Khi thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, bên cạnh những loại vũ khí gây sát thương, những đội quân tinh nhuệ, quân đội Mỹ còn đưa vào Việt Nam một lượng hóa chất khổng lồ. Ngày nay, hậu quả của việc quân đội Mỹ sử dụng chất diệt cỏ như chất độc da cam đã ngày càng trở nên rõ ràng, được cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ công nhận, nhưng hậu quả của các chất độc hóa học khác thì vẫn chưa được nhiều người nhắc đến trong đó có chất độc CS.

Khi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, có không ít khách tham quan thấy tò mò với các hiện vật rocket khói độc CS-70ly, lựu đạn CS, lựu đạn CS M7A3. CS là loại chất độc có thể được nạp vào nhiều loại vũ khí nổ hoặc thiết bị phun rải như: bom, đạn, can, thùng phuy, dàn phóng…. Những hiện vật này chỉ là một trong số đó.

Hiện vật chứa CS đang trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Chất độc CS là gì ?

CS là tên thường gọi của hợp chất 2-chlorobenzalmalononitrile (hay o-chlorobenzylidene malononitrile), có công thức hoá học C10H5ClN2 (hay ClC6H4CH=C(CN)2). Dù thường được xem là một trong những loại “hơi cay” (tear gas), nhưng thực chất CS không phải là khí (gas) mà tồn tại ở dạng bột mịn màu trắng ngà, có mùi hạt tiêu nhẹ. Điểm nóng chảy ở 93độ C – 95độC, điểm sôi ở 310độC – 315độC.

Có CS hầu như không tan trong nước (tỉ lệ tan chỉ 0.008% ở nhiệt độ phòng), tan tốt trong các dung môi hữu cơ như axetone, bezene, chloroform, dioxane, etylacetate và cacbondisulfide. CS có khả năng bay hơi mạnh đồng thời khuếch tán nhanh trong không khí.

Hậu quả của chất độc CS như thế nào? Trong phân loại an toàn hoá học, chất CS được phân loại là chất độc cấp tính, gây kích ứng, độc hại đối với môi trường, cơ thể con người và động vật. Nó có thể gây hại cho con người ở nồng độ rất thấp. Nồng độ giới hạn phơi nhiễm của CS rất thấp, chỉ khoảng 0.4 mg/m3 (0.05 ppm). Ở nồng độ cao 25.000 - 50.000 mg/m3/phút, trong hầm, trong địa đạo có thể gây tử vong đối với người.

Chất CS là chất có tính alkyl hoá (alkylating agents), sẽ phản ứng với gốc sulphydryl (SH) có trong protein thụ thể của cơ thể (protein nằm trên màng tế bào, có nhiệm vụ nhận tín hiệu hoá học từ môi trường). Như vậy, CS sẽ làm ức chế đảo ngược enzyme lactate dehydrogenase (LDH) – enzyme phụ thuộc của gốc SH, khiến enzyme này bị bất hoạt. Nhóm SH này có mặt ở mọi nơi trong cơ thể, đặc biệt là các mút thần kinh, nên tác động của CS sẽ gây kích ứng lên cơ thể, hay còn gọi là nhiễm độc.

Mắt, hệ hô hấp và da là những cơ quan bị gây tổn thương chính bởi loại chất độc hóa học này. Theo phân tích tác động của từng thành phần của CS, hợp chất có 1 nguyên tử Halogen sẽ gây kích ứng chảy nước mắt mạnh hơn hợp chất có 2 hay 3 nguyên tử Halogen. Như vậy, có thể thấy CS chỉ có 1 nhóm thế Chloride (thuộc nhóm Halogen) nên tính kích ứng sẽ mạnh nhất. Ngoài ra, sự góp mặt của nhóm Nitro cũng làm tăng mạnh tính kích ứng lên mắt. Nếu CS xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ kích ứng phế quản gây bỏng rát, ho, tức ngực, khó thở, ói mửa, co thắt phế quản và bệnh lở phế quản. Còn khi CS bám vào da có thể gây bỏng nhẹ, tác dụng lên da không kéo dài như tác dụng lên vị trí khác trên cơ thể. Tuy nhiên, do CS bám tốt trên quần áo nên tác dụng này sẽ bị kéo dài hơn, và nếu thời gian tiếp xúc đủ dài sẽ khiến nạn nhân phơi nhiễm CS bị bỏng nặng. Ngoài ra,  do CS dễ bị hấp phụ trên bề mặt vật liệu xốp như len, dạ, vải, gỗ, ngói, rơm rạ, v.v… nên khi được phun rải sẽ dễ dàng bám lên quần áo, tóc hay đồ vật, khiến nạn nhân dễ bị nhiễm độc hơn. Thậm chí, khi nạn nhân đang nị phơi nhiễm chất độc CS tiếp xúc với người khác, chất độc sẽ gây phơi nhiễm thứ cấp lên người mới. Điều này gây nguy hiểm đến những người cố gắng giúp đỡ nạn nhân, lực lượng cảnh sát hay nhân viên cứu hộ…

Đại tá Nguyễn Văn Thơi, nguyên Phó phòng Nghiên cứu tổng hợp, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (nay là Viện Hóa học - Môi trường quân sự, thuộc Binh chủng hóa học) đã mô tả một cách rất ngắn gọn và dễ hiểu về tác hại của CS lên các cơ quan trên cơ thể người như sau: Trên mắt sau 20 đến 60 giây gây chảy nước mắt, đỏ mắt, nặng hơn có thể gây viêm giác mạc, thị lực giảm dần đến mất sức chiến đấu nhanh chóng. Trên đường hô hấp dưới tác dụng của hơi chất độc CS có thể bị hắt hơi liên tục, ho, rát họng và khó thở. Nếu hít thở ở nồng độ cao và trong khoảng thời gian dài thì hơi chất độc CS có thể vào phế nang gây viêm phổi và xung huyết phổi. Khi bị dính chất độc CS lên da, lúc đầu sẽ không có cảm giác gì, tuy nhiên chỉ sau khoảng 2 đến 3 phút da sẽ bị bỏng rát, nếu da bị ẩm ướt có thể bị xung huyết và rộp phồng khi tiếp xúc ở nồng độ cao. Nếu bị trúng độc nhiều lần thì có thể bị viêm da dị ứng: Da đỏ, nổi sần và mọng nước. Khi bị trúng độc nặng thường xuyên xuất hiện triệu chứng toàn thân như: Rối loạn hô hấp rất khó thở, rối loạn tim mạch, mệt mỏi và suy nhược cơ thể, kiệt sức hôn mê dẫn đến tử vong.

Song song đó, người tiếp xúc với CS còn bị ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ngoài những tác hại mang tính chất lâm sàng và ngay lập tức, thì nghiên cứu cũng chỉ ra CS còn gây nên những ảnh hưởng về lâu dài và đe dọa tính mạng của nạn nhân. Tiếp xúc với nồng độ cao sẽ gây nên những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra những về tác động gây ung thư và đột biến của CS. Các nghiên cứu cho thấy cơ chế tác động lên tế bào của CS không dựa vào việc tác động lên vật chất di truyền DNA, mà nó tác động trực tiếp lên bộ máy phân bào, gây ra bất thường trên việc phân chia nhiễm sắc thể (Chromosome) khi tế bào nguyên phân hay giảm phân. Từ đó khiến tế bào xuất hiện bất thường về số lượng và chất lượng của nhiễm sắc thể trong nhân tế bào và gây ra một số biến dị có hại lên cơ thể - trong đó có ung thư.

Quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc CS tại Việt Nam từ năm 1962, và khi đó CS được miêu tả như một loại “hơi cay” mà nhà báo Seymour Hersh đã chỉ ra: “Hoa Kỳ rõ ràng đã bắt đầu trang bị cho Quân đội Nam Việt Nam hai trong ba loại khí kiểm soát bạo loạn tiêu chuẩn…vào năm 1962 theo Chương trình Hỗ trợ Quân sự (Military Assistance Program - MAP) hiện hành. Các tác nhân là CN, loại hơi cay tiêu chuẩn được sử dụng để dập tắt các rối loạn dân sự và CS, loại siêu hơi cay mới được phát triển".

Thế nhưng, không chỉ là những tác hại về mặt thể chất mà hơi cay nói chung, CS nói riêng còn gây ra hậu quả kinh hoàng về mặt tinh thần cho nạn nhân, như Amos Fries  - Giám đốc Cơ quan Chiến tranh Hóa học của Quân đội Hoa Kỳ, đã từng nhận định vào năm 1928: “Con người dễ dàng duy trì tinh thần khi đối mặt với làn đạn hơn là khi có sự hiện diện của khí vô hình (invisible gas)…Hơi cay dường như là một cách phù hợp đáng ngưỡng mộ với mục đích cách ly cá nhân khỏi linh hồn của đám đông … anh ta bị rơi vào một tình trạng mà anh ta không thể nghĩ gì khác ngoài việc giải tỏa nỗi đau khổ của chính mình. Trong những điều kiện như vậy, một đội quân tan rã và một đám đông không còn nữa; nó trở thành một sự giẫm đạp mù quáng để thoát khỏi nguồn của sự tra tấn”.

Chính vì những tác hại, ảnh hưởng dữ dội của CS như trên, nên có nhiều quan điểm cho rằng tên gọi “hơi cay” đã không phản ánh đúng tính chất của CS, “CS gây ra nhiều thứ hơn là hơi cay”.

Trong suốt quá trình leo thang chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ đã ngày càng nhận thấy được tầm quan trọng và tính hiệu quả của chất độc này và đây cũng chính là lí do dẫn đến việc Mỹ tăng cường sử dụng chất độc CS nói riêng và các loại chất tương tự trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.

Thực chất, lo ngại trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã có nhiều do dự và sau đó đã hạn chế việc sử dụng hơi cay, trong đó có chất CS vào tháng 4/1965 và Bộ trưởng Mc Namara cũng đã ra lệnh cho Westmoreland không sử dụng hơi cay trong bất kỳ hoạt động nào nữa. Thế nhưng, xuất phát từ tính hiệu quả của CS sau đó, William Westmoreland - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự tại Việt Nam (1964-1968) đã tìm cách hủy bỏ lệnh cấm bằng việc chứng minh hiệu quả của CS. Từ đó, Mỹ lại tiếp tục triển khai và ngày càng tăng cường sử dụng chất CS và các chất tương tự trong các hoạt động quân sự. Đến ngày 16/10/1965, Westmoreland đã công khai ra lệnh cho binh sỹ Mỹ có toàn quyền sử dụng hơi độc trong tác chiến. Báo Diễn đàn New York ngày 14/01/1966 cũng đưa tin: Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã chính thức chấp nhận việc dùng chất độc hóa học và hơi độc như “một vũ khí hợp pháp có hiệu lực nhất để tiêu diệt đối phương” và là “một việc thuộc quyền điều hành của những sĩ quan chỉ huy mặt trận tại Việt Nam”.

Dù được xem là một trong những chất chống bạo loạn, nhưng kiểm soát bạo loạn không phải là lí do thúc đẩy việc Mỹ sử dụng CS ở miền Nam Việt Nam trong các cuộc hành quân kết hợp của Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Bởi cái tên “tác nhân kiểm soát bạo loạn” chỉ là một trong những cách mà Mỹ sử dụng để tránh sự lên án của cộng đồng quốc tế về việc vi phạm quy định quốc tế về việc sử dụng các loại khí độc trong chiến tranh.

Mãi đến năm 1971, quân đội Mỹ mới ngừng việc sử dụng các loại chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược tại Việt Nam. Trên thực tế phần lớn các thùng phuy chứa chất diệt cỏ lúc đó ở tình trạng bị thủng, hoen rỉ hoặc bẹp móp và không thể được vận chuyển trực tiếp về đảo Johnston. Do vậy, khoảng hơn 50% các thùng phuy này đã được tháo dỡ, hoá chất được thu gom và sang chiết vào các thùng lành lặn để vận chuyển ra khỏi Việt Nam. Thế nhưng, số phận của CS và các hóa chất khác không được công bố chi tiết. Trong khi đó, lính Mỹ khi sơ tán doanh trại và hỏa lực của mình vào giai đoạn cuối chiến tranh, họ lại tiếp tục đốt hoặc chôn các kho hóa chất không sử dụng hoặc bị hỏng, bao gồm CS, chất khử trùng, dung môi và thuốc trừ sâu.

Chính vì vậy, sau giải phóng chất độc CS và các vũ khí, phương tiện chứa CS vẫn còn tồn lưu với số lượng khá lớn, chủ yếu là ở các kho, căn cứ quân sự cũ và nằm rải rác ở các cánh rừng, nương rẫy ở hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam. Vậy nên, việc xử lí chất độc CS còn tồn đọng trên vùng lãnh thổ của đất nước sau chiến tranh vẫn còn là vấn đề cấp bách, đòi hỏi quá trình xử lí khoa học với nhiều công sức và chi phí để đảm bảo được đời sống an toàn cho người dân.

Lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 sử dụng hơi cay để "cưỡng bức" phụ nữ và trẻ em khỏi nơi ẩn náu, Thu Xuân, ngày 12/02/1966. Ảnh: Steve Van Meter/ UPI.

Lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh số 1 đối phó với việc tiếp xúc với khí độc CS trong một cuộc tấn công do VC tổ chức vào một ấp ở đồng bằng Bồng Sơn, năm 1967. Nguồn www.pinterest.com

Bộ đội Hóa học xử lý đạn chứa chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh tại tỉnh Đồng Nai. Nguồn: Binh chủng Bộ hóa học