Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngoài lực lượng quân đội Mỹ tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ còn chủ trương thiết lập các căn cứ quân sự ở các nước đồng minh như Nam Triều Tiên, Philippine, Nhật Bản… Đặc biệt các căn cứ quân sự của Mỹ ở  Nhật Bản là nơi để Mỹ trực tiếp đưa các loại phương tiện chiến tranh sang Việt Nam phục vụ cho cuộc chiến từ những năm 1960. Trước hành động này, từ năm 1965, tại Nhật Bản đã diễn ra nhiều phong trào phản chiến mạnh mẽ, tiên phong là các hoạt động của tổ chức Beherein, sau đó là phong trào Heneda, phong trào của thị dân Oizumi…

Đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân Nhật Bản từ trí thức, công nhân, văn nghệ sĩ đến những người nông dân đã nhiệt tình tham gia vào các cuộc biểu tình phản chiến, quyên góp ủng hộ nhân dân Việt Nam… Năm 1972, quân đội Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến Việt Nam và dự định chuyển những chiếc xe tăng M48 của quân đội Mỹ từ các căn cứ quân sự tại Nhật Bản đến Việt Nam. Để phản đối hành động này, hàng trăm người dân ở vùng Sagami Harashi, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã ngồi trước những chiếc xe tăng M48 đóng ở một căn cứ quân sự tại tỉnh này trong hơn 100 ngày để ngăn chặn Mỹ chuyển vũ khí, khí tài chiến tranh đến Việt Nam. Bài hát “Hãy chặn chiến xa lại” đã ra đời trong thời điểm đó.

Năm 1973, nữ danh ca Nhật Bản Yokoi Kumiko 29 tuổi – đã có một mái ấm với cậu con trai mới 2 tuổi - đã quyết định đến Việt Nam với sự ủng hộ của chồng mình là ông Tomoyori Hidetaka. Bà muốn dùng tiếng hát của mình để đồng hành cùng nhân dân Việt Nam nói lên lời ca phản chiến. Cuối tháng 11 đến tháng 12/1973 Bà Yokoi Kumiko đã biểu diễn tại Hà Nội trong hai tuần. Đặc biệt bà đã ra tận trận địa pháo tại tỉnh Quảng Bình biểu diễn cho các chiến sĩ đang trực chiến tại mặt trận. Bài hát “Hãy chặn chiến xa lại” của bà đã được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Hà Nội thu âm và phát lại rất nhiều lần. Sau khi từ Việt Nam trở về Nhật Bản, bà đã biểu diễn bài hát này khắp đất nước của mình và một số nước khác.

Trở lại Việt Nam sau chiến tranh, nữ danh ca Yokoi Kumiko hiểu rằng nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó khi vẫn có quá nhiều những nạn nhân của bom mìn và nạn nhân chất độc da cam. Vì vậy bà đã tham gia nhiều chương trình nghệ thuật vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Tháng 5/2005, bà nhận được “Kỷ niệm chương Vì Hòa bình, Hữu nghị quốc tế” từ chính phủ Việt Nam do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng. Tháng 6 năm 2005, bà là một trong 1.000 phụ nữ được đề cử giải Nobel Hoà bình do dự án 1.000 Phụ nữ bình chọn giải Nobel Hoà bình năm 2005.

Ngày 16/03/2018, nữ danh ca Yokoi Kumiko đã trao tặng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh bức ảnh và chiếc đĩa hát của bà được phát hành năm 1974. Đĩa hát là tác phẩm bao gồm 14 bài hát, trong đó có bài hát nổi tiếng “Hãy chặn chiến xa lại” - một thông điệp hoà bình, chống chiến tranh từ đất nước mặt trời mọc.

Ca sĩ Yokoi Kumiko biểu diễn tại trận địa pháo Quảng Bình năm 1973

(ảnh tư liệu của ca sĩ Kumiko)