“Hãy nhớ lấy lời tôi!”

Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hoá thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra. . .

Đó là những lời thơ Tố Hữu dành cho người anh hùng đặt mìn ám sát Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara tại cầu Công Lý cách nay 57 năm: Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trỗi.

Anh Trỗi sinh ngày 01/02/1940 tại làng Thanh Quyết (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 16 tuổi, anh mua vé tàu vào Sài Gòn, không quản khó nhọc, ban ngày anh làm thuê ban đêm học thêm lý thuyết ở trường Bá Nghệ (nay là trường Cao đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng), sau đó xin vào làm công nhân tại Nhà máy điện Chợ Quán. Ao ước của anh lúc ấy thật bình dị: đất nước hòa bình, mở một tiệm sửa đồ điện để sinh sống. Nhưng chẳng mấy chốc anh đã sớm nhận ra: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”.

Đầu năm 1963, anh Trỗi gặp và yêu chị Phan Thị Quyên. Giữa năm đó, với lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, anh trở thành chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Năm 1964, biết tin phái đoàn của McNamara đến thị sát tình hình thực tế nhằm chuẩn bị leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, lực lượng biệt động Sài Gòn liền vạch kế hoạch tiêu diệt. Lúc này anh Trỗi mới lập gia đình được mấy ngày nên không được cử tham gia.Vượt lên hạnh phúc cá nhân, anh kiên quyết đòi ra chiến đấu, nhờ người ký thay vào sổ quyết tử. Tuy nhiên, ngày 9/5/1964 khi vừa đặt được quả mìn nặng 8kg ở cạnh cầu Công Lý, chưa kịp chuẩn bị xong thì anh cùng đồng đội không may bị bắt.

Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh Trỗi vẫn giữ khí phách hiên ngang, kiên quyết không khai ra tổ chức,nhận mọi trách nhiệm về mình để bảo vệ tính mạng đồng đội. Ngày 11/8/1964, anh bị tòa Sài Gòn của chính quyền Nguyễn Khánh tuyên án tử hình. Tại pháp trường, anh bình thản giật bỏ khăn che mặt xuống rồi nói:“Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”.Lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, anh bị xử bắn tại khám Chí Hòa khi mới 24 tuổi. Trước lúc hy sinh, anh hô vang:

Hãy nhớ lấy lời tôi

Đả đảo đế quốc Mỹ !

Đả đảo Nguyễn Khánh

Hồ Chí Minh muôn năm !

Việt Nam muôn năm !

Máu anh chảy xuống nhưng tinh thần anh bất diệt. Noi gương anh, Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định đã phát động phong trào “Năm xung phong” trên toàn miền Nam, thu hút trên 2 triệu lượt thanh niên miền Nam đăng ký tham gia. Hàng chục vạn đoàn viên, hội viên gia nhập Quân giải phóng và các đơn vị thanh niên xung phong, góp phần làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng quê hương, xứng danh thanh niên trên mảnh đất thành đồng.

Nghìn năm sau sẽ nhớ lại hôm qua

Một sáng mùa thu, giữa khám Chí Hoà. . .

Anh bước tới, mắt nhìn, bình thản

Như chính Anh là người xử án

Cỏ trong vườn mát dưới chân Anh

Đời vẫn tươi màu lá rau xanh. . .

Phải chiến đấu như một người cộng sản

Trái tim lớn không sợ gì súng đạn !

(Hãy nhớ lấy lời tôi – Tố Hữu)

Thế hệ thanh niên hôm nay vẫn tiếp tục “Sống như anh”, nhiệt huyết, kiên cường, hiên ngang, bất khuất. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mọi chiến tuyến. Nhiều thanh niên, đoàn viên, đảng viên không ngại khó khăn nguy hiểm để tham gia tuyến đầu cùng cả nước chống dịch. Rồi chúng ta sẽ lại một lần nữa Đại thắng.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1965 – 15/10/2021), chúng ta hãy cùng ôn lại những hình ảnh về anh Nguyễn Văn Trỗi nhé.

Anh Nguyễn Văn Trỗi (người lái xe đạp) khi làm biệt động trước khi bị địch bắt. (Ảnh: Tư liệu gia đình)

 

Chị Phan Thị Quyên và anh Nguyễn Văn Trỗi trong ngày cưới. (Ảnh: Tư liệu gia đình)

 

Ảnh đám cưới anh Trỗi và chị Quyên được phục chế màu.

 

Anh Trỗi và anh Lời lúc bị bắt cùng với quả mìn (Ảnh tư liệu của chế độ cũ)

 

Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”

 

Báo Nhân Dân, số 3860, ngày 25/10/1964 đăng bài “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu và bài “Đại biểu các tôn giáo Hà Nội kịch liệt phản đối Mỹ - Khánh giết Nguyễn Văn Trỗi, đòi trả tự do ngay cho anh Lê Hồng Tư”.

 

Bức ảnh chị Quyên trước mộ anh Trỗi ở Nghĩa trang Đô Thành hôm 17/10/1964. Ngày anh Trỗi bị bắn, chị chạy đôn đáo khắp nơi mà không tìm được nơi anh tạm an nghỉ. Hôm sau đọc báo mới hay anh được chôn ở Nghĩa trang Đô Thành. Sớm 17/10 mới tìm thấy mộ anh. Gia đình đã chọn chùa Pháp Vân để cầu siêu cho anh. Sau đó chị đưa ba anh về quê ở miền Trung. Đầu năm 1965, tổ chức cho chị thoát ly ra vùng giải phóng. Đêm 29 tháng chạp, chị bí mật lên đường ra “R” (chiến khu).

 

Chị Phan Thị Quyên với nhà văn-đạo diễn Luis Correa (người trong cuộc vụ “Bắt cóc Smolen”). Ảnh: ĐSQ Venezuela

 

Bật mí tí xíu: Những hình ảnh đấu tranh kiên cường, bất khuất của anh Trỗi và nhiều chiến sỹ cách mạng Việt Nam cũng đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đó nhé. Khi nào hết dịch các bạn ghé tham quan để tìm hiểu thêm về cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh, hào hùng mà anh dũng của ông cha ta nhé!
Ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Lực lượng Vũ trang giải phóng dân tộc Venezuela(FALN)dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Luis Correa đã lên kế hoạch để 12 thành viên FALN, bắt cóc tùy viên quân sự Mỹ Smolen nhằm đòi Nhà Trắng trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi.Mỹ tuyên bố đồng ý với điều kiện của FALN nhưng trên thực tế đã mở chiến dịch săn lùng. Ngay sau khi Smolen được thả 3 ngày, anh Trỗi đã bị chế độ cũ xử bắn.

Trung tá Michael Smolen

 

Ông Martínez là một thành viên trong nhóm bắt cóc Smolen

 

Sau khi anh Trỗi bị tử hình, ông Martínez cũng bị bắt và tra tấn dã man, bị tuyên án 12 năm tù. 12 du kích tham gia vụ bắt cóc Smolen năm đó đều bị bắt và một người đã hy sinh.Với du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn. Ông Martínez từng khẳng định việc bắt cóc sĩ quan Mỹ là hành động thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, với thế giới tiến bộ. Ông nói: “Tôi rất buồn khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị tử hình, nhưng ông ấy không bao giờ chết. Ông ấy sống mãi. Người chiến đấu vì sự sống không bao giờ chết cả. Khi biết tin ông ấy vẫn bị xử tử, tôi rất đau đớn vì thực sự chúng tôi đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình”.

Quyển sách “Sống như anh” viết về cuộc đời anh Trỗi và cuốn “Từ tuyến đầu Tổ quốc”cùng chiếc balô và đôi dép cao su là những vật dụng thân thiết của mỗi chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.