Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, để ngăn chặn sự chỉ viện từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng những phương tiện vũ khí được coi là tối tân nhất của khoa học quân sự Mỹ thời điểm ấy. Trong đó có hệ thống trinh sát điện tử hiện đại với quy mô sử dụng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Hoạt động trinh sát điện tử diễn ra rộng rãi cả trên hai miền Nam - Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở những trọng điểm ác liệt như: dọc khu vực vĩ tuyên 17 và tuyến đường Trường Sơn (Đường mòn Hồ Chí Minh) như một biện pháp trinh sát mặt đất tự động. nhằm phát hiện các hoạt động vận chuyển của Quân đội Nhân dân Việt Nam lưu thông qua khu vực này trong thời chiến tranh Việt Nam.
Năm 1967, tại một cuộc hội thảo ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara đã đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử chống xâm nhập dọc khu phi quân sự giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, hệ thống này còn được gọi là Hàng rào điện tử Mc.Namara. Hàng rào điện tử Mc.Namara bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn…); các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (Ra đa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...) được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10 - 20 km, dài khoảng 100 km từ Cảng Cửa Việt lên Quốc lộ 9A, tới biên giới Việt Nam Lào, sang Mường Phìn (Lào). Hàng nghìn thiết bị điện tử được thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm phát hiện hoạt động của con người và xe cơ giới thông qua địa chấn, âm thanh, từ trường và cả mùi, nổi tiếng nhất là “cây nhiệt đới”.
Cây nhiệt đới thực chất là một loại thiết bị do thám chủ động, sau khi được thả xuống các khu vực nghi vấn trên đường Trường Sơn, các hệ thống này sẽ hoạt động và phát tín hiệu về căn cứ chỉ huy.
Sơ đồ cảm biến cây nhiệt đới ADSID. Nguồn: https://viettimes.vn/viet-nam-dat-mui-b52-va-khong-quan-my-the-nao
Cây nhiệt đới có tên khoa học là "Tranggen Radio" có nghĩa là trinh sát điện tử. Khi được thả từ máy bay xuống thiết bị này có khả năng cắm sâu xuống đất, chỉ lộ phần ăngten được ngụy trang, sơn màu xanh khéo léo như những cành cây rừng. Cấu tạo bộ ăngten gồm 4 râu, một râu thẳng lên trời, ba râu còn lại xòe ra ba góc. Bên trong chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng... được bao bọc bằng lớp nhựa dày rất cứng, một khối pin lớn và một micro nối với cần ăngten. Cây nhiệt đới sau khi thả xuống có thể hoạt động liên tục từ 65 - 70 ngày. Quy trình hoạt động của Cây nhiệt đới là thu tín hiệu từ các di chuyển của phía đối phương bằng chân động mặt đất, đối với người cự ly là 25 - 35m, ô tô là 200 - 300 m sau đó phát tín hiệu lên không trung cho máy bay ở độ cao 15 - 20 km, máy bay lập tức phát thông tin về trung tâm xử lý của Mỹ đặt ở đảo Guam (Thái Lan). Trung tâm xử lý xác định tiếng động của người hay ôtô, kho tàng, xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về sở chỉ huy để điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong giây phút.
Do giới hạn của công nghệ lúc bấy giờ, các loại cây nhiệt đới có thời gian hoạt hoạt động rất ngắn và trở nên vô dụng sau khi: hết pin. Chính vì vậy, Mỹ đã phải thả xuống miền Nam Việt Nam hàng triệu cây nhiệt đới chỉ trong một thời gian ngắn để duy trì hoạt động liên tục, không bị gián đoạn do các cây bị hết pin dần.
Các loại cây nhiệt đới được ngụy trang với màu sơn theo kiểu rằn ri, có thể nhận biết được âm thanh, chuyển động trong bán kính xung quanh khoảng từ vài chục đến cả trăm mét tùy loại. Đề tránh bị nhầm giữa tiêng động khi hành quân của lực lượng quân giải phóng với tiếng ồn do các loại động vật, thú hoang gây ra, chỉ một lượng tiếng ồn đủ lớn, kéo dài lâu đã được định sẵn và tiếng ồn phát ra trên phạm vi rộng, nhiều cây nhiệt đới cùng bắt được chuyên động đó thì thông tin mới được truyền đi báo "Đèn Đỏ”.
"Đèn đỏ" (Red Light) là thông báo khi phát hiện được tín hiệu nghi có sự xuất hiện của lực lượng quân giải phóng trong một khu vực xác định. Dựa vào các tín hiệu từ các cây nhiệt đới, các căn cứ tiền phương của Mỹ sẽ xác định khu vực nghi vấn, cử máy bay do thám đến khu vực đó để chụp lại không ảnh trước khi quyết định có nên tiến hành công kích hay không.
Binh lính Mỹ thả cây nhiệt đới xuống vùng rừng núi miền Nam Việt Nam. Nguồn: https://petrotimes.vn/so-phan-cua-nhung-cay-nhiet-doi-109385
Việc xác định có nên không kích hay không dựa vào các suy luận về việc lực lượng quân giải phóng trong khu vực có nhiều hay không. Thông thường, khi đã có được các hình ảnh không ảnh do máy bay do thám mang về, phía Mỹ sẽ dựa vào đặc điểm địa hình, đường đi mà các Cây nhiệt đới ghi lại được để tìm ra một điểm có khả năng cao sẽ làm nơi đóng quân của lực lượng giải phóng và tiến hành oanh kích để đạt hiệu quả cao. Để tăng cường hiệu quả phát hiện của cây nhiệt đới, không quân Mỹ rải xuống khu vực hàng triệu quả mìn, từ nhỏ như viên thuốc để tạo tiếng động báo hiệu, đến đủ mạnh để gây thương tật vĩnh viễn cho người vướng phải.
Thời gian đầu, khi chưa phát hiện ra cây nhiệt đới, các đợt oanh kích của Mỹ đã gây tổn thất cho bộ đội. Về sau, bộ đội công binh của Việt Nam đã mưu trí không những vô hiệu hóa chúng bằng những cách làm đơn giản. Quân đội Việt Nam chủ động phát hiện các khu vực có cây nhiệt đới của đối phương để tìm cách né tránh hoặc tương kế tựu kế, khiến đối phương mắc lừa. Thông thường, việc né tránh các khu vực có hàng rào điện tử Mc.Namara là cực kỳ đơn giản do tuyến đường mòn Trường Sơn được xây dựng theo kiểu đan xen nhau cực kỳ chằng chịt, mỗi khi có một khu vực được coi là nghi vấn, ngay lập tức đoàn xe vận tải sẽ được chuyển hướng, di chuyển theo lộ trình khác an toàn hơn. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong có mặt trong tuyến đường mòn cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, "thông đường" bất cứ lúc nào nếu giao thông bị phi pháo của Mỹ làm hư hại.
Ở các binh trạm thường thành lập các nhóm chuyên trách săn tìm các thiết bị do thám, là những người rất thông thạo trong việc định vị và tháo dỡ chúng. Các thiết bị này rất khó phát hiện và chỉ có thể sử dụng mắt thường để tìm. Các máy cảm ứng thường có cấu tạo thêm một bộ phận tự huỷ để làm liệt chi tiết này, và các thao tác đã được nghiên cứu, học tập và phổ biến ngay. Với loại có dù treo cao trên ngọn cây, nếu cao quá thì bắn huỷ, nếu thấp thì hạ xuống rồi vô hiệu hoá. Với các loại cây nhiệt đới (ADSID, ACOUSID) thì cắt ngay cần ăng ten. Đối với những loại khó tháo gỡ thì đơn giản nhất là áp 200g thuốc nổ vào (gói theo kiểu bộc phá) rồi cho nổ cắt đôi khí tài ra là xong.
Cây nhiệt đới được ngụy trang với màu sơn theo kiểu rằn ri. Nguồn: trian.vn/tin-tuc/nhip-cau-ban-doc-3577/my-giup-bo-doi-viet-nam-mo-duong-truong-son-447556
Mặc dù điều kiện về phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sỹ công binh Việt Nam, không chỉ Cây nhiệt đới mà hàng loạt các thiết bị khác của Mỹ cũng bị vô hiệu hóa. Kế hoạch ngăn chặn bằng “hàng rào điện tử McNamara” tiêu tốn hàng tỷ đô la bị chọc thủng khiến nhà cầm quyền Mỹ không thu được kết quả như mong đợi. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - John McConnell đã phải thừa nhận: “Không quân Mỹ đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn trong cuộc chiến kỳ lạ để giành lấy những thắng lợi nhỏ nhoi... Tôi chưa bao giờ thât vọng như lúc này”.
Nguyễn Thị Ngọc Linh
Tổ Tuyên truyền - Đối ngoại