xốc Thương lên và đặt ông lên xe máy, đưa về trại an dưỡng.
Anh hùng Nguyễn Văn Thương bên người vợ Hai Em và con trai Thanh Liêm. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Thương vẫn đi khắp nơi để làm việc, nói chuyện với thế hệ sau về nghị lực cuộc sống, về tinh thần làm việc, cống hiến cho tổ quốc. Ngày 06/11/1978 Nguyễn Văn Thương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ông qua đời vào ngày 13/3/2018 tại Tp Hồ Chí Minh, hưởng thọ 81 tuổi.