Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) - một trong những cuộc chiến tranh lâu dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, không ít người Mỹ tiến bộ yêu chuộng hòa bình nhận ra tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, đã đồng hành cùng khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Từ những tốp người đơn lẻ xuống đường biểu tình vì Việt Nam, theo đà leo thang chiến cuộc của chính quyên Mỹ, dần hình thành làn sóng đấu tranh rộng lớn. Khắp nơi trên đất nước Mỹ, người dân xuống đường biểu tình, trưng nhiều biểu ngữ phản đối chiến tranh, đưa phong trào phản chiến ngay tại Mỹ từ những hành động đơn lẻ trở thành làn sóng rộng lớn.
Tại các trường đại học Mỹ, sinh viên trở thành lực lượng đầu tiên "khơi dậy” làn sóng đấu tranh phản chiến. Cuối tháng 3/1965, cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến cuộc chiến ở Việt Nam bùng nổ tại Trường Đại học Michigan. Hoạt động phản chiến của sinh viên nhanh chóng "lôi kéo” các nhà hoạt động tại hơn một trăm trường cao đẳng, đại học tham gia phản chiến thông qua hình thức tẩy chay lớp học, tổ chức hàng loạt buổi sinh hoạt "giáo lý” để thảo luận về chiến tranh Việt Nam... Một bộ phận sinh viên tỏ rõ sự quyết liệt, trực tiếp thể hiện sự bất đồng quan điểm với chính sách chiến tranh Việt Nam của chính quyền Johnson bằng việc “thoát ly” giảng đường đại học, xuống đường hòa mình vào các cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình Mỹ.
Bốn sinh viên trường Đại học Kent, Bang Ohio (Mỹ) bị lính cảnh vệ quốc gia bắn chết trong cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, (04/5/1970). Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Washington ghi nhận trong tuần giữa tháng 4/1965 tại Mỹ đã diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên và các nhóm xã hội với sự tham dự của hàng chục nghìn người.
Ngày 02/01/1965, hơn 50 sinh viên Mỹ - Trường Đại học Stanford, bang California ghi tên hiến máu ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Ngày 13/12/1965, bất chấp bão tuyết, 12 sinh viên Mỹ đã tuyệt thực trong 48 giờ trước cửa Trường Đại học Bouldes - Colorado để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Phong trào phản chiến, bùng nổ từ các đại học đường Ann Arbor, Berkeley, Columbia, Stanford... nhanh chóng lan rộng, lôi kéo mọi tầng lớp nhân dân Mỹ tham gia, đặc biệt là tầng lớp thanh niên Mỹ trong độ tuổi quân dịch và gia đình của họ.
Sau Mậu Thân 1968, chính phủ Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh Việt Nam thì các cuộc biểu tình của người dân Mỹ nói chung và sinh viên Mỹ nói riêng ngày càng tăng với quy mô ngày càng lớn.
Ngày 04/5/1970 trở thành ngày đẫm máu của sinh viên Mỹ khi lính cảnh vệ quốc gia xông thẳng vào đám đông sinh viên biểu tình và bắn chết bốn sinh viên trong khuôn viên Trường Đại học Kent, bang Ohio (Mỹ). Cả bốn người: Allison Krause, Jefferey Miller, William Schoeder và Sandy Scheuer đều ở tuổi đôi mươi và là con nhà trung lưu thời ấy.
Allison Krause, sinh viên năm I, 19 tuổi, xinh đẹp, giỏi văn học nghệ thuật và hội họa. Tại Trường Đại học Kent, cô nổi tiếng là người kịch liệt phản đối việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Mùa hè năm đó, Allison dự định làm việc tình nguyện tại Bệnh viện Saint Elizabeth để giúp đỡ những trẻ em chậm phát triển. Nhưng không kịp nữa rồi. Chiến tranh Việt Nam đã gắn với tên tuổi của cô, ít nhất đối với lịch sử của Trường Đại học Kent, như một "người đưa tin cho tình yêu giữa người và người".
William Schoeder cũng 19 tuổi khi anh ngã xuống trên sân trường vì phong trào phản chiến. Mười ba tuổi, William đã nổi tiếng là một hướng đạo sinh gương mẫu. Anh đóng kịch hay, chơi bóng rổ giỏi và là học sinh xuất sắc trong lớp. Anh là một thanh niên tuyệt vời, chỉ mong hòa bình sớm đến với Việt Nam. Anh yêu chuộng hòa bình và anh đã chết vì hòa bình.
Còn Sandy Scheuer mới chỉ 20 tuổi khi bị bắn chết năm đó. Cô là một người luôn vui vẻ, khôi hài và đầy ước mơ. Với cô đây là một cuộc chiến tranh vô nghĩa vì thế không có lý do gì để đưa thanh niên Mỹ đến Việt Nam.
Người cuối cùng trong số bốn sinh viên bị bắn chết là Jefferey Miller, 20 tuổi. Anh học rất giỏi môn tâm lý học, nhạy cảm và thích thể thao. Anh từng chia sẻ với bạn bè, chẳng thà bị lưu đày còn hơn đi đánh nhau ở Việt Nam. Và anh đã chiến đấu vì hòa bình - hòa bình cho Việt Nam, cho nước Mỹ, cho thế giới và cho tâm hồn anh.
Chủ tịch Trường Đại học Duke, Terry Sanfrd phát biểu trước sinh viên và giảng viên về những cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam, (06/5/1970). Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trường Đại học Kent giờ đây đã là một tên tuổi chẳng kém gì Berkeley hay Columbia trong lịch sử đấu tranh của sinh viên Mỹ.
Ngay sau khi bốn sinh viên tại Trường Đại học Kent bị bắn chết, ngày 07/5/1970, sinh viên Hoa Kỳ trên toàn quốc đã bắt đầu những cuộc bãi khóa, biểu tình để chống lại sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam và Đông Dương. Tại Đại học Maryland, 2.000 sinh viên đã xuống đường bạo loạn. Tại Đại học Syracuse, 3.000 sinh viên đã đập phá một trung tâm huấn luyện sĩ quan Mỹ. Tại Wisconsin, sinh viên đã đốt một siêu thị. Trước đó, tại NewYork, sinh viên đã tấn công một trường sĩ quan cơ giới và sinh viên Đại học Washington đốt cháy một tòa nhà huấn luyện không quân bên trong khuôn viên đại học.
Chiến tranh Việt Nam đã và đang bùng lên ngay trong lòng nước Mỹ và những tiếng súng bắn thẳng vào sinh viên chỉ là báo hiệu cho một thất bại đã nhìn thấy trước.
Phiếu trình (mật) số 6031/BNG/MC ngày 07/9/1970 của Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn về hoạt động phản chiến của Hội Sinh viên Hoa Kỳ (National Student Association)