Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam những di sản vô giá. Đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nhận thức được giá trị, ý nghĩa và vai trò to lớn những di sản tinh thần vô giá đó, Đảng ta đã có nhiều quyết sách, chủ trương đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, vinh dự và tự hào là thành phố mang tên Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết tâm xây dựng Thành phố có một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững”.

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ nhằm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà đây còn được xem là động lực quan trọng để xây dựng thành phố phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và hội nhập quốc tế, với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố, con người thành phố - trung tâm của vùng đất Nam bộ.

Không gian văn hóa

Hiểu một cách đơn giản, không gian văn hóa là một khu vực, môi trường có các hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa của từng vùng lãnh thổ, cộng đồng dân cư nhất định, có những đặc điểm riêng biệt tạo nên giá trị văn hóa riêng, như không gian văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa kiến trúc, không gian văn hóa nghệ thuật v.v… Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể thấy không gian văn hóa được hình thành, phát triển gắn liền với bối cảnh lịch sử - văn hóa địa lý - tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu dân cư, thành phần dân tộc,…  của mỗi khu vực, quốc gia, vùng miền, mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Do đó, mỗi không gian văn hóa khác nhau thường sẽ mang những đặc trưng riêng biệt.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Trước tiên, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa vì nước, vì dân; hướng tới giải phóng con người, vì con người; văn hóa của sự giản dị, khiêm tốn. Yêu nước, thương dân, tất cả vì nước, vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn hóa Hồ Chí Minh được dệt nên từ toàn bộ cuộc sống, sự trải nghiệm cực kỳ phong phú và sâu sắc trong hoạt động sống của Người.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tuy là thuật từ còn mới mẻ, song đã thu hút sự quan tâm và triển khai linh hoạt của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn Thành phố với nhiều cách làm hay, sáng tạo, chẳng hạn như: tổ chức triển lãm ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện phòng truyền thống, trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, …. Qua đó có thể hiểu không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tuyên truyền các giá trị văn hóa Việt Nam, trong đó cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát huy, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, sinh động.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thiết thực góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (hiện tọa lạc tại số 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.Hồ Chí Minh) mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 04/9/1975, chỉ vài tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, tự do. Tính đến nay, qua gần 50 năm hoạt động, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện có hơn 20.000 tư hiệu hình ảnh, bài viết, hiện vật, phục vụ hơn 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Điều đặc biệt, tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, mỗi khi bắt đầu bất kỳ công trình nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, triển lãm nào chúng tôi cũng tìm về với bộ “Hồ Chí Minh toàn tập”. Điều này không chỉ xuất phát từ “nguyên tắc”, từ “quy trình” mà thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến vấn đề tội ác, hậu quả của các thế lực xâm lược đã gây ra ở Việt Nam. Người còn là tấm gương cả một đời đấu tranh vì hòa bình cho dân tộc Việt Nam và cho nhân dân trên thế giới.

Trong những năm tháng chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa chỉ huy công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ xâm lược, Người vừa đến với nhân dân các nước bè bạn để đặt nền móng cho một chính sách ngoại giao hiếu hoà của một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn rất non trẻ. Hồ Chí Minh mở rộng vòng tay thân ái tiếp đón các đoàn khách quốc tế, những nhà báo yêu sự thật trong chiến tranh, những nhà hoạt động vì hoà bình đến với Việt Nam ngay trong những năm tháng chiến tranh còn ác liệt. Hồ Chí Minh mơ ước hoà bình cho dân tộc Việt Nam và khát khao hòa bình cho toàn thể nhân loại, đặc biệt là các nước thuộc địa đã và đang chiến đấu giành độc lập, tự do. “Hòa bình” trong trái tim của Hồ Chí Minh không chỉ là việc chấm dứt chiến tranh phi nghĩa, Hòa bình phải đồng nghĩa với độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Hoà bình cũng đồng nghĩa với tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới, với sự tiến bộ, bình đẳng của toàn thể nhân loại.

Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam luôn nhận thức rõ giá trị của hòa bình. Từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của dân tộc, Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị. Người đã hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và những hoạt động ngoại giao để làm nên những nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng hòa bình Việt Nam, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới. Và nội dung chủ đạo này đã được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh xây dựng nên triển lãm chuyên đề “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” vào năm 2010 nhằm góp phần giúp công chúng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tư tưởng, ngoại giao hiếu hòa, đặc biệt là khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh. Không chỉ dừng lại ở một cuộc triển lãm chuyên đề, Bảo tàng còn xây dựng thành triển lãm lưu động phục vụ đông đảo học sinh, sinh viên trong và ngoài thành phố qua nhiều năm.

