Thời chiến tranh, hành trang của những người lính quân Giải phóng bên cạnh vũ khí, quân trang, quân dụng còn có sự xuất hiện của những cuốn nhật ký chiến trường. Những cuốn nhật ký ấy có nhiều dạng khác nhau, đôi khi chỉ là những cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay nhưng lại ẩn chứa bên trong rất nhiều điều ý nghĩa. Nó phản ánh nhịp đập của cuộc sống nơi chiến trường, lý tưởng và lẽ sống của người lính, những tâm tư tình cảm cá nhân, tình yêu và nỗi nhớ thương da diết. Mỗi trang viết là cả một thế giới nội tâm sâu sắc.

Ở nơi đầy bom đạn, hiểm nguy, sự sống, cái chết hầu như không có ranh giới, những trang viết đầy máu lửa ấy bao năm rồi vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, tuy giản dị nhưng lại vô cùng chân thực như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi): “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường... Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.  Trong khói lửa bom đạn và sự khốc liệt của chiến tranh, một số cuốn nhật ký của các chiến sĩ quân Giải phóng đã bị thất lạc và được những người lính Mỹ bên kia chiến tuyến lưu giữ. Những trang nhật ký đầy lửa và chất thép đã cảm hóa, thức tỉnh và dẫn dắt những người lính bên kia chiến tuyến tìm kiếm, trả lại những báu vật vô giá cho chủ nhân hoặc thân nhân của nó. 

  1. Điểm khởi đầu của hành trình trở về với đất mẹ

Trở về sau cuộc chiến, những ký ức đau thương về chiến tranh ở Việt Nam là một nỗi ám ảnh đối với nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ như lời tự sự của cựu chiến binh Peter Mathews: “Trở về nước sau thời gian tham chiến tại Việt Nam, tôi đã phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý. Tôi từng uống rượu để cố quên đi những ký ức không mấy tốt đẹp. Cả cuộc hôn nhân của tôi cũng đổ vỡ vì sự ảnh hưởng của hậu chiến”. Do đó, sau khi chiến tranh kết thúc, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã quay trở lại Việt Nam với mong muốn thăm lại chiến trường xưa, thực hiện những nỗ lực cá nhân nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh cũng nhằm để tự “chữa trị” những dư chấn tâm lý mà họ gặp phải. Trong số những cựu binh đó có Paul Reed, một cựu binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Trong một trận đánh tại chiến trường Kon Tum năm 1968, đơn vị của Paul Reed đã thu được những chiếc ba lô và một số vật dụng của quân Giải phóng. Trong số đó có một quyển sách nhỏ, trông giống một cuốn nhật ký. Khi mở ra, trên mỗi trang đều có chữ viết tay, chữ viết trong đó rất đẹp, giống như một tác phẩm nghệ thuật. Paul Reed khi đó đã tự nhủ: “Tôi nghĩ mình cần giữ lại những thứ đó”. Sau khi về Mỹ, Paul Reed cũng như nhiều cựu binh khác đã mắc hội chứng “chấn thương tâm lý”, cuộc sống của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông liên tục gây ra những cuộc ẩu đả, quậy phá, tương lai của ông dần trở nên bất định. 

Trong một lần tỉnh táo, Paul Reed đã mở chiếc hộp kỷ vật chiến trường ra xem lại và lấy cuốn nhật ký mà mình đem về từ Việt Nam nhờ người dịch ra tiếng Anh. Paul Reed đã đọc và và ông hoàn toàn bất ngờ với những điều viết trong đó. Thông qua những trang nhật ký, ông nhận ra rằng đối phương của ông trong chiến tranh là những người lính có tâm hồn, có tình yêu quê hương da diết, mang trong mình một ý chí và tinh thần phụng sự vì Tổ Quốc. Paul Reed đã quyết định đi tìm và trả lại người chiến sĩ ấy cuốn nhật ký. Năm 1993, Paul Reed đã quay trở lại Việt Nam và đã trao lại tận tay cuốn nhật ký cho chủ nhân của nó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa. Hai người cựu chiến binh sau đó đã cùng nhau quay trở lại thăm chiến trường xưa nơi họ từng chiến đấu tại Kon Tum. 

Ảnh: Paul Reed và cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa thăm lại chiến trường xưa.

Nguồn: https://vovworld.vn/vi-VN/van-hoa/nhat-ky-kontum-va-su-cuu-roi-cuoc-doi-mot-cuu-binh-my-231995.vov

 

Sau chuyến đi này, Paul Reed đã cởi bỏ được những mặc cảm tội lỗi về quá khứ, lấy lại được trạng thái cân bằng tâm lý, trở lại cuộc sống thường nhật. Hành trình quay trở lại Việt Nam của Paul Reed đã được dựng lại thành một bộ phim mang tên “Nhật ký Kon Tum (Kontum Diary)”. Sau đó, bộ phim đã được chiếu rộng rãi trên toàn nước Mỹ và được đề cử cho giải Emmy thể loại phim tài liệu hay nhất năm 1994. Với Paul Reed, hơn 20 năm sau, cuốn nhật ký chiến trường của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa trở thành báu vật định mệnh cứu rỗi cuộc đời mình. Cuốn nhật ký trên có lẽ là cuốn nhật ký chiến tranh đầu tiên được đã được trở về với Việt Nam sau một thời gian dài lưu lạc ở nước ngoài. Kể từ đây, một cách thức để chữa lành vết thương chiến tranh, một phương thức hoà giải mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được mở ra.

Cuốn nhật ký đã được Paul Reed trao lại cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh: VOV

 

Nguyễn Trọng Minh

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại