Nhà tù Côn Đảo, được ví là "địa ngục trần gian" trong chiến tranh, không chỉ là biểu tượng của sự đàn áp với những hình thức giam cầm, tra tấn tàn khốc mà còn là nơi ghi dấu sự kiên cường và ý chí học tập mạnh mẽ của những chiến sĩ yêu nước. Trong bóng tối của xiềng xích và sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Việt Nam cộng hòa, thiếu thốn mọi điều kiện vật chất, các tù nhân cách mạng đã biến nhà tù thành "trường học bí mật", nơi mà tri thức được truyền đạt một cách bí mật, lặng lẽ nhưng đầy nghị lực. Họ tranh thủ từng khoảnh khắc để trao đổi kiến thức về văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ, chính trị, và chiến lược đấu tranh. Truyền thống học tập này không chỉ giúp các tù nhân giữ vững niềm tin và ý chí, mà còn nuôi dưỡng sức mạnh trí tuệ.

Tại nhà tù Côn Đảo tù nhân bị giam giữ chặt nức tại các phòng giam, thường xuyên bị đàn áp, đánh đập, kiểm soát gắt gao, bị đày lao động khổ sai tại “Hầm xay lúa” hay biệt giam trong Chuồng Cọp. Người tù không chỉ bị giam cầm trong nhà lao mà còn phải đi lao dịch ở 18 sở tù gồm Sở củi, Sở tiêu, Sở đá, Sở rẫy…. . Đời sống của tù nhân luôn luôn trong tình trạng thiếu thốn, cực khổ. Người tù phải ăn cơm trộn lẫn cát sạn, vỏ trấu cùng với cá khô mục đắng. Quần áo không đủ mặc, những người bị phạt giam ở xà lim thì trần truồng bất kể mùa nóng hay lạnh. Mỗi tuần tù nhân chỉ được tắm hai lần, mỗi lần không quá 10 phút, nếu chậm trễ là bị đòn roi. Phòng giam thì chật chội, không đủ nằm, thiếu ánh sáng và dơ bẩn. Ốm đau không có thuốc chữa trị. Bên cạnh đó, cai ngục và cảnh sát dã chiến còn sử dụng lựu đạn cay cùng các phương tiện chống bạo động để đàn áp tù nhân. Thế nhưng, bất chấp chế độ giam cầm hà khắc, các loại nhục hình tra tấn ….., các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trung, tận dụng những năm tháng trong lao tù để nâng cao kiến thức, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí phục vụ cách mạng. Trong đó học tập và tự học tập là một trong những nội dung quan trọng được quan tâm tổ chức.

“Tự học tập" trong hoàn cảnh bị giam cầm đã được các tù nhân chính trị tự xem như một nhiệm vụ và nhu cầu đặt ra cho chính bản thân mình. Bản chất của tự học là một quá trình học tập không có người giảng dạy. Tự học là lao động khoa học, vất vả đòi hỏi bản thân người tù phải nỗ lực rất nhiều, tự độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Trong hành trình tự học của tù nhân tại nhà tù Côn Đảo, không có giảng viên, không có trường lớp và cũng không có đồ dùng học tập hay thời khóa biểu phục vụ cho việc học tập chính quy. Nhưng bằng khao khát học tập dù không có sách vở nhưng người tù đã sáng tạo tự chế ra dụng cụ học tập, trau dồi kiến thức từ những bạn tù và cũng chính là đồng chí của mình. Những khám giam tù chật chội, khủng khiếp đã trở thành những lớp học văn hóa, ngoại ngữ, những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị.

Dưới chế độ của Việt Nam Cộng hòa, cai ngục không cho phép tù nhân tự tổ chức học và dạy văn hóa cho nhau. Những ai muốn xóa nạn mù chữ hoặc học bổ túc văn hóa (bậc tiểu học) phải ghi tên theo học những lớp học do họ mở dạy nhằm nhồi nhét vào đầu óc của các tù nhân các khẩu hiệu tố cộng và những luận điệu quốc gia, chống cách mạng. Vì thế, hầu hết tù nhân cách mạng không ai ghi tên trong lớp học này mà tự thành lập các lớp học trong bí mật, lén lút sau những bức tường kiên cố, ngột ngạt. Anh chị em trong các nhà lao, kể cả khổ sai và cấm cố, đều học văn hóa: học đọc, học viết, học làm toán, học các môn cơ bản và học cả ngoại ngữ… theo các chương trình riêng được biên soạn cho phù hợp với trình độ và hoàn cảnh của mỗi lớp học.

Không có giấy bút, phấn bảng nên người tù đã nghĩ ra cách học tập bằng cách giấu những mẩu gạch vỡ khi đi lao động khổ sai để đêm đến, trên nền xi măng, những người tù tổ chức các lớp học, người biết chữ dạy cho người chưa biết, người am hiểu về Luận cương chính trị thì giảng giải cho các anh chị em tù khác. Người tù còn tổ chức lược dịch nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê Nin cho các lớp học chính trị. Giấy viết là mặt trong của bao thuốc lá, bì thư đã dùng rồi hay những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Còn một nguồn giấy nữa là giấy vệ sinh. Ngòi bút làm bằng cành bàng. Có khi nhắn người nhà gửi quần áo và quà bánh vào kèm theo một thoi mực, hoặc dát mỏng mực nhét vào tà áo, hoặc cắt mực ra thành từng viên nhỏ nhét vào ruột bánh. Lắm lúc thiếu nước, phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước tiểu mài mực ra, rồi lấy que vót nhọn làm bút để viết. Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt là thời gian các tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa. Tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí là trong hộp sắt, bọc nilon, cột dây thả xuống thùng phân cất giấu, khi học mới kéo lên. Khi viết xong, các tài liệu được đóng thành các tập nhỏ để lưu hành nội bộ hoặc phát cho anh em tù chính trị Côn Đảo làm tài liệu tuyên truyền, vận động cách mạng. Tùy theo từng loại tù, tù nhân sẽ có biện pháp tuyên truyền riêng.

Dĩ nhiên, không phải bao giờ việc học và dạy trong nhà tù cũng diễn ra suôn sẻ. Cai ngục xét phòng liên tục và lấy đi những giấy, bút, sách, vở… để người tù không thể tiếp tục học và dạy thêm được nữa. Bị cai ngục lấy dần hết cả dụng cụ học tập, người tù lén lấy cát vào phòng và tập viết, tập làm toán trên cát… Các “giáo viên” của các lớp thì dùng khả năng ghi nhớ của chính mình thay cho sách giáo khoa, nhớ đến đâu dạy đến đó, vì không có bất kỳ tư liệu, sách vở “chính quy” nào cả. Tuy nhiên, cai ngục vẫn chưa chịu buông lỏng cho tù nhân tự tổ chức học. Cai ngục ra lệnh cấm tù nhân không được ngồi quá hai người. Cứ hễ thấy quá hai người ngồi thầm thì nói chuyện với nhau mà cai ngục bắt gặp, là gọi ra ban chuyên môn đánh đập. Người tù lại nghĩ ra nhiều hình thức học tập khác. Giáo viên dạy cho “học sinh” này chừng mười lăm phút rồi lại sang dạy tiếp cho “học sinh” kia, cứ như thế cho đến hết nhóm học và hết buổi học tập. Giáo viên chỉ giảng cho một người đang ngồi đối diện với mình học. Còn 2, 3 người nữa gần đó thì giả vờ quay mặt đi nơi khác, nhưng kỳ thực đang lắng nghe và thu nhận cho kỹ bài giảng… Ngoài ra, tù nhân còn học nhiều bài thơ cách mạng, nhất là thơ Tố Hữu do bạn tù khác thuộc lòng dạy lại. Cách học là bạn tù đó đọc trước mấy câu, rồi sau đó đọc lại nhiều lần để thuộc, cứ thế cho đến khi thuộc hết cả bài. Có bài thơ dài phải học nhiều đêm. Anh chị em tù chính trị phổ biến những bài gì cho nhau thì thường phải học thuộc lòng. Bởi không dễ gì viết được, mà nếu có trường hợp bí mật viết được ra giấy hoặc giấy tờ gì từ đường dây bên ngoài bí mật chuyển vào, cũng phải học thuộc lòng để phi tang ngay, nhằm đề phòng nguy hiểm khi trật tự lục xét. Rất nhiều lần, những tù nhân phải chịu những cơn mưa vôi bột rải từ trên xuống làm bỏng da, chịu những đòn roi rách da rách thịt, nhưng nỗi đau thể xác nào họ cũng vượt qua để nuôi bền ý chí và quyết tâm của mình.

Việc tổ chức học tập văn hóa, khoa học, ngoại ngữ ở trong tù khó khăn, khổ cực như vậy vì trong các lao, các phòng giam đều có những tay chân, tai mắt của cai ngục. Đó chính là tay sai trong số tù nhân thường án cùng ở chung. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng nhiều người trong số này là trật tự viên, trưởng phòng giam hoặc đại diện cho tù nhân. Họ sẽ mật báo kịp thời mọi sự việc với cai ngục nếu họ phát hiện được, kể cả việc tổ chức học tập của tù nhân chính trị. Việc tổ chức học tập được thúc đẩy mạnh mẽ nhất chính là ở trong các phòng giam tù cầm cố. Anh chị em không phải sống chung với tù thường án, lại không phải đi làm khổ sai. Các phòng giam này cũng chỉ nhốt những tù nhân chính trị đã chống đối kỷ luật của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tập thể tù nhân ở đây gần như thuần nhất trong số các phòng giam, do đó cũng dễ hiểu khi tù cấm cố không chỉ học tập văn hóa mà lúc nào cũng có tổ chức học tập cả chính trị. Các lớp triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội học được mở ra. Và hầu hết anh chị em tù chính trị trong các phòng cầm cố ở nhà tù Côn Đảo đều được học qua một chương trình chính trị cơ sở, gồm 2 bài: đường lối cách mạng Việt Nam và năm bước công tác cách mạng. Hàng năm hoặc 6 tháng một lần, Đảng ủy trong nhà tù Côn Đảo đều có biên soạn một bài về tình hình và nhiệm vụ mới trong thời gian vừa qua và phương hướng cho thời gian sắp tới. Đó chính là công sức đóng góp của nhiều đồng chí đã thu lượm, đúc kết lại được từ nhiều nguồn tài liệu khá chính xác.

Trong nhà tù Côn Đảo, ở bất cứ khu trại nào, tù nhân cũng tìm cách chia sẻ những bài học, tư tưởng, lý luận cách mạng cho những anh em tù nhân. Kể cả trong khu tù biệt giam mỗi người một phòng, thường xuyên có người canh gác. Tù nhân đã tận dụng tối đa thời gian, tập trung vào học tập lý luận, chính trị một cách tự giác và kiên trì. Tù nhân ở đây đã tìm mọi cách tuyên truyền về những tài liệu như: Luận cương chính trị; cách mạng thế giới; điều lệ Đảng; cách mạng Nga. Tù nhân cũng chịu khó học tiếng Pháp để có thể đọc trực tiếp được các loại sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc biệt, để mở rộng việc giáo dục đường lối của Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin cho anh chị em tù chính trị, Chi bộ Banh 2 quyết định ra tờ báo viết tay lấy tên “Ý kiến chung”, sau này trở thành tiếng nói chung của toàn bộ tù chính trị ở Côn Đảo. Việc học trong nhà tù rất cực khổ nhưng ý chí học tập của anh em rất cao nên kết quả rất tốt. Một số đợt học tập trung như đợt học bản “Hiệu triệu” của Khu ủy Khu V, Di chúc của Bác Hồ, nội dung Hiệp định Paris... tuy rất dài nhưng phần lớn anh chị em đều thuộc lòng.

 Không bục giảng, không giáo án, không phấn, không bảng, không biết rõ mặt người thầy của mình vì chỉ được nghe lời giảng qua song sắt và bức tường ngục tù, nhưng những bài học thiết thực vẫn diễn ra và nối dài năm này sang tháng nọ trong song sắt. Và chính việc quyết biến môi trường nhà tù thành trường học, nhiều tù nhân cách mạng thoát nạn mù chữ, trang bị cho mình hành trang tri thức để sau khi được tự do tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.