Phần 1: Madeleine Riffaud - nữ nhà báo, người chiến sĩ Cộng sản gan dạ.

Phóng viên Pháp Madeleine Riffaud. Nguồn:  https://special.nhandan.vn/Madeleine-Riffaud-1/

Khi bàn luận về đề tài “Báo chí viết về chiến tranh”, chúng ta thường tự đặt ra câu hỏi: chiến tranh có ít nhất hai phía, vậy báo chí có đứng ở hai phía không? Tuy nhiên, trải qua thực tiễn của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ở Đông Dương mà giới cầm quyền ở Pháp và Mỹ phát động, chúng ta có thể nói báo chí nhìn chung về cơ bản, đã đứng về một phía, phía của sự thật, của lẽ phải, phía của dân tộc chống lại những cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới tiếp tục diễn ra một cuộc chiến đối đầu về ý thức hệ và quân sự, chính trị giữa hai siêu cường quốc là Hoa Kỳ và Liên Xô được gọi là Chiến tranh lạnh (diễn ra từ năm 1947 đến năm 1991). Trong giai đoạn 1945 - 1964, truyền thông phát triển mạnh mẽ, đài phát thanh và truyền hình ra đời khiến các vấn đề về quốc tế dần được truyền tải rộng rãi hơn nhưng bị kiểm soát chặt chẽ bởi quyền lực chính trị. Chính vì vậy thông tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam thời gian đầu cũng không nằm ngoài quy luật này và nhận thức của người dân trên thế giới về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong giai đoạn này cũng khá mờ nhạt.

Cuối những năm 1950, giới truyền thông nước Pháp tỏ ra im ắng trước những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Trong các tòa soạn báo ở Paris, từ năm 1955 đến năm 1960, không ai quan tâm đến câu chuyện này. Phần lớn thông tin được tiếp cận chỉ qua những công văn ít ỏi từ Sài Gòn hay một vài hình ảnh được quay từ máy bay bay qua vùng nông thôn với màu vàng của đồng lúa, màu trắng của phốt pho, màu đỏ của bom napalm trên những cánh rừng mà báo chí Pháp không hề nhắc đến điều đó (điều đó là điều gì, câu bị tối nghĩa). Nhưng đối với Đảng Cộng sản Pháp, các tổ chức tiến bộ và những người dân Pháp yêu chuộng hoà bình thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng giống như cuộc chiến tranh do Đức quốc xã đã gây ra ở Pháp, thì mỗi bức ảnh, mỗi bài thơ, mỗi thước phim là một viên đạn chống lại kẻ xâm lược. Cũng như các nữ phóng viên các nước khác có tại mặt chiến trường Việt Nam, các nữ phóng viên Pháp cũng đã đến để tìm hiểu và đưa những thông tin về tình hình chiến sự đang diễn ra mặc dù đây là công việc khá nguy hiểm, khó khăn và chỉ dành cho nam giới. Và Madeleine Riffaud là một trong những nữ nhà báo đầu tiên tác nghiệp tại Việt Nam.           

Sinh ngày 23/8/1924 tại làng Arvillers, phía Bắc nước Pháp, Madeleine Riffaud bộc lộ thiên hướng thơ ca rất sớm và dự định theo nghề của bố mẹ, những nhà giáo tâm huyết. Tuy nhiên, mong ước theo nghề của bố mẹ và khát khao kiếm tìm điều gì đó trong thơ ca để thay đổi thế giới chung quanh đã không trở thành hiện thực. Năm 1939, cô nữ sinh trung học ấy đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời và trong giai đoạn lịch sử của nước Pháp: mắc phải căn bệnh lao, gia đình phải sơ tán trốn tránh sự chiếm đóng của phát-xít Đức. Vượt qua những khó khăn ấy, cô gái trẻ quyết định theo đuổi con đường đấu tranh bằng cách tham gia kháng chiến. Năm 1941, Madeleine Riffaud theo học ngành y tại tỉnh Isère ở đông nam nước Pháp và sau đó tại Paris. Năm 1941, khi đang đưa ông bà đi sơ tán dọc con đường tắc nghẽn thường xuyên bị máy bay Đức bắn phá, cô bị một người lính Đức bất ngờ đá vào lưng để di chuyển nhanh hơn. Cú đá đó đã thôi thúc cô gái 17 tuổi quyết định tham gia kháng chiến giải phóng nước Pháp. "Khoảnh khắc đó đã quyết định cả cuộc đời tôi", Madeleine nhớ lại. Bị bệnh và phải tự chăm sóc bản thân trong một năm, đến năm 1942, Madeleine Riffaud lại tham gia các hoạt động kháng chiến. Ban ngày là một sinh viên, đêm đến lại là một nữ kháng chiến. Rainer là bí danh hoạt động kháng chiến đầu tiên của Madeleine, lấy theo tên của nam thi hào người Áo mà cô yêu thích - Rainer Maria Rilke (một nhà thơ người Áo nhưng viết thơ bằng tiếng Đức). Madeleine từng chia sẻ: “Đó là một cái tên Đức, bởi vì chúng tôi không kháng chiến chống lại nhân dân Đức, mà chỉ đánh đuổi quân đội của chế độ Đức Quốc xã đang hiện hữu khắp nơi”.

Đầu năm 1944, Madeleine Riffaud được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Khi trở thành thành viên của phong trào kháng chiến Francs-Tireurs et Partisans (FTP) chống phát-xít Đức, Bà là một trong những chiến sĩ cách mạng Pháp dũng cảm tiêu biểu trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Ngày 24/7/1944,  Madeleine Riffaud đã bắn hạ một sĩ quan Đức trên cây cầu Solferino bắc qua sông Seine ở Paris. Đó là một hành động vô cùng dũng cảm và là một thử thách rất lớn đối với một cô gái trẻ tham gia kháng chiến. Ngay sau đó, Madeleine Riffaud bị Gestapo - cơ quan mật vụ của Đức quốc xã - bắt giam đem đi tra tấn trong nhiều tuần nhưng không khuất phục, bị tuyên án tử hình và được giải cứu ngày 15/8/1944, chỉ 6 ngày trước khi án thi hành . Đặc biệt, trong thời gian chờ bị tử hình, bà còn lạc quan làm nhiều thơ ngợi ca sự sống được chuyền tay đọc mãi: “Những con người này sẽ giết tôi/ Nhưng chiến hữu, xin đừng giết họ/ Khi họ thua, như con chồn vào rọ/ Tối nay tôi xiết đỗi bồi hồi/ Tim chỉ còn tình yêu/ Ôi tình yêu khôn tỏ…”.

Ngày 01/8/1944, Madeleine Riffaud lại tham gia lực lượng giải phóng Paris. Vào đúng sinh nhật lần thứ 20, ngày 23/8/1944, nhóm kháng chiến của Madeleine Riffaud đã tập kích, bắt sống 80 lính phát-xít Đức. Bà được Tướng Charles de Gaulle vinh danh và trao tặng huân chương chiến công vì lòng quả cảm, luôn xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn. Khi được đề nghị khen thưởng và thăng cấp, Madeleine Riffaud khiêm tốn nói: “Tôi không làm được điều gì phi thường”.

Nước Pháp được giải phóng, Madeleine Riffaud với một niềm tin son sắc rằng những bài viết có thể góp phần thay đổi thế giới, cùng với tinh thần của một nữ chiến sĩ kháng chiến, đã trở thành phóng viên của tờ Ce Soir (Chiều nay), tạp chí La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) và sau đó là nhật báo L'Humanité (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp.

Madeleine Riffaud vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/9/1966. Nguồn: https://nhandan.vn/mung-chien-si-vi-hoa-binh-madeleine-riffaud-tron-100-tuoi-post826318.html

Năm 1964, khi đang làm việc tại Báo Nhân đạo (L'Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp, nữ nhà báo Madeleine đã được đặc phái tới Việt Nam để đưa tin về chiến trường kháng chiến của lực lượng quân giải phóng và cũng từ miền đất này, nữ nhà báo Pháp Madeleine đã được gọi cái tên đầy thân thương bằng tiếng Việt: “chị Tám Madeleine”.

Mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp. Cô gái trẻ Madeleine Riffaud - phóng viên trẻ của nhật báo Ce soir - được  sự giới thiệu của nhà báo Andrée Viollis (tác giả sách Indochine S.O.S xuất bản năm 1935) đến tham dự tại một buổi họp báo ở Fontainebleau (Pháp). Trong buổi họp báo này Madeleine vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người yêu quý gọi là “con gái”. Bà luôn luôn tự hào vì điều này. Chính lần được gặp Bác Hồ tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946 đã thôi thúc nữ nhà báo trẻ tuổi Madeleine Riffaud đến Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống quân đội Mỹ.