Nguyễn Thị Phi Vân là nữ cựu tù chính trị, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Từ những năm 1960, cô đã hăng hái tham gia vào phong trào thanh niên, học sinh –  sinh viên khu Sài Gòn – Gia Định, phụ trách việc rải truyền đơn, treo cờ, xây dựng cơ sở cho thanh niên tham gia cách mạng.

Tuy học tập tại một ngôi trường tư (mang tên Phan Sào Nam) không bắt buộc mặc áo dài, nhưng cô vẫn rất thích khoác lên người những bộ áo dài đủ màu. Khoảng thời gian từ 1960 - 1966, cô thường mặc áo dài đi rải truyền đơn, đi học, đi dạy, tham gia các hoạt động công khai trong nội thành Sài Gòn.

Tháng 5/1966 cô bị công an theo dõi và bị bắt tại nhà, cô xin thay áo dài rồi mới đi. Cô mặc áo dài suốt trong 3 ngày đầu bị bắt. Thấy cô bị đánh đập rách cả áo dài nên Hòa thượng Thích Hiểu Minh ở chùa Ấn Quang đã cho tiền, cô Đặng Hồng Nhựt (Út Nhựt) nhờ người mua mấy khúc vải, may cho cô mấy bộ đồ để mặc. Nơi cô bị giam giữ đầu tiên là một Bót của Biệt khu thủ đô, sau đó cô bị đưa qua nhiều khu giam, từ nhà tù Tổng Nha đến nhà tù Thủ Đức, bị ra tòa và kêu án hai năm. Song thời gian cô bị giam giữ kéo dài đến hai năm rưỡi do có 6 tháng cô không chấp hành nội quy nhà tù.

Sau khi ra tù, cô tiếp tục hoạt động cách mạng trở lại. Cuối năm 1970, cô bị bắt lần nữa và bị giam giữ ở Bót Bà Hòa, sau đó lần lượt bị chuyển đi giam giữ ở nhà tù Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp-Biên Hòa và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm, cô đã bị tra tấn bằng dùi cui, quay điện, nhấn nước, … tổn thương tuyến yên, cơ thể sau đó dần bị biến dạng, đau nhức xương khớp, đau đầu, co giật. Trong thời gian bị bắt giam trong tù cô đã học thêu tay và nhắn mẹ gửi những chiếc áo dài trơn vào để cô tập thêu. Thế là trong những ngày tháng gian khổ trong tù cô đã có những chiếc áo dài thêu hoa xinh xắn và giữ chúng cho đến ngày nay.

Sau khi Côn Đảo được giải phóng ngày 01/5/1975, ngày 10/5/1975, cô được tự do và về công tác tại Thành Đoàn, nằm trong Ban Thường vụ Quận Đoàn 11 và là Bí thư Đoàn phường Bình Thạnh, Quận 11. Sau đó cô công tác tại Phòng Thương nghiệp Quận, đảm nhận chức vụ Phó phòng Kinh tế Quận 11 cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2002, cô về hưu, tiếp tục tham gia công tác tại Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn; Ban liên lạc tù Chính trị - Tù binh; CLB Nữ thương binh Quận; CLB Truyền thống kháng chiến Quận 11.

Năm 2013, khi Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp tổ chức triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” cô đã tặng những chiếc áo dài của mình để phục vụ trưng bày.

Tuy sức khỏe không được tốt nhưng cô Nguyễn Thị Phi Vân vẫn nhiệt tình thường xuyên đồng hành cùng Bảo tàng trong những buổi giao lưu, kể những câu chuyện về những năm tháng tuổi trẻ đấu tranh, về cuộc sống gian khổ trong tù, truyền ngọn lửa yêu nước, lý tưởng sống cho các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên. . .

Hiện nay cô đang sống cùng người chị tại Quận 11, Tp.HCM. Từ năm 2017 đến nay, Chi đoàn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã nhận phụng dưỡng, thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ với cô những buồn vui trong cuộc sống. Cô vẫn luôn lạc quan, yêu đời như những ngày đầu tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh, cùng những tà áo tung bay trong những năm tháng xuống đường đấu tranh.

Chân dung nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Phi Vân trong thời gian học tập tại trường Phan Sào Nam.

 

Nữ cựu tù Nguyễn Thị Phi Vân giao lưu với khách tham quan nhân khai mạc triển lãm "Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh" ngày 22/11/2013 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

 

Đoàn viên thanh niên thăm hỏi và trò chuyện cùng cô Phi Vân tại nhà cô vào ngày 19/10/2020.