Năm 1967, nhằm tăng cường thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự, chính trị cũng như nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với vùng nông thôn, CIA và Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) đã từng bước phối hợp theo dõi các hoạt động của quân đội giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Nói một cách khác, theo nhận định từ phía Hoa Kỳ, các cơ sở cách mạng ở nông thôn được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xây dựng và tổ chức liên kết hết sức chặt chẽ, do vậy, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn cần có một tổ chức để đối phó và phá vỡ mối liên kết ấy.
Ngày 09/5/1967, Hoạt động Công dân vụ và Phát triển Cách mạng (Civil Operations and Revolutionary Development Support-CORDS) được thành lập và nắm quyền kiểm soát các nỗ lực bình định của quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam. Nhằm cải thiện thông tin tình báo về đối phương, CORDS đã thực hiện chương trình Phối hợp và Khai thác Tình báo (Intelligence Coordination and Exploitation-ICEX) vào tháng 7/1967. Năm tháng sau khi ICEX đi vào hoạt động, chương trình được chính quyền miền Nam Việt Nam đổi tên thành chương trình “Phượng Hoàng” hoặc “Phụng Hoàng” (theo cách dùng từ của khu vực Nam bộ).
Phù hiệu nhận diện của chương trình Phụng hoàng
Chương trình Phượng Hoàng (tiếng Anh: Phoenix Program) (1968-1975) là chiến dịch tình báo, ám sát bí mật trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam được tiến hành bởi Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) với sự phối hợp của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Chương trình này được hoạch định với mục đích phát hiện và “vô hiệu hóa” – bắt giam, chiêu hàng, giết, hoặc kiềm chế – các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng, những người tuyển dụng và đào tạo cơ sở cho quân giải phóng tại các xã ấp miền Nam Việt Nam, cũng đồng thời là những người hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh vũ trang.
Phù hiệu nhận diện của chương trình Phối hợp và Khai thác Tình báo (Intelligence)
Mô hình tổ chức của chương trình “Phượng hoàng” gồm 4 cấp (cấp Trung ương, cấp vùng chiến thuật, cấp tỉnh và cấp quận). Cấp Trung ương gọi là “Ủy ban Phượng hoàng Trung ương” do Trần Thiện Khiêm làm Chủ tịch; cấp vùng chiến thuật và cấp tỉnh do Tư lệnh vùng và Tỉnh trưởng làm Chủ tịch; cấp quận gọi là “Trung tâm phối hợp tình báo hành quân”, do Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng làm trưởng Trung tâm (gọi tắt là Tổ chức Phượng hoàng quận). Đây là cấp trực tiếp thực thi chương trình, đồng thời cũng là cấp quan trọng trong chương trình. Điều này được thể hiện rõ trong “Huấn thị điều hành căn bản số 3” với 02 chức năng:
- Tăng cường khả năng nhân sự cho quận trưởng (tức trung tâm trưởng), đồng thời thống nhất chỉ huy và hành động trong nhiệm vụ tiêu diệt Cộng sản.
- Tập trung tất cả các nguồn tin bí mật do cơ quan an ninh, tình báo trong quận thu thập để nghiên cứu, đánh giá, phối hợp kiểm tra nhanh chóng, nhằm phản ứng kịp thời tại địa phương.
Trung tâm Phối hợp tình báo và hành quân Quận được xem như một cơ cấu chấp hành căn bản của Kế hoạch Phượng hoàng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của các tổ chức “Phượng hoàng” cấp quận gồm:
- Thi hành chỉ thị của Ủy ban Phượng Hoàng cấp trên, hoạt động liên tục 24 giờ/ngày.
- Phối hợp và hướng dẫn hoạt động của các cơ quan hội viên và đơn vị quân sự trong quận về trách nhiệm sưu tầm tin tức tình báo, duy trì an ninh và hành quân chống phá hạ tầng cơ sở Cộng sản.
- Khám phá các tổ chức Cộng sản trong lãnh thổ quản lý cùng các cơ cấu yểm trợ các tổ chức này tại xã, ấp.
- Khai thác nhanh chóng các tin tức tình báo thu được. Tổ chức hành quân nhằm tiêu diệt cơ sở Cộng sản tại địa phương.
- Cung cấp kịp thời tin tức tình báo có giá trị nhằm tiêu diệt các cơ sở cách mạng.
- Trao đổi tin tức tình báo.
- Báo cáo kết quả tiêu diệt các cơ sở cách mạng.
Sơ đồ tổ chức Ủy ban “Phượng hoàng” theo Sắc lệnh số 280-a/TT/SL ngày 01/7/1968 của Việt Nam Cộng hòa:
Sơ đồ tổ chức trung tâm phối hợp tình báo hành quân Quận:
Nhân lực cốt cán tham gia chương trình “Phượng hoàng” là những “hội viên” gồm: xã trưởng, phó xã trưởng an ninh, ủy viên quân sự, cán bộ thông tin chiêu hồi, trưởng phân chi cảnh sát quốc gia; đoàn trưởng xây dựng nông thôn, toán trưởng võ trang tuyên truyền chiêu hồi, trung đội trưởng nghĩa quân, toán trưởng nhân dân tự vệ; cán bộ chiêu hồi, xây dựng nông thôn, quân báo, cảnh sát, các đoàn viên nhân dân tự vệ...
Thời gian đầu, các thông tin tình báo thu được không mang lại hiệu quả. Chỉ đến khi các cơ sở cách mạng bị lộ khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chương trình “Phượng hoàng” bắt đầu thu được tin tình báo có giá trị. Theo Hoa Kỳ, riêng năm 1968 sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân, hơn 13.000 cán bộ nằm vùng bị bắt hoặc giết qua chiến dịch Phượng hoàng. Những cán bộ Mặt trận Dân tộc bị bắt giữ, đối xử như tội phạm hình sự, bị xử án và tù đày (hoặc hành hình), hoặc bị thuyết phục để ly khai hàng ngũ những người Cộng sản và quy hàng chính phủ. Một biện pháp của quân đội Mỹ nhằm vào mạng lưới cách mạng ở nông thôn là bố ráp và truy lùng: quân đội bao vây một làng nghi vấn có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động, sau đó tra hỏi rồi dời dân chúng đi nơi khác. Một số chiến dịch cũng dùng các biện pháp quân sự ví dụ như phục kích quân giải phóng ở khoảng trống giữa các thôn ấp. Kể từ năm 1968, CIA đã mở rộng hỗ trợ cố vấn và tài chính cho chương trình này. Đến năm 1970, đã có 705 cố vấn Phượng hoàng người Mỹ trên khắp 44 tỉnh ở miền Nam Việt Nam.
Theo thống kê của Hoa Kỳ, từ năm 1968 - 1972, chương trình “Phượng hoàng” đã bỏ tù, chiêu hồi hoặc giết chết hơn 81.000 người bị tình nghi là quân giải phóng, trong đó hơn 26.000 người đã bị giết.
Người viết: Đặng Hồ Xuân Hương