Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 04/9/1975, là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam, các Bảo tàng vì Hòa bình thế giới (INMP) và là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là Bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Qua đó, Bảo tàng giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
Liên tục trong nhiều năm, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn được công chúng Việt Nam và quốc tế lựa chọn là một trong mười điểm tham quan thú vị ở Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách đông nhất ở TPHCM và cả nước. Trung bình mỗi ngày, Bảo tàng đón từ 2000 đến hơn 4000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Bảo tàng hiện có 9 chuyên đề trưng bày thường xuyên và nhiều chuyên đề trưng bày lưu động, thông qua đó giới thiệu đến công chúng về lịch sử, chứng tích tội ác của các thế lực xâm lược Việt Nam. Mặc dù tập trung nghiên cứu và trưng bày chủ yếu về giai đoạn 1954-1975, nhưng Bảo tàng không ngừng nghiên cứu, tập hợp nhiều nguồn tư liệu phong phú về giai đoạn kháng chiến chống Pháp xâm lược, trong đó không thể không nhắc đến tầm vóc và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một cột mốc quan trọng chấm dứt sự can thiệp của Pháp tại Việt Nam, thông qua các nội dung trưng bày tại Bảo tàng
1. Trưng bày về giai đoạn nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp ở chuyên đề “Những sự thật lịch sử”
Chuyên đề “Những sự thật lịch sử” trình bày tổng quan lịch sử Việt Nam từ năm 1945 - 1975 qua những sự kiện quan trọng về quá trình can thiệp từ gián tiếp đến trực tiếp tham chiến của quân đội Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong đó Bảo tàng đã dành phần mở đầu với hàng chục hình ảnh tư liệu được lựa chọn kỹ lưỡng giúp du khách hiểu được rõ lịch sử của giai đoạn kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Từ cuối thế kỉ XIX, từ một quốc gia độc lập, Việt Nam đã phải gánh chịu số phận trở thành thuộc địa của Pháp. Trong bối cảnh nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đã từng bước thay thế Pháp thống trị Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và bằng sự thành công của cuộc Cách mạng tháng 8/1945, nhân dân Việt Nam đã giành lại nền độc lập từ tay Pháp và Nhật.
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945, vào ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thế nhưng, hòa bình độc lập không được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu quay trở xâm lược một lần nữa nhằm tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ. Đặc biệt, trong lần quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Pháp đã nhận được sự viện trợ rất lớn từ Mỹ trên nhiều phương diện. Mặc dù, nhận được sự trợ giúp to lớn từ phía Mỹ, thế nhưng sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp liên tiếp phải hứng chịu những thất bại. Trước tình hình đó, vào tháng 5/1953, Pháp đã bổ nhiệm Tướng Henri Navarre – lúc bấy giờ đang là Tổng tham mưu trưởng lục quân khối quân sự Bắc Đại Tây Dương – sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tướng Navarre đã vạch ra “Kế hoạch Navarre” với tham vọng “giành thế chủ động để đánh bại Việt Minh trong vòng 18 tháng”. Từ tháng 11/1953, Navarre bắt đầu cho xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với ý đồ thu hút các lực lượng chủ lực của quân đội Việt Minh hòng tiêu diệt họ, tìm kiếm thắng lợi quân sự quyết định trên toàn chiến trường Đông Dương.
Nhưng sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng kiên cường bất khuất, quân và dân Việt Nam đã đập tan được tập đoàn cứ điểm này, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” buộc tướng De Castries và nhiều binh lính Pháp phải đầu hàng vô điều kiện. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, ngày 20/07/1954 thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Geneve, hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương và thừa nhận sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
2. Trưng bày về chiến tranh Đông Dương qua ống kính các phóng viên chiến trường tại chuyên đề “Hồi Niệm”.
Có thể nói, trưng bày chuyên đề “Hồi Niệm” là một trong những trưng bày chuyên đề hấp dẫn, thu hút nhiều khách tham quan. Với 275 tác phẩm của 134 tác giả (phóng viên) thuộc nhiều quốc tịch khác nhau ghi nhận về cuộc chiến tranh Đông Dương đã góp phần làm cho nội dung trưng bày tại Bảo tàng thêm phần phong phú.
Tác phẩm của họ có thể chưa từng được phương Tây biết tới cho đến khi được Horst Faas và Tim Page, hai nhiếp ảnh gia từng bị thương ở Việt Nam, tập hợp lại trong bộ sưu tập ảnh Hồi Niệm. Bộ sưu tập ảnh được chia làm nhiều phần, trong đó, mảng đầu tiên với tên gọi “Một cuộc chiến xa xôi” đã từng bước giới thiệu đến khách tham quan những hình ảnh tươi đẹp về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam song đã bị tàn phá dưới họng súng của xe tăng, bom đạn Pháp xâm lược.
3. Bộ sưu tập ảnh về Điện Biên Phủ qua ống kính của nhà nhiếp ảnh người Pháp Raymond Cauchetier
Raymond Cauchetier là nhà Nhiếp ảnh người Pháp sinh năm 1920. Từng tham gia kháng chiến chống phát xít Đức trong thế chiến thứ 2, ông đã tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương của nước Pháp, phụ trách bộ phận báo chí của lực lượng không quân Pháp tại Đông Dương. Nhờ ở vị trí công tác thuận lợi và với lòng yêu nghề, ông đã thực hiện nhiều bức ảnh về cảnh vật, cuộc sống, con người Việt Nam và Campuchia. Năm 1964, bộ sưu tập ảnh “Chân dung Việt Nam” của ông đã được Bảo tàng Smithsonian của Mỹ đưa đi trưng bày lưu động trên khắp nước Mỹ trong nhiều năm (Nhiều tác giả, 2014, tr.154-155).
Vào năm 2005, nhân chuyến thăm Việt Nam, ông đã tặng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh 54 hình ảnh ông đã chụp về Điện Biên Phủ. Đây là những hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Những hình ảnh này sau đó đã được Bảo tàng đưa vào trưng bày ngắn ngày "Điện Biên Phủ - Ngày ấy bây giờ" và tiếp tục chuyển thành triển lãm lưu động để đưa đến phục vụ rộng rãi tại các trường học, cơ quan, đơn vị trên cả nước.
Cũng như bộ sưu tập ảnh « Hồi niệm » của 134 phóng viên thuộc 11 quốc tịch trên thế giới ghi lại những hình ảnh về cuộc chiến tranh Đông Dương, những hình ảnh về Điện Biên Phủ của Raymond lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ hơn về cuộc chiến tranh mà Pháp tiến hành ở Việt Nam nói chung và tại Điện Biên Phủ nói riêng. Lịch sử không bao giờ thay đổi được. Và những giá trị lịch sử thông qua các bức ảnh lại càng không thể thay đổi để từ đó mọi người có một cái nhìn tích cực hơn trong việc xây dựng một thế giới hòa bình.
4. Trưng bày “Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève 1954”
Cùng với những trưng bày cố định hiện có, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sẽ thực hiện một trưng bày chuyên đề mới với tên gọi dự kiến “Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Hiệp định Genève 1954” để tiếp tục cung cấp cho du khách những hình ảnh, tư liệu quý về ý nghĩa của sự kiện lịch sử này. Trưng bày sẽ một lần nữa góp thêm tiếng nói khẳng định: vào nửa sau của thế kỷ XX, Điện Biên Phủ không chỉ là tên gọi một địa danh của Việt Nam mà đã vượt ra ngoài biên giới trở thành một tên gọi chung gắn với các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc từng bị áp bức, nô lệ trên thế giới (Mai Trọng Tấn, 2020, tr.45). Chắc chắn, đây sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ cho du khách Việt Nam và quốc tế quan tâm đến lịch sử để thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam.