Có rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi, vì sao nhân dân Việt Nam - một đất nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu hơn rất nhiều so với một cường quốc như Mỹ, nhưng lại có thể phản kháng và chiến thắng quân đội Mỹ hùng mạnh để giữ được độc lập, tự do cho dân tộc. Và tất nhiên sẽ có rất nhiều câu trả lời theo những lập trường quan điểm khác nhau. Nhưng nếu chúng ta có dịp tham quan không gian trưng bày chuyên đề “Hồi Niệm” tại Bảo tàng |Chứng tích Chiến tranh, thấy được sự đối lập về tương quan lực lượng trong các cuộc hành quân của hai phía trong chiến tranh Việt Nam từ hình ảnh do 2 phóng viên Hồ Ca và Henri Huet ghi lại, có lẽ tất cả chúng ta sẽ tìm được câu trả lời chung cho câu hỏi ấy.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vốn là cuộc chiến phi nghĩa do Mỹ - một cường quốc hùng mạnh có ưu thế khổng lồ về kinh tế, quân sự, công nghệ … và đối mặt với cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy là cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống yêu nước mãnh liệt và tinh thần yêu chuộng hòa bình.

Về khí tài: nhân dân Việt Nam yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ không có những khí tài tối tân thậm chí phải sử dụng những loại vũ khí của giai đoạn kháng chiến chống Pháp, còn phía quân đội Mỹ được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ.

Về hậu cần, phương tiện chiến tranh: trong khi quân đội Mỹ có một hệ thống đầy đủ, hiện đại các loại máy bay, tăng thiết giáp…thì quân dân Việt Nam chỉ có những chiếc tải cũ kỹ, xe đạp thồ để trèo đèo lội suối băng rừng, ngày đêm bị bom đạn Mỹ đánh pháVề hậu cần, phương tiện chiến tranh: trong khi quân đội Mỹ có một hệ thống đầy đủ, hiện đại các loại máy bay, tăng thiết giáp…thì quân dân Việt Nam chỉ có những chiếc tải cũ kỹ, xe đạp thồ để trèo đèo lội suối băng rừng, ngày đêm bị bom đạn Mỹ đánh phá.

Về lực lượng, hầu hết các chiến sĩ thuộc lực lượng cách mạng xuất thân từ nhiều tầng lớp, là những người nông dân bình thường, vừa phải chiến đấu vừa đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Nhưng họ phải đối diện trực tiếp với các đạo quân tinh nhuệ, thiện chiến, được rèn luyện, đào tạo bài bản.

 

Hình ảnh đoàn quân cách mạng bộ hành Nam tiến qua núi đồi của phóng viên Hồ Ca và hình ảnh đoàn trực thăng UH1 – H đông đảo như chim trời, mỗi chiếc được trang bị hỏa lực cực mạnh do Henri Huet chụp lại đã phản ánh rõ nét sự đối lập ấy của hai phía. Những chiếc trực thăng bay, đậu thành hàng choáng ngợp cả khung hình chính là nét bút phác thảo lên sức mạnh quân sự, kinh tế của cường quốc hàng đầu thế giới đương thời. Trong khi đó, bức ảnh Hồ Ca chụp hoàn toàn vắng bóng những khí tài tối tân, lớn lao, chỉ có những người lính Bắc Việt Nam bộ hành tiến vào chiến trường miền Nam với trang bị không nhiều. Thậm chí các loại vũ khí không thể mang vác một mình như súng cối cũng được tháo rời các bộ phận, chia ra nhiều người cùng mang, không có lực lượng vận tải, hậu cần nào hỗ trợ.

Tuy vậy, điểm ẩn chứa khi so sánh giữa hai bức ảnh nói trên chính là ưu điểm của Việt Nam đồng thời cũng là nhược điểm của Mỹ. Không giàu mạnh như Mỹ, không có khí tài tối tân, quân nhân chính quy đào tạo quy chuẩn như Mỹ, Việt Nam chỉ có thể phát huy sức mạnh duy nhất mà mình có – nhân lực. Toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết thành một khối, tận lực phát huy toàn bộ sức mạnh, ý chí, trí tuệ của mình, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ vì một mục tiêu chung: độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Ngược lại, hỏa lực mạnh, tiềm lực nhiều, sức mạnh lớn đôi khi không mang đến cho binh lính Mỹ ý chí và bản lĩnh chiến đấu thật sự, thay vào đó là sự phụ thuộc, suy giảm năng lực. Một bộ phận không nhỏ lính Mỹ đã xem cuộc chiến ở Việt Nam là một cuộc dạo chơi quân sự chóng vánh. Kết quả là khi hỏa lực vũ khí không thể khuất phục được quân dân Việt Nam thì tinh thần chiến đấu của họ xuống rất nhanh khi phải trực diện đối đầu với phương thức chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện của Việt Nam.

Dù cho ưu điểm bên này là nhược điểm của bên kia hay ngược lại thì cả hai phía đều chịu nhiều tổn thất cả vật chất lẫn tinh thần bởi chiến tranh. Nhưng sức mạnh của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của toàn thể dân tộc Việt Nam đã mang đến thắng lợi của ngày 30/4/1975. Thắng lợi này không chỉ nói đến lịch sử oai hùng của dân tộc, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ, những người đóng góp vào chiến thắng mà còn nhằm giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn, biết trân trọng gìn giữ hòa bình, lan tỏa tinh thần hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới, gìn giữ chủ quyền Tổ quốc; ra sức thi đua lao động, học tập, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Người viết: Đào Thị Quê