Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đặc biệt hơn là sự xuất hiện của nữ tù nhân mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng lại có thể đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng trong cảnh gông cùm, xiềng xích đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Trong số ấy phải kể đến Thiều Thị Tân - nữ tù nhân chính trị nhỏ tuổi nhất bị giam giữ tại Chuồng cọp Côn Đảo.

Về việc giam giữ các nữ tù chính trị tại Chuồng cọp Côn Đảo:

Trong thời kỳ xâm lược Việt Nam, Pháp không có chủ trương đưa nữ tù ra giam giữ ở Côn Đảo. Kể từ khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp quản hệ thống nhà tù thì việc đày ra Côn Đảo các nữ tù nhân mới thực hiện. Lớp nữ tù bị đày ra Côn Đảo đầu tiên vào năm 1957 có khoảng 100 người và bị giam giữ ở trại III, và sau đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp tục đày nhiều nữ tù ra Côn Đảo, đặc biệt là nữ tù chính trị.

Lớp nữ tù bị đày ra Côn Đảo nhiều nhất vào ngày 29/11/1969, gồm 342 phụ nữ và 2 em bé, giam giữ ở Chuồng cọp, mỗi chuồng 5 người. Bất chấp nội quy, những nữ tù chính trị đã đấu tranh khiến cai ngục nhiều lần đàn áp dã man.

Gác ngục thường lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để đày ải các nữ tù. Hình phạt tồi tệ mà họ thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Có lúc chỉ vì không chịu khai tên tuổi, họ phạt 19 chuồng giam giữ phụ nữ không cho đổ thùng cầu. Chuồng lâu nhất bị phạt 53 ngày. Không có đồ dùng vệ sinh, các nữ tù phải xé quần áo ra dùng mỗi kỳ có kinh