Sau ngày thống nhất đất nước, để lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ ở Việt Nam, Đảng bộ thành phố Sài Gòn (nay là Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh) đã chủ trương thành lập Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy tại số 28 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần, TP.HCM). Mục đích của nhà trưng bày không ngoài giáo dục thế hệ trẻ về cuộc kháng chiến chống Mỹ và nâng cao cảnh giác cách mạng.
Ngày 10/11/1990, Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy được UBND TP.HCM ra quyết định đổi tên thành Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược để phù hợp với chính sách đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam. Dù với tên gọi nào, Nhà trưng bày vẫn tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền lên án tội ác chiến tranh xâm lược, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ.
Ngày 04/7/1995, Nhà Trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược chính thức trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM). Việc chuyển đổi này đánh dấu sự trưởng thành, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành bảo tàng và quan điểm đối ngoại "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước". Đặc biệt, sự kiện này diễn ra cùng thời điểm Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày chứng tích chiến tranh, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định tình yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam.
***
Quý vị và các bạn có thêm thông tin gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không? Hãy chia sẻ trong Hội thảo quốc tế “Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh – Bảo tàng vì Hòa bình” nhé!
Địa chỉ nhận bài: btctct.hoithao2025@gmail.com.