Chuyên đề “Hòa bình cho trẻ thơ” đã được Bảo tàng thể nghiệm từ năm 2006 với mong muốn là giáo dục cho các em thiếu niên nhi đồng hiểu thêm về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, giúp các em nhận thức được hậu quả của chiến tranh xâm lược, từ đó các em sẽ biết trân trọng giá trị của hòa bình, tự do, hạnh phúc, tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Mặt khác, chuyên đề cũng nhằm giáo dục cho các em về thẩm mỹ,  tạo sân chơi lành mạnh để các em thiếu niên  nhi đồng  trong và ngoài nước có thể tham gia học tập, vui chơi và giải trí, bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm khi đến tham quan Bảo tàng.

Từ năm 2010, phòng giáo dục hòa bình cho thiếu nhi có chủ đề là “Bồ câu trắng” với mong muốn hình ảnh chim bồ câu sẽ giúp các em thiếu nhi cảm nhận được không khí thân thiện, gần gũi hòa bình và hữu nghị.

Chương trình hoạt động:

1. Đối với các em tham gia theo đoàn có đăng ký trước

- Tham quan Bảo tàng khoảng 45 phút theo sự hướng dẫn của Hướng dẫn viên tại Bảo tàng.

- Chương trình giao lưu với các trò chơi mang ý nghĩa khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục  hòa bình như: thi vẽ tranh, nặn tượng, tô màu tập thể về chủ đề quê hương đất nước, yêu chuộng hòa bình – hữu nghị, bảo vệ môi trường; thi dán lá phục hồi cây bị hủy hoại bởi chất độc da cam; thi nặn chim bồ câu bằng đất sét; đố vui về các nhân vật lịch sử…

- Các em thiếu nhi tham gia chơi theo đoàn do nhà trường trực tiếp tới liên hệ tại Bảo tàng hoặc Bảo tàng cử hướng dẫn viên trực tiếp tới các trường để giới thiệu và mời tham gia giao lưu.

2. Đối với các em thiếu nhi tới tham quan cùng gia đình, không đi theo đoàn: Tại phòng “Bồ câu trắng” luôn có các sách, truyện thiếu nhi và đồ chơi về các chủ đề lịch sử, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi hòa bình – hữu nghị, bảo vệ môi trường. Các em được hướng dẫn viên hướng dẫn và cùng chơi.