Cách đây 80 năm ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập như một tất yếu lịch sử, tiếp nối Đội Cứu quốc quân mang trên mình sứ mệnh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Trong thời điểm thời cơ cách mạng đang đến gần, khi cả dân tộc ta đang bước lên con đường đấu tranh vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nhận định cực kỳ sáng suốt: “Bây giờ tình hình phát triển cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới, nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân Pháp làm cho nguy khốn. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng tới thành công” (Hồ Chí Minh, 1996, trang 4). Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức này chính là một trong những hình thức thích hợp với chủ trương ấy. Trong toàn bộ công cuộc vận động giải phóng dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giác ngộ, vận động, tổ chức quần chúng là một công tác hàng đầu, trên cơ sở phát triển lực lượng chính trị hùng hậu có thể xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Lực lượng chính trị của quần chúng không chỉ là cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang mà còn là chỗ dựa quan trọng cho lực lượng vũ trang tồn tại, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ. Nguyện vọng của ba mươi tư con người đều thống nhất: Mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp, mong sao Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chóng trở nên một đội quân mạnh mẽ, mong sao ngọn cờ đỏ sao vàng trong tương lai gần đây sẽ phấp phới bay giữa Thủ đô. Giữa rừng sâu, tràn ngập gió heo may, trong đêm đông giá lạnh và hùng tráng của Cao - Bắc - Lạng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời (Võ Nguyên Giáp, 1964, trang 124).

Trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là trận Phai Khắt, Nà Ngần ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944. Các chiến sĩ với tinh thần dũng cảm, mưu trí, lại được nhân dân địa phương hỗ trợ đã giành chiến thắng rực rỡ, thực hiện được lời căn dặn: Ra quân là thắng. Đó chính là động lực lớn quyết định tương lai của đội, gây được tiếng vang trong nước và lan truyền ra ngoài nước, đạt được mục đích tuyên truyền là kêu gọi toàn dân nổi dậy, làm cho nước ngoài chú ý tới công cuộc chống phát xít của Việt Nam. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã gây ra sự hoang mang lo sợ trong hàng quân Pháp, cổ vũ tinh thần cách mạng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt, chờ thời cơ vùng dậy phá xiềng xích áp bức của thực dân và phong kiến. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần làm sáng rực ý chí bách chiến bách thắng của đội quân cách mạng. Cuối năm 1944 bước đầu ta chuyển sang thế tấn công quân Pháp. Buộc quân Pháp phải tăng cường quân số và lập nhiều đồn bốt để đối phó với cách mạng.

Một tuần sau khi tiêu diệt đồn Phay Khắt, Nà Ngần, diệt nhiều sinh lực quân Pháp, thu nhiều vũ khí trang bị, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu, đánh nhanh, diệt gọn. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành đại đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đại đội đầu tiên của quân đội ta. Quân số của đại đội tăng, lúc này mới có biên chế chiến sĩ nữ. Đại đội gồm 4 trung đội. Cán bộ đại đội gồm Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) - đại đội trưởng, Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) - chính trị viên, Hoàng Văn Thái (tức Ngô Quốc Bình) - tình báo và kế hoạch tác chiến, Lâm Kính (tức Lâm Cầm Như) - chính trị, Văn Tiến (tức Lộc Văn Nùng) - quản lý. Các đồng chí trung đội trưởng gồm Nam Tuấn, Đàm Quốc Chưng, Đàm Quang Trung, Lĩnh Thành (Trần Thanh Hằng, 1999).

Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ hợp nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Sau đó không lâu, để thống nhất và phát triển các đơn vị vũ trang nhằm chuẩn bị lực lượng quân sự cho Tổng khởi nghĩa sắp đến, ngày 15-5-1945, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, lực lượng bộ đội chủ lực mang tên Việt Nam Giải phóng quân ra đời, trên cơ sở thống nhất Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân với các đơn vị Cứu quốc quân và các đơn vị vũ trang tập trung trong cả nước. Trong những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử, chính các lực lượng vũ trang nhân dân ta, trước hết là Việt Nam Giải phóng quân đã làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc: Thời kỳ độc lập, tự do và xã hội chủ nghĩa (Trần Đức Cường, 2004).

Từ năm 1945, Giải phóng quân của Việt Minh là lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 11 năm 1945 Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, còn gọi là Vệ quốc quân. Lúc này quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Một số chi đội đã “Nam tiến” để giúp quân dân miền Nam chống lại quân Pháp đang tấn công trở lại ở Nam Bộ. Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Đến đây, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành quân đội được tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. . . 

Trên suốt dặm dài lịch sử 80 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam đã minh chứng cho “lời tiên đoán” của lãnh tụ Hồ Chí Minh thành hiện thực: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng phóng quân – đội quân chủ lực đầu tiên là khởi điểm của giải phóng quân, tuy lúc đầu còn bé nhỏ nhưng tiền đồ rất vẻ vang, nó sẽ đi từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam (Hồ Chí Minh, 1996, tr.540). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã trở thành quân đội chính quy của dân tộc Việt Nam anh hùng. Với đội quân giải phóng hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ trong những ngày cách mạng tháng Tám, đến ngày nay quân đội ta đã lớn nhanh như Phù Đổng, từ lực lượng nhỏ bé tiến lên lực lượng mạnh; từ vũ khí trang bị thô sơ tiến lên trang bị vũ khí ngày càng hiện đại; từ một quân đội chỉ có bộ binh tiến lên thành quân đội có nhiều quân chủng, binh chủng; từ hoạt động phân tán tác chiến du kích là chính tiến lên hoạt động tập trung, tác chiến chính quy hợp đồng binh chủng, quân chủng quy mô ngày càng lớn. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, là lực lượng nòng cốt của toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân đánh bại hết kẻ thù này kẻ thù khác, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình mới (Hoàng Văn Thái, 1992).

Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ xây đắp nên truyền thống anh hùng, xứng đáng với lời ngợi khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.