Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng bom mìn đánh phá nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bình Thuận. Ác liệt nhất là giai đoạn từ năm 1960-1972, quân đội Mỹ đã ném bom vào khu tam giác sắt (Hàm Thắng, Hàm Chính, Hàm Liêm), huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận gây ra nhiều mất mát, đau thương cho dân cư những vùng này.

Số người chết được người dân gom lại tập trung về ngôi chùa Bửu Lâm tại thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, sau đó người nhà đến nhận và đem đi chôn cất. Chùa Bửu Lâm được xây dựng vào năm 1960, trong khu Ấp chiến lược do chính quyền Sài Gòn cũ thiết lập. Lúc đầu Chùa được dựng lên rất đơn sơ bằng tre lá và không có chuông để cử hành các nghi lễ. Vì vậy người dân đã cắt lấy một nửa vỏ quả bom 500 cân Anh chưa nổ, điểm nhãn 4 Hán tự (chuyển ngữ tiếng Việt là Xuân, Hạ, Thu, Đông) bốn phía xung quanh với ý nghĩa biểu trưng cho sự vận hành tự nhiên, là quy luật 4 mùa xoay chuyển trong đất trời, là vòng luân hồi sinh - ly - tử - biệt theo triết lý Phật giáo. Sau đó dùng sợi dây cáp treo lên cái giá xem như Đại Hồng chung của chùa. Mỗi khi hành lễ âm thanh của chuông vang lên như lời thức tỉnh bản giác con người với mong ước đất nước được hòa bình.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Hòa Thượng Đạo Hiệu Thích Thông Giám trụ trì chùa đã cho quy tập hài các cốt liệt sĩ về chùa và tổ chức lễ cầu siêu trước khi an táng tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ. Năm 1994, Hòa Thượng Thích Thông Giám đã vận động xây dựng Nhà Hội (Chánh Điện) và cho đúc Đại hồng chung mới thay thế chiếc chuông làm bằng vỏ bom cũ. Tháng 06/2012, Thượng Tọa Thích Nguyên Hộ - kế vị trụ trì đã tặng chuông bằng vỏ bom cho Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn để làm hiện vật Bảo tàng. Ngày 12/01/2020, ông Ẩn trao tặng chuông cho Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để thông điệp về giá trị hòa bình được truyền đến với khách tham quan.