2. Những câu chuyện cảm động đằng sau những sự trở về

Mối nhân duyên của những cựu binh Hoa Kỳ với Việt Nam từ những sự “hồi hương” của những cuốn nhật ký bắt đầu thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận qua câu chuyện trở về từ Hoa Kỳ của tập nhật ký mà Frederic Whitehurst – một cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ thu được tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1970. Lúc có được chúng, Frederic Whitehurst tính châm lửa đốt đi nhưng người thông dịch của ông đã cản: “Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi”, người lính Mỹ ấy đã không đốt nó. Đó là cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ, một bác sĩ có cái tên thật đẹp: Đặng Thùy Trâm. Những dòng chữ rực lửa trong cuốn nhật ký khiến Frideric vô cùng xúc động - mặc dù ông chỉ được nghe qua lời dịch vội. Cuốn nhật ký đó đã theo Frederic rời Việt Nam sang Hoa Kỳ khi ông hết thời gian phục vụ tại nơi đây. Trong suốt hơn 30 năm sau đó, Frederic vẫn luôn canh cánh trong lòng về cuốn nhật ký. Đó là một cuốn nhật ký “có lửa”. Và chính “ngọn lửa” ấy đã dẫn Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam) làm một cuộc hành trình vượt đại dương, đưa quyển nhật ký về với thân nhân của liệt sĩ: “Chúng tôi bị những dòng nhật ký đó ám ảnh nhưng đó là sự ám ảnh tốt đẹp… Chúng tôi cần phải để lại ký ức sau lưng để hoàn thành bổn phận của mình… Cuốn nhật ký phải được trở về Việt Nam… Điều quan trọng nhất mà tôi muốn là thế giới phải biết đến Đặng Thùy Trâm”. Năm 2005, sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của người thân, bạn bè. 

Ảnh: Frederic Whitehurst và anh trai Robert Whitehurst đến thăm gia đình bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm khi ông đến Việt Nam năm 2005.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-gin-giu-cuon-nhat-ky-co-lua-da-den-vn-92501.htm

Câu chuyện xúc động trên dường như đã truyền cảm hứng cho sự “trở về” của những cuốn nhật ký khác. Trong những năm gần đây, một số cuốn nhật ký chiến trường được những người bên kia chiến tuyến lưu giữ đã trở về đất mẹ bằng con đường ngoại giao. Trong đó, có thể kể đến nhật ký của cựu chiến binh Lê Đức Tuấn và hai liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, Nguyễn Văn Nam.

Nhật ký của cựu chiến binh Lê Đức Tuấn là một cuốn nhật ký rất đặc biệt bởi nó được vẽ bằng tranh. Cuốn nhật ký gồm 112 bức tranh ký họa được chiến sĩ Lê Đức Tuấn, vốn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, vẽ dọc đường hành quân vào chiến trường miền Nam từ năm 1967 -1968. Năm 1968, trong trận chiến đấu tại Kon Tum, ba lô của chiến sĩ Lê Đức Tuấn, trong đó có cuốn ký họa đã bị thiếu tá quân đội Mỹ Robert B. Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, thuộc sư đoàn 4 bộ binh của quân đội Mỹ) thu giữ. Cầm cuốn nhật ký trên tay, Simpson thật sự ngỡ ngàng bởi những bức tranh quá đẹp, gây được sự rung cảm cho ông nên Simpson đã quyết định giữ lại mà như sau này Robert B. Simpson đã thổ lộ: “thông thường, những người lính của bất kỳ bên tham chiến nào cũng đều hiểu rằng cái đẹp và sự nhạy cảm hình như không tồn tại trong chiến tranh. Nhưng tác giả của những bức tranh này lại khác, ông không chỉ là một người lính dũng cảm mà còn là một hoạ sĩ vẽ lên những bức tranh đẹp đến nao lòng”. Thiếu tá Robert B. Simpson đã lấy 3 bức tranh đẹp nhất gửi về cho vợ ở Mỹ, còn lại 109 bức ông đem tặng tướng Wiliam R. Peers như một chiến lợi phẩm chiến tranh. Năm 2009, cuốn ký họa được bà Hicks - con gái của tướng Wiliam R. Peers trao trả quyển nhật ký cho Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là một nghĩa cử hết sức có ý nghĩa mà theo tâm sự của bà Hicks thì: “mọi người đều ngạc nhiên đến sửng sốt trước tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, và tài năng của người họa sĩ trẻ. Cũng vì lẽ đó nó đã thôi thúc tôi phải trả nó cho Việt Nam… Tôi đã bật khóc khi biết được hoạ sĩ Lê Đức Tuấn, tác giả của bức tranh còn sống”. Biết tin, ông Robert B. Simpson đã tìm lại và gửi 3 bức tranh mà ông đã gửi cho vợ, nhờ ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao trả họa sĩ Lê Đức Tuấn. Đáp lại tình cảm của Robert B. Simpson, cựu chiến binh Lê Đức Tuấn đã có những chia sẻ rất xúc động: “Cầm súng là nhiệm vụ của người lính đối với đất nước, dân tộc mình. Còn văn hoá là ở trái tim, tâm hồn mỗi người. Tôi thực sự cảm động, trân trọng ông Robert B. Simpson đã lưu giữ ba bức tranh của tôi suốt 42 năm qua”. Như vậy là sau 42 năm lưu lạc trên đất khách, cuốn nhật ký bằng tranh đã trở về Việt Nam, cuốn nhật ký đã có hành trình trở về thật kỳ diệu, vẹn nguyên, rực cháy như chính tâm hồn của người chiến sĩ.

Đại sứ Mỹ Michael Michalak trao ba bức tranh cho ông Lê Đức Tuấn, sau 42 năm lưu lạc trên đất Mỹ chiều 18/9/2010. Ảnh: Hồng Vĩnh

 

Ba bức tranh màu nước được trả lại do Lê Đức Tuấn vẽ năm 1967.

Nguồn: https://tienphong.vn/ba-manh-ghep-cuoi-cua-mot-so-phan-post512830.tpo

Vào tháng 3/1966, tại khu vực đồi Chóp Nón (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã diễn ra một trận đánh vô cùng ác liệt giữa quân Giải phóng và quân đội Hoa Kỳ. Sau trận đánh, một người lính Hoa Kỳ là Robert Frazure đã nhìn thấy trên ngực một người chiến sĩ đã ngã xuống ở bên kia chiến tuyến một cuốn sổ nhỏ màu đỏ. Không nghĩ ngợi gì, Robert cất cuốn nhật ký vào túi, định giữ nó như một kỷ niệm buồn về trận đánh này. Trở về quê hương, cuốn nhật ký thu được từ người lính phía đối phương đã tử trận lúc nào cũng ám ảnh Robert. Vì những day dứt khôn nguôi đó, ông luôn có một tâm nguyện là tìm được gia đình của người lính đã hy sinh để trao trả lại cuốn nhật ký. Tâm nguyện đó lại càng trở nên cháy bỏng khi Robert bước vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, cuốn nhật ký được chuyển đến Bộ Quốc phòng Mỹ và cuối cùng, xuất hiện trong hành trang sang thăm Việt Nam đầu tháng 6/2012 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta. Tháng 9/2012, gia đình ông Vũ Đình Sơn (con trai của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn) đã được nhận lại cuốn nhật ký của người cha đã hi sinh trong trận đánh năm xưa.

 Ảnh: Đại điện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đến chúc mừng gia đình ông Vũ Đình Sơn cuối cùng đã nhận lại kỷ vật của liệt sĩ. 

Nguồn: https://nhandan.vn/ky-la-so-phan-nhat-ky-chien-tranh-post390624.html

Trong chuyến đến thăm Việt Nam từ ngày 31/5 – 02/6/2015, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã trao lại cho Bộ Quốc phòng Việt Nam một số di vật của bộ đội Việt Nam mà quân đội Mỹ thu được trong chiến tranh. Trong số những di vật đó có một quyển nhật ký. Gọi là nhật ký nhưng cuốn sổ chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay, vài trang giữa có vệt máu loang lổ thấm lên những dòng thơ. Cuốn nhật ký không nhắc nhiều đến bom đạn, những hy sinh khốc liệt hay hoài bão của một người trai đi chiến trận mà chủ yếu là hoa, là trăng, là những dòng thơ tâm sự ngọt ngào với người con gái được gọi là “em”: 

Xa em anh chẳng có quên

Xa em anh lại có trăng bên rồi

Nhìn trăng anh thấy bồi hồi

Nhìn trăng anh tưởng lúc ngồi bên em.

Ảnh: Một trang trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam.

Nguồn: Hoàng Phương - vnexpress.net/cuoc-doi-liet-si-trong-cuon-nhat-ky-tro-ve-tu-nuoc-my-3253649.html

Những trang giấy thấm máu bắt đầu ố vàng nhưng vẫn đọc được thông tin như “Nguyễn Văn Nam, Xuân Trường, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa… Mến gửi em Hà Thị Rốt, trường Trung cấp Nông nghiệp Hậu Lộc; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường trung cấp 1, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa”. Cuốn nhật ký sau đó đã được xác nhận là của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, quê thôn Xuân Trường, xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và đã được trao lại cho gia đình của liệt sĩ. Với thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, không gì bất ngờ, xúc động bằng việc được nhận lại di vật của người thân trở về từ nửa vòng trái đất. Cuốn nhật ký được Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ trao lại cho phía Việt Nam sau 43 năm lưu lạc vào ngày 01/6/2015 - đúng vào ngày mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam trút hơi thở cuối cùng - “Một sự trùng hợp khó lý giải nhưng rất đặc biệt”.

Bên cạnh con đường ngoại giao, nhiều cựu binh Hoa Kỳ đã giúp đưa những cuốn nhật ký của những người lính Việt Nam trở về với quê hương của nó bằng những nổ lực cá nhân của mình. Vào năm 1969, trong một trận đánh ở khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang, một lính biệt kích Hoa Kỳ là Denver Shannon đã thu được một chiếc túi của một người lính quân y thuộc quân Giải phóng là Lê Văn Tánh (tên thật là Lê Văn Cứng). Trong hành trang trở về nước, Denver Shannon đã mang theo một lá cờ của quân giải phóng và chiếc túi của liệt sĩ Tánh. Mãi sau này, Denver mới mở chiếc túi ấy ra và phát hiện trong đó là 1 cuốn sổ nhật ký và một giấy chứng nhận y tá. 

Ảnh: Những kỉ vật chiến tranh được Denver Shannon đưa về nước Mỹ sau thời gian tham chiến tại Việt Nam.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/la-co-giai-phong-tham-mau-dao-tro-ve-tu-ben-kia-chien-tuyen-20170130103205564.htm

Về sau, nữ nhà văn Lady Borton, rất thông thạo tiếng Việt, tình cờ đọc được cuốn nhật ký của liệt sĩ Lê Văn Tánh trong lần đến nhà Denver. Với sự kết nối của bà Lady Borton cùng với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức khác, cuối cùng những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Tánh đã được trao trả lại cho gia đình vào những ngày cuối cùng của năm 2015. Từ đây, tâm nguyện của Denver Shannon đã được hoàn thành, những day dứt của ông về cuộc chiến này cũng dần được giải tỏa như lời tự sự của chính ông: “từ bản thân, tôi nghĩ, bất kỳ người Việt Nam nào đều mong muốn được lưu giữ những kỷ vật về người thân họ - đã ngã xuống trong các trận chiến”. 

Ông Denver (thứ hai từ trái sang) trao trả kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn Cứng cho gia đình. Ảnh: Hà An

Trong những ngày gần đây, một câu chuyện đang gây được xúc động mạnh mẽ trong dư luận trong và ngoài nước, đó là sự trở về của cuốn nhật ký của một người lính quân giải phóng sau hơn 56 năm lưu lạc ở Hoa Kỳ. Cuốn nhật ký được người lính Peter Mathews tìm thấy trong ba lô dưới chân đồi 724, trong trận Đăk Tô, Tây Nguyên vào tháng 11/1967. Cuốn nhật ký đã gây được ấn tượng mạnh với ông và một số người khác bởi tính nghệ thuật và lãng mạn của nó: “Khi cầm cuốn nhật ký về, tôi đã cho một số người xem và mọi người đều ngạc nhiên về nó bởi nó có nhiều bài thơ, bản nhạc, hình vẽ đẹp đẽ”. Dù không hiểu được nội dung, ông cảm nhận được tinh thần lạc quan của người lính Việt Nam nơi chiến trường ác liệt. Sau một thời gian dài cố gắng không nhớ về nó, Peter Mathews đã quyết định sẽ đối diện với quá khứ để vượt qua những ám ảnh mà mình còn mắc phải: “Tôi đã cố không nghĩ về Việt Nam trong một thời gian dài. Giờ đây cuốn nhật ký gợi lại những ký ức và cảm xúc khó quên. Nhưng có lẽ điều đó là tốt, vì bây giờ tôi có thể nói về Việt Nam, về chiến tranh. Tôi có một nỗi buồn, nhưng không có hận thù”. Ông quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người và mong muốn tìm tung tích tác giả của cuốn nhật ký đó. Câu chuyện của ông đã được đăng tải trên Báo North Jersey ngày 27/01/2023 và đã được chia sẻ nhanh chóng. Các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt được thông tin và đã khẩn trương tiến hành tìm kiếm, xác minh thông tin về chủ nhân của cuốn nhật ký đó. Chỉ sau một thời gian ngắn, chủ nhân của cuốn nhật ký này đã được xác định liệt sĩ Cao Văn Tuất, quê ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngày 05/3/2023, cuốn nhật ký trên đã được cựu chiến binh Peter Mathews trao lại tận tay cho những người thân gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, khép lại hành trình hơn 65 năm lưu lạc của cuốn nhật ký với một cái kết đầy ý nghĩa: “Ngày hôm nay tôi đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, với tôi là sứ mệnh, cũng là trách nhiệm của mình”.

Ảnh: Cựu binh Peter Mathews trao lại cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Nguồn: thanhnien.vn/cuu-binh-my-trao-tra-cuon-nhat-ky-cho-nguoi-than-liet-si-cao-van-tuat-18523030601030522.htm

Đối với những cựu binh như Peter Mathews, một hành trình khó nhọc đối diện với những di chứng tâm lý sau chiến tranh có thể được khép lại từ đây, hướng đến một viễn cảnh tươi mới hơn cho người cựu chiến binh này: “Từ hôm nay, câu chuyện về gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất sẽ giúp tôi không còn ám ảnh nói về chiến tranh nữa”.

Nguyễn Trọng Minh

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại