Một vị trí chiến lược không thể bỏ qua
Khe Sanh là một vị trí có tầm quan trọng chiến lược ở miền núi phía tây Quảng Trị, nằm trên cao nguyên mỗi bề gần 10km. Nó là một cứ điểm quan trọng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, là bình phong chắn giữ cho khu vực phía đông, đường 9, bảo vệ vùng dân cư đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị. Dưới con mắt của các tướng lĩnh Mỹ, Khe Sanh là một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân chủ lực miền Bắc thâm nhập từ Lào sang theo đường số 9; là một căn cứ cho các hoạt động của lực lượng đặc biệt Mỹ và ngụy nhằm đánh phá các căn cứ của ta trên đất Lào; là sân bay phục vụ cho việc trinh sát đường không tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.
Ảnh: Một trận địa pháo ở Khe Sanh của quân đội Mỹ
Sau thất bại trong mùa khô 1965-1966, Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nảy ra ý định thiết lập một phòng tuyến chống xâm nhập hiện đại nhất ở bờ nam sông Bến Hải để ngăn chặn đối phương. Ý tưởng này đã được 47 nhà khoa học tài ba của nước Mỹ tổ chức nghiên cứu thực thi, thiết lập nên một phòng tuyến được gọi là "hàng rào điện tử McNamara” nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam có chiều rộng khoảng 20 km, từ nam vĩ tuyến 17 đến đường 9, chiều dài trên 100 km chạy song song với sông Bến Hải từ biển Đông đến Sê Pôn (Lào). Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống "hàng rào điện tử” trên. Do đó, Khe Sanh - Quảng Trị được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm Làng Vây, Chỉ khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn.
Nói tóm lại, Khe Sanh được giới quân sự Mỹ đánh giá "là cái mỏ neo ở phía tây cho hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự; và là một bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh” Theo tướng Westmoreland, bỏ Khe Sanh tức là đã bỏ mất tất cả lợi thế đó, "đồng thời chấp nhận cái tất yếu là đưa chiến tranh vào vùng dân cư ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị”, Vì tầm quan trọng đó nên mà Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho đồn trú ở đây một lực lượng đồng đảo. Ở Khe Sanh, Mỹ có 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 26, 01 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 9 Thủy quân lục chiến Mỹ, Sở chỉ huy tiền phương số 3 (Forward Operating Base 3) của Lục quân Hoa Kỳ với quân số 5.880 lính, 1 tiểu đoàn pháo 155 mm, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội chống tăng, Tiểu đoàn 37 Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa, 1 đội thám báo 300 lính, tổng cộng 6.680 lính. Quân đội Mỹ ở Khe Sanh được yểm trợ hỏa lực bởi những vũ khí tân tiến nhất thời đó. Các tổ hợp radar phản pháo mới như Sky Spot; 16 pháo tự hành "Vua Chiến trường” M107 175 mm bố trí tại Trại Carroll ở gần Cam Lộ và trận địa trên đỉnh đồi Rockpile, 18 lựu pháo 105 mm, 8 pháo 155 mm tại các căn cứ pháo binh tại Quảng Trị, pháo yểm trợ tầm trung từ trận địa bắc đèo Hải Vân... Ngoài ra còn có đạn pháo 105 mm Cofam (Combined Ordinance Fragmentary Antipersonnel Munition) nổ từng đợt trên cao khi bắn ra, văng ra vô vàn mảnh đạn có tầm sát thương rộng lớn, giống như bom bi, rất hữu hiệu trong chống bộ binh.
Một trận đánh ác liệt thu hút sự quan tâm lớn của chính giới Mỹ
Khi năm 1968 bắt đầu, cả Hoa Kỳ và quân Giải phóng đều muốn giành chiến thắng trong năm đó. Khe Sanh đã nổi bật trong kế hoạch của cả hai bên. Đêm 20 tháng 01 năm 1968, lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, uy hiếp mạnh tuyến phòng thủ đường 9 của địch.
Trước động thái trên của quân Giải phóng, tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam, tướng William Westmoreland kỳ vọng sự chủ động trên của quân Giải phóng phải từ bỏ lối đánh du kích, buộc phải đánh nhau theo lối chiến tranh quy ước, vốn là sở trường của quân Mỹ. Khe Sanh được Hoa Kỳ kỳ vọng sẽ là "nam châm” thu hút quân đối phương, để Hoa Kỳ dùng ưu thế hỏa lực tiêu diệt để tiêu diệt đối phương.
Ảnh: Một hầm đạn của quân đội Mỹ ở Khe Sanh bị quân Giải phóng pháo kích nổ tung (ROBERT J. ELLISON)
Chiến dịch Khe Sanh của phía quân giải phóng vừa mở màn đã lập tức thu hút tâm trí của giới lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Johnson chỉ thị cho tướng Taylo lập phòng "Tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng và đích thân theo dõi diễn biến tình hình Khe Sanh từng giờ: “Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ rằng Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa. Và họ đã làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington”. Tổng thống Johnson cũng lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải gam kết giữ vững Khe Sanh bằng mọi giá vì “đó là danh dự của nước Mỹ”, lệnh cho Westmoreland hằng ngày phải gửi vê ỏ Washington báo cáo tình hình chiến sự Khe Sanh. Westmoreland sau đó đã viết rằng: "Washington lo ngại rằng một số từ ngữ nặng nề mà tôi đã nói với báo chí cần phải chấm dứt, trớ trêu thay, câu trả lời những hậu quả đó có thể là: một thảm họa chính trị”.
Vì tình hình căng thẳng ở Khe Sanh, đêm đêm, Westmoreland phải ngủ lại tại Trung tâm hành quân trong Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn. Ám ảnh bởi thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, Westmoreland cho mời nhà sử học quân sự đại tá R.Acgơ thuyết trình vê nguyên do đưa đến sự bại trận của quân đồn trú Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo nhà sử học này, tại Điện Biên Phủ năm 1954 cũng như nhiều nơi khác trong lịch sử chiến tranh thế giới, sở dĩ quân đồn trú thất bại là bởi bị bao vây và mất hết quyền chủ động. Kết luận đó đã khiến cho Westmoreland và cả Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở miên Nam vô cùng "choáng váng”. Nhằm đối phó kịp thời với tình hình chiến sự ở Khe Sanh, quân đội Mỹ phải điêu tới mặt trận Khe Sanh 40% số tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp mà Bộ tư lệnh quân đội Mỹ hiện có trong tay.
Ảnh: Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh chen chúc trong một hào giao thông sau khi pháo binh của quân Giải phóng pháo kích sân bay và nhắm vào các máy bay chở đồ tiếp tế đang đáp xuống đường băng (ROBERT J. ELLISON)
Dẫu vậy, sức tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng vần gây ra cho quân Mỹ ở Khe Sanh những áp lực rất nặng nê. Ngày 10 tháng 02, gần như toàn bộ lính Mỹ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý khi chiếc C-130 của Thủy quân lục chiến bị trúng đạn, buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Khe Sanh làm chết 8 lính Mỹ. Lính Mỹ lúc này lo sợ về việc họ không nhận được tiếp viện và số thương vong không chuyển ra khỏi chiến trường.
Để đẩy lùi các đợt tấn công của quân Giải phóng vào Khe Sanh, Mỹ đã sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân không hạn chế. Tính từ ngày 21 tháng 01 đến ngày 03 tháng 3 năm 1968, Không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc kể cả máy bay chiến lược B-52, trút 114.810 tấn bom các loại, bằng lượng bom Mỹ ném xuống toàn nước Nhật Bản trong cả năm 1945. Trung bình mỗi ngày Mỹ lại huy động 32 phi vụ B-52 và 200 phi vụ cường kích, rải xuống 1.800 tấn bom. Đồng thời pháo binh từ trong căn cứ, từ Trại Carroll và Rockpile bắn 159.000 quả đạn lên một khu vực chỉ rộng 32 km2 quanh Khe Sanh, tạo nên những trận bão lửa dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh.
Ảnh: Máy bay vận tải C-130 của Mỹ trúng đạn khi hạ cánh, lao xuống đường băng sân bay dã chiến khiến Khe Sanh và bốc cháy ngùn ngụt
Với những diễn biến ác liệt và nóng bỏng tại chiến trường Khe Sanh, chính giới Mỹ cũng như Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) ở Việt Nam đều có chung nhận định Khe Sanh là hướng tấn công chính của đối phương trong chiến cuộc Đông - Xuân 1968. Người Mỹ hồi hộp chờ đợi một cuộc tấn công ô ạt của quân giải phóng vào căn cứ Khe Sanh. Cựu binh Mỹ John Scott Jones nhớ lại: “Chúng tôi nhận ra rằng họ - quân giải phóng - có kế hoạch tràn qua. Vì vậy, từng đêm từng ngày trôi qua, chúng tôi chờ đợi để chứng kiến điều đó, để chiến đấu một trận sinh tử...”
Thế nhưng cuộc tấn công mà phía Mỹ hồi hộp chờ đợi đã không xảy ra. Thay vào đó, quân ta lại tổ chức tấn công và tiêu diệt ở quận lỵ Hướng Hóa, cụm cứ điểm Huội San, Làng Vây và gia tăng sức ép khu vực sân bay Tà Cơn, từ đó siết chặt vòng vây lại. Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ thì các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt đầu.
Ảnh: Lính Mỹ thương vong và mệt mỏi trước những đợt tấn công của quân giải phóng
Ảnh: Lính thuỷ đánh bộ Mỹ bị quân Giải phóng vây hãm trong nhiều tháng. Tấm ảnh này chụp một người lính tại Khe Sanh và đã được in trên tờ Newsweek (ROBERT J. ALLISON)
"Cái bẫy” vĩ đại mà quân giải phóng đã giăng ra
Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược như “một Điện Biên Phủ khác” ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự từ bỏ địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Trên cơ sở đó, quân Giải phóng đã thực hiện một kế hoạch nghi binh hoàn hảo và sự chuyển hướng chiến lược đầy bất ngờ, táo bạo khiến Mỹ không thể ngờ: "Cái từ Điện Biên Phủ xuất hiện trong tư duy của phía Mỹ mà Cục II (tình báo) báo cáo lại chính là một gợi ý để chúng ta tương kế tựu kế thực hiện một "Điện Biên Phủ giả vờ” để lừa đối phương, ghìm chặt Mỹ ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tấn công vào các đô thị”.
Trong khi đó, ý định thật sự của bộ tư lệnh quân Giải phóng ở mặt trận Khe Sanh chủ yếu là nhằm thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miên Nam, trước hết là khu vực Trị-Thiên-Huế thực hiện đòn chiến lược tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 như trong Nghị quyết của Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị đã xác định: “Trong Xuân - Hè nằm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở đường 9 và phát triển vào Trị - Thiên - Huế. Thu hút, giam chân, tiêu diệt lực lượng Mỹ - ngụy ra Đường 9 càng nhiều càng tốt” Nói cách khác, Khe Sanh không phải là chiến trường trọng điểm của chiến cuộc Xuân - Hè 1968, mục tiêu chính mà quân Giải phóng hướng đến là các đô thị ở miền Nam Việt Nam. Khe Sanh đã trở thành một "cái bẫy” mà quân đội Mỹ đã sập phải: “Sự kiện ở Khe Sanh cũng làm cho Oét-mo-len tin rằng một cuộc tiến công sẽ được thực hiện ở các tỉnh phía bắc. Vào cuối tháng 2, với một nửa các tiểu đoàn cơ động tập trung vào vùng chiến thuật, Westmoreland đã rơi vào một chiếc bẫy rõ rệt”.
Như vậy, đến trước ngày cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, phía Mỹ vẫn hoàn toàn lạc hướng trong việc phán đoán ý đồ chiến lược thực sự của ta. Ngay cả các sĩ quan tình báo trong Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ sau này cho biết nếu như lúc đó, họ nắm được toàn bộ kế hoạch của cuộc tổng tiến công đi nữa, thì họ cũng sẽ "không thể nào tin được” và không hiểu nổi `bản chất” của hành động này. Vậy nên, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong các đô thị miền Nam nổ ra đầy gây ra bất ngờ và choáng váng lớn cho quân đội Mỹ.
Ngày 26 tháng 6, Đại tướng Abrams - chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam đã ra lệnh rút bỏ Khe Sanh. Đánh giá về sự kiện trên, sử gia Peter Bush đã đưa ra bình luận: "Sự kiện bỏ Khe Sanh được công luận Mỹ nhìn nhận một cách đầy ngờ vực và hoang mang” bởi nơi đây là "một căn cứ quân sự được (Mỹ) phòng thủ với một giá đắt, do vị trí rào cản có tính sống còn của nó ở dưới khu giới tuyến” mà trước đó 4 tháng, tổng thống Mỹ là Johnson đã từng tuyên bố "phải giữ bằng mọi giá”.
Nguyễn Trọng Minh