Trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, rất nhiều phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài đã có mặt tại Việt nam để đưa tin về cuộc chiến.
Ignacio Ezcurra- một phóng viên người Argentina lúc bấy giờ đang làm việc cho tờ báo La Nación cũng đã có mặt ở Việt Nam và in dấu chân mình lên những mặt trận nóng bỏng nhất ở Huế và Sài Gòn vào năm 1968.
Ignacio Ezcurra sinh năm 1939 ở San Isidro, Argentina. Năm 1956, ông tốt nghiệp trung học ở trường El Salvador. Năm 1960, ông nhận được học bổng của Hiệp hội Báo chí Liên Mỹ (SIP) về đào tạo báo chí tại Đại học Missouri (Columbia). Năm 1961, ông trở về nước và được Bộ Văn hóa và Viện Di Tella cử đến hơn 60 thành phố để giới thiệu về phương tiện nghe – nhìn và phim tài liệu. Năm 1962, ông bắt đầu làm việc tại báo La Nación.
Năm 1965, Ignacio kết hôn với Inés Lynch và có hai con: bà Encarnacion Ezcurra và ông Juan Ignacio. Cùng năm đó, ông được Đại Sứ quán Syria mời đến thăm Trung Đông. Năm 1967, ông đến Hoa Kỳ để tìm hiểu các cuộc xung đột chủng tộc. Ở đó, ông đã phỏng vấn Thượng nghị sĩ Robert Kennedy và Mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King.
Ignacio được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm báo chí khi là phóng viên chiến trường tại Việt Nam. Ngày 8/5/1968, ông mất tích ở Sài Gòn. Những kỷ vật của ông được chuyển về cho gia đình, trong đó có chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3. Qua các bức ảnh ông Ignacio Ezcurra đã chụp ở Việt Nam, câu chuyện Việt Nam thời chiến đã được khắc họa với nhiều góc cạnh khác nhau.
Đến Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh ác liệt năm Mậu Thân 1968, từ sự tò mò thôi thúc như lời ông tâm sự với mẹ mình: “Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì đang diễn ra, bởi có gì đó không đúng với những điều họ đang nói, con muốn đến đó và mang về sự thật. . .” Từ sự bỡ ngỡ buổi đầu tiên khi chuẩn bị đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng pháo, tiếng trực thăng, dây thép gai và súng máy, ... Ignacio đã mô tả chiến tranh là bom đạn, khói lửa, là tội ác, là biết bao đau thương, mất mát. Sự mất mát không chỉ dành cho các bên tham chiến, nó tác động không chừa một ai, và số phận các phóng viên chiến trường cũng vậy. Ignacio đã ra đi nửa tháng sau đó cũng trong tiếng súng tiểu liên và đạn pháo, tiếng xe cứu thương, cảnh sơ tán người dân và những cột khói đen, với một bài báo còn dang dở. . .
Tuy chỉ đến Việt Nam trong thời gian ngắn, và không để lại những sưu tập đồ sộ về di sản báo chí trong chiến tranh Việt Nam, nhưng những hình ảnh Ignacio đã ghi lại vẫn là mảnh ghép quan trọng về cuộc chiến, mảnh ghép ấy nói lên nhiều điều về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Đó là chiến tranh luôn khốc liệt. Khốc liệt khi ông mô tả về 1 trận càn của Mỹ ở thung lũng A Sầu (Huế), nơi Mỹ tập trung hỏa lực, ném bom B.52 để đánh phá, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh vào năm 1968.
Cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, do đó, những người lính Mỹ tham gia chiến trận chẳng những không có niềm tin mà họ còn luôn bị nỗi ám ảnh và sự sợ hãi. Đó là người lính Mỹ có tên Steve Armold đã nói: “Tôi không muốn đi. Nơi đó đầy du kích”. Đó là Lui Gregore với câu nói:“Sợ lắm. Tôi chả xấu hổ gì khi phải công nhận điều này”. Ignacio còn mô tả thêm: “Để tránh trở thành mục tiêu lựa chọn đầu tiên của đối phương, các sĩ quan, hạ sĩ quan đã giật quân hàm đi và những người mang theo bộ đàm thì tìm cách che giấu ăng-ten”.
Những bức ảnh của Ignacio còn cho thấy, người dân Việt Nam vẫn luôn lạc quan trong bom đạn, khi khói lửa qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn hằng ngày. Ông Ignacio đã để lại nhiều di sản quan trọng cho các thế hệ làm báo sau này. Các bài viết và cuốn sách Hasta Việt Nam (đến Việt Nam) của ông được đưa vào chương trình học tại các trường báo chí ở Argentina và Mỹ Latinh.
50 năm sau ngày mất của Ignacio, gia đình ông đã đến Việt Nam. Họ đã đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và trao tặng những kỷ vật của nhà báo Ignacio cho bảo tàng. Những hình ảnh của chuyến đi này đã được cô cháu ngoại Luisa Duggan ghi lại bằng cảm xúc của một cuộc tìm về và tưởng nhớ sau 50 năm, cũng từ chiếc máy ảnh Ignacio đã để lại.
Luisa kể: “Từ khi còn nhỏ, chiếc Pentax Honeywell H3 luôn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường. Nó khá nặng, chụp chậm, khó điều khiển,... nhưng tôi biết nó đã cùng ông tôi ra chiến trường và trở lại với gia đình mà không có ông. “Nhà mình sẽ đến Sài Gòn khi tròn 50 năm Ignacio Ezcurra qua đời, con muốn đi không?”, mẹ tôi hỏi tôi hai năm trước, mà cũng có thể là hỏi chiếc Pentax. Cả tôi và chiếc Pentax đều đồng ý. Và chiếc máy ảnh là thứ đầu tiên tôi cho vào hành lý của mình. Bây giờ tôi mới nhận ra, chính chiếc Pentax đã đưa tôi đến với Việt Nam, một đất nước không giống như trong tưởng tượng của chúng tôi, nơi đây không có kẻ thù, chỉ có những con người thân thiện, vui vẻ và tình cảm”.
Triển lãm chuyên đề: "Câu chuyện từ chiếc máy ảnh" được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Đai sứ quán Argentina tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Lễ Độc lập nước Cộng hòa Argentina (9/7/2019). Từ di vật chiếc máy ảnh của nhà báo Ignacio và những bức ảnh do hai ông cháu chụp ở Việt Nam cách nhau 50 năm, triển lãm kể câu chuyện "Việt Nam trong thời chiến qua lăng kính của ông Ignacio, và trong thời bình qua lăng kính của cô cháu ngoại của ông là Luisa Duggan". Triển lãm góp phần thể hiện, vun đắp tình hòa bình, hữu nghị và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Argentina.
Chiếc máy ảnh của phóng viên Ignacio Ezcurra khi tác nghiệp trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam
Bài báo cuối cùng của phóng viên Ignacio Ezcurra còn dang dở (ngày 8/5/1978)
Bài, ảnh : TS Trần Xuân Thảo
Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Nguồn : baodaknong.org.vn