Vào những năm 1960, chính phủ Mỹ lập các căn cứ quân sự trong khu vực Thái Bình Dương tại các nước đồng minh của mình, trong đó có Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản thu được lợi rất lớn từ việc cho Mỹ sử dụng đất đai của mình làm căn cứ quân sự và cung cấp nhu yếu phẩm quân sự cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Triều Tiên và Việt Nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước Nhật không đạt được sự đồng thuận của nhân dân Nhật Bản. Người dân Nhật Bản liên tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh nhằm phản đối chính phủ của họ lún sâu vào cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chính phủ Mỹ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris. Song song đó, những cuộc tấn công diễn ra liên tiếp nhằm đáp trả “Việt Cộng” và nâng cao vị thế của Mỹ trong quá trình đàm phán. Vì thế, các phong trào phản chiến của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, trong đó có phong trào hòa bình Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến. Tiêu biểu như:

- Tháng 5/1968, Wada Haruki và vợ ký tên và phát những tờ truyền đơn chống chiến tranh Việt Nam cho những người qua lại nhà ga Oizumi. Ngày 7/7/1968, khoảng 50 người đồng tình với lời kêu gọi của ông Wada đã gặp nhau ở nhà thờ Oizumi, lập ra “Nhóm thị dân Oizumi đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam”. Sau khi thực hiện các hoạt động phản đối chiến tranh như đến và theo dõi bệnh viện quân đội của doanh trại Drake, họ đã nảy ra một ý tưởng là "Hãy kêu gọi những người lính Mỹ”. Vào tháng 9, ông Shimizu Tomohisa, một giáo sư chuyên ngành lịch sử Mỹ, đã viết một tờ truyền đơn bằng tiếng Anh và những người trong nhóm thị dân Oizumi đã phát cho lính Mỹ. Ngày 20/10/1968, nhóm này tổ chức cuộc biểu tình chống chiến tranh đầu tiên.

- Ngày 15/6/1969, “Ủy ban vì Hòa bình của Việt Nam” (Beheiren) và các nhóm chống chiến tranh khác đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn chống chiến tranh Việt Nam tại trung tâm Tokyo.

- Vào ngày 5/5/1971, Beheiren và những nhóm chống chiến tranh khác tổ chức một cuộc biểu tình tại căn cứ không quân của Mỹ ở Yokota, Tokyo.

- Ngày 17/4/1972, Nhân dân Nhật Bản tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Nhật Bản để thu thập chữ ký phản đối việc quân đội Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam.

- Ngày 21/4/1972, hàng ngàn người dân Nhật Bản biểu tình tại Thủ đô Tokyo phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng và đòi Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 9/5/1972, nhân dân Nhật Bản biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Tokyo phản đối việc leo thang chiến tranh của Nixon tại Việt Nam.

- Ngày 20/5/1972 gần 500 người dân của thành phố Sagamihara biểu tình trước kho vũ khí của quân đội Mỹ ở thành phố này, phản đối việc chuyên chở xe tăng ở đây sang Việt Nam.

- Ngày 01/6/1972, hàng nghìn người dân Nhật Bản ở Tokyo xuống đường biểu tình và kéo tới Đại sứ quán Mỹ phản đối Nixon kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Ngày 23/6/1972 ba vạn người dân Nhật Bản biểu tình tuần hành tiến về khu trung tâm thủ đô Tokyo phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và đòi hủy bỏ “Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ”.

- Ngày 16/7/1972, thanh niên Nhật Bản mang cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam biểu tình trước kho vũ khí của quân đội Mỹ ở thành phố Sagamihara, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

- Ngày 9/8/1972, nhân dân thành phố Nagasaki tổ chức biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam nhân dịp Đại hội Thế giới lần thứ 18 chống bom nguyên tử và khinh khí họp tại thành phố này.

- Ngày 15/8/1972, Đại hội Thế giới chống bom A và H lần thứ 18 tổ chức “Ngày đáng ghi nhớ cuộc đại chiến thế giới lần thứ II” tại Okinawa và ra “Lời kêu gọi từ Okinawa” đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Okinawa và Nhật.

- Ngày 21/8/1972, tại quận Miyagi, 13.000 bà mẹ Nhật Bản tham dự mít-tinh nghe ông Ngụy Như Kon-Tum nói chuyện về phụ nữ Việt Nam. Các đại biểu dự mít-tinh đã nhất trí thông qua “Nghị quyết tăng cường ủng hộ Việt Nam chống Mỹ” xâm lược. Giáo sư Ngụy Như Kon-Tum đã trao cho chị Chieko Wartanabe - nạn nhân vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima - chiếc nhẫn kỷ niệm làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam.

- Ngày 21/10/1972, nhân dân thủ đô Tokyo biểu tình đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam nhân ngày “Quốc tế chống chiến tranh”.

- Ngày 11/11/1972, công nhân cảng Yokohama biểu tình phản đối Mỹ chuyên chở xe tăng M48 từ Nhật Bản sang miền Nam Việt Nam.

- Ngày 28/12/1972, các tầng lớp nhân dân Nhật biểu tình trước Sứ quán Mỹ ở thủ đô Tokyo phản đối Mỹ ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 20/01/1973, Nixon làm lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, khoảng 10.000 người dân Nhật Bản tham gia mít-tinh trước nhà hòa nhạc Hi-bi-a ở Tokyo ủng hộ Việt Nam và đòi Nixon ký ngay Hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Các hoạt động phản chiến tiếp tục diễn ra mạnh mẽ cho đến khi hiệp định Paris được ký kết và nhân dân Nhật Bản vẫn tiếp tục đấu tranh cho đến khi nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4/1975.

Những thanh niên thuộc tổ chức Beheiren được gọi là “Tokyo Folk Guerrilla” (người ngồi đánh đàn hát dạo) ca hát để phản đối chiến tranh Việt Nam tại nhà ga Shinjuku mỗi thứ bảy. Ảnh do Kaisuyama Hirosuke chụp vào ngày 24/5/1969.

 

Bìa tạp chí “Weekly Asahi on Japan history” đăng ảnh về cuộc biểu tình của “Liên đoàn vì hòa bình Việt Nam” tháng 6/1970 trên tạp chí “Tuần báo Asahi bách khoa” (lịch sử Nhật Bản) số 127 phát hành năm 1970. Trong ảnh người đứng giữa là ông Oda Makoto - một tiểu thuyết gia, nhà lãnh đạo của phong trào Beheiren.

 

Nhân dân Nhật Bản tham gia biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Nhật Bản vào 17/4/1972 để thu thập chữ ký phản đối việc quân đội Mỹ ném bom thành phố Hà Nội và Hải Phòng ở Việt Nam.