Thiết thực xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tiếp tục phát huy thành công triển lãm chuyên đề “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh”, với các tư liệu, hình ảnh, câu chuyện thể hiện khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh từ khi Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Người nằm xuống, những giá trị văn hóa về khát vọng hòa bình của Người vẫn tiếp tục được nhân dân Việt Nam gìn giữ, tiếp nối và phát huy.

Dân tộc Việt Nam vốn từ xưa đến nay luôn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Truyền thống nhân văn này được hun đúc từ trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và đã được các thế hệ cha ông ta nối tiếp xuyên suốt từ quá khứ cho đến hiện tại. Ngay cả khi phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước thì toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn canh cánh một khát vọng hòa bình. Và Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc cũng như nâng nó lên một tầm cao mới. Hòa bình cũng là ước muốn mà toàn thế giới hằng mong mỏi, trân trọng; nhất là khi các cuộc chiến tranh ngày càng trở nên thảm khốc hơn bao giờ hết. Chính bởi điều này mà UNESCO đã quyết định vinh danh Hồ Chí Minh – người đã cống hiện trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội - trước toàn thể nhân loại. Giữa hàng triệu người Việt Nam, chỉ có Người mới được vinh dự lớn lao đến vậy. Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương sáng ngời cho khát vọng hòa bình không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn là cho cả thế giới học hỏi và noi theo

Triển lãm chuyên đề “Khát vọng Hòa bình của Hồ Chí Minh” khi được mang đến các trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, các đơn vị đều có thể tạo nên một không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đó. Mỗi không gian văn hóa Hồ Chí Minh này sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian phù hợp với từng đơn vị. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến hết quý 1 năm 2023, không gian văn hóa lưu động “Khát vọng Hòa bình của Hồ Chí Minh” đã được mang đến 05 trường học. Đồng thời, từ những nội dung đã nghiên cứu và xây dựng, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng đã hỗ trợ thực hiện không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cho trường Tiểu học Trương Quyền. Tiếp nối hiệu quả trên, Bảo tàng hiện đã hoàn thành nội dung, thiết kế và đang đợi ý kiến từ Ban Giám Hiệu Trường Đại học Quốc gia để thực hiện và một số trường học khác cũng đang liên hệ Bảo tàng đề nghị hỗ trợ thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Bằng cách truyền tải thông điệp gần gũi, dễ hiểu, việc phối hợp thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường học đã và đang góp phần phát triển toàn diện cho học sinh về nhân cách, đạo đức, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội, phòng chống bạo lực trong gia đình, nhà trường. Hòa bình không phải không có chiến tranh, mà hòa bình được hiểu theo nghĩa rộng là không còn bạo lực, xung đột, mâu thuẫn với nhau.

Trong tương lai, bên cạnh việc thực hiện triển lãm lưu động “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh”, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ, đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” lên mạng qua các hình thức: bảo tàng trực tuyến, lập trang web, fanpage, trang Facebook, YouTube, v.v… để chia sẻ các hình ảnh, video clip, phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những lời dạy của Người về tình yêu hòa bình, yêu quê hương, đất nước, con người. Qua đó, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là thanh thiếu niên đều có thể tiếp cận, tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Nhìn chung, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là xây dựng cả văn hóa vật thể và phi vật thể, trên cơ sở gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, từ đó, củng cố các giá trị văn hóa của Thành phố, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, lối sống. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho công cuộc, xây dựng và phát triển Thành phố. Đó chính là nền tảng quan trọng để mỗi người dân tự hào với nhịp sống nơi thành phố mang tên Bác. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sẽ luôn nỗ lực đóng góp thiết thực cho thành công của việc triển khai xây dựng và tổ chức các hoạt động tại các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn Thành phố.

Hướng dẫn viên Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh giới thiệu nội dung triển lãm “Khát vọng hòa bình của Hồ Chí Minh” tại trường Tiểu học Trần Quang Diệu  (Quận 3, Tp.HCM) ngày 19/10/2022

 

Lễ Khai mạc Phòng trưng bày Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp cùng trường Tiểu học Trương Quyền (Quận 3) thực hiện tại khuôn viên trường

 

Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp cùng trường Tiểu học Trương Quyền (Quận 3) thực hiện tại khuôn viên trường