Sau gần 5 năm đàm phán (từ 13/5/1968 - 27/1/1973), với hơn 200 phiên họp công khai, 24 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết (27/1/1973) tại thủ đô Paris (nước Cộng hòa Pháp). Đây không chỉ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam mà còn là mốc son lịch sử trong quan hệ quốc tế.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức tại Trung tâm  hội nghị quốc tế Kleber, thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp giữa bốn bộ trưởng ngoại giao đại diện cho chính phủ tham dự Hội nghị: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Bộ trưởng William P. Rogers; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa: Tổng trưởng Trần Văn Lắm.

Hiệp định Paris có hiệu lực kể từ ngày ký chính thức. Hiệp định có 9 chương, 23 điều:

- Chương I: Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam (điều 1)

- Chương II: Chấm dứt chiến sự - rút quân (điều 2-7)

- Chương III: Việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ (điều 8)

- Chương IV: Việc thực hiện quyền tự quyết cùa nhân dân miền Nam Việt Nam (điều 9-14)

- Chương V: Vấn đề thống nhất nước Việt Nam và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam (điều 15)

- Chương VI: Các ban liên hợp quân sự, ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát, hội nghị quốc tế (điều 16-19)

- Chương VII: Đối với Campuchia và Lào (điều 20)

- Chương VIII: Quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ (điều 21-22)

- Chương IX: Những điều khoản khác (điều 23)

Một số điều khoản quan trọng là:

Điều 1: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.

Điều 2: Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ 24 giờ (giờ GMT), ngày 27/01/1973.

Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hoa Kỳ sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá hủy tất cả mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn.

Điều 5: Trong vòng 60 ngày kể từ khi Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a). Cố vấn của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát, cũng sẽ rút lui trong thời hạn đó.
Điều 21: Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn Đông Dương.

Điều 22: Việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hòa bình vững chắc ở Việt Nam và góp phần giữ gìn hòa bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Mặc dù Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được ký kết từ đầu năm 1973, nhưng chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ về tài chính,  vũ khí cho chính quyền Sài Gòn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “thay đổi màu da trên xác chết”, hoàn toàn không phải là “Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như tất cả các dân tộc ở Đông Dương” như nội dung Hiệp định đã quy định. Chính điều này đã khiến cho cuộc chiến tranh tiếp tục kéo dài cho đến ngày chính quyền Sài Gòn cũ chính thức sụp đổ.

 

 

 

Hồ sơ 1231, phông Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa: Tài liệu mật chung quanh các cuộc mật đàm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình tại VN. (Bản dự thảo Hiệp định ngày 8/10/1972). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.