Phần 1: Đường Hồ Chí Minh trên biển - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh:

 Tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn: TTXVN.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam “như một con đường huyền thoại”, thể hiện tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân độc đáo, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một minh chứng của lòng quả cảm, trí thông minh, ý chí khao khát độc lập, tự do, thống nhất đất nước của quân dân Việt Nam. Cùng với đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong hai tuyến vận tải chiến lược chi viện kịp thời, hiệu quả vũ khí trang bị, sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà dưới sự hậu thuẫn của Mỹ tìm mọi cách biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Trong giai đoạn 1959 - 1960, trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho Quân Giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, sự hình thành con đường tiếp vận vũ khí Bắc - Nam đã “khởi đầu” từ năm 1946 do nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định, chỉ huy mở đường ra Bắc vào cuối tháng 3/1946 và sau đó cũng chính Nữ tướng Nguyễn Thị Định chỉ huy con tàu vượt trùng dương từ Phú Yên mang theo 12 tấn vũ khí đầu tiên về đến Bến Tre an toàn vào khoảng giữa tháng 12/1946 để bàn giao cho Khu 8. Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 7/1959, Tiểu đoàn vận tải biển 603 thuộc Đoàn 559 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh - Quảng Bình. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn sử dụng tên gọi là "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh". Thời kỳ đầu, đoàn tàu gồm các tàu vận tải cỡ nhỏ được ngụy trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam để thâm nhập vào miền Nam, mặc dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, các tàu này không sơn số hiệu lên thân tàu. Vì thế, những con tàu này được biết đến với tên gọi chung là “Đoàn tàu Không số”.

Trải qua 5 tháng “diễn tập” cho cuộc vượt biển, chiều tối 27/01/1960, một chiếc tàu của Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 đã xuất phát chở 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Khu 5, địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Ðây là chuyến “tàu không số” đầu tiên vượt biển để từng bước khai phá ra con đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh. Thế nhưng, tàu đã gặp bão và bị hỏng nặng rồi lại gặp đội tuần tra của quân đội Mỹ, phải thả hàng xuống biển và dìm thuyền. Chiều hôm đó, cả 6 thủy thủ trên tàu bị bắt. Trong thời gian bị bắt, các đồng chí bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà tách ra, giam giữ ở Ðà Nẵng, Côn Ðảo… thì 05 thủy thủ đã hy sinh, chỉ còn lại 01 đồng chí đến năm 1974 mới được trở về. Chuyến vượt biển đầu tiên đưa vũ khí vào Khu 5 thất bại, Quân ủy Trung ương nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm để chở vũ khí vào chiến trường miền Nam có nhiều khó khăn và không an toàn nên đã chỉ thị cho Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động để tìm một phương thức vận chuyển mới.

Bản đồ mô tả hành trình của những chuyến tàu chi viện bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu TTXVN.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ đã tiến hành chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới bằng cách tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự chỉ huy của hệ thống “cố vấn” Mỹ, trang bị kỹ thuật, vũ khí hiện đại và các phương tiện chiến tranh để dần tiến hành các hoạt động ngăn chặn, phá hoại miền Bắc; triển khai chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tăng cường các cuộc hành quân càn quét nhằm khủng bố, triệt phá lực lượng và phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, các cuộc khởi nghĩa từng phần như: cuộc nổi dậy ở Bác Ái (2/1959), khởi nghĩa ở Trà Bồng (8/1959), trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (9/1959), trận Xẻo Rô (10/1959), trận Tua Hai (01/1960)… đã đồng loạt diễn ra và nhanh chóng phát triển thành phong trào Đồng Khởi lan rộng ở khắp các địa phương miền Nam. Thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” đầu năm 1960 đã mở ra bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam: nhu cầu chi viện về vũ khí, trang thiết bị quân sự cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam là vấn đề hết sức cấp bách, trong khi các tuyến vận tải trên bộ đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển, để tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam. Chủ trương này đã thể hiện quyết tâm cao nhất, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ để thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, ở xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của đối phương.

Từ năm 1961, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, ráo riết thực hiện các cuộc hành quân tìm diệt, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng biệt kích và phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc. Nhằm đáp ứng nhu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam ngày một lớn, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vào Cà Mau. Ngày 19/10, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, toàn bộ vũ khí được cơ sở tiếp nhận đúng kế hoạch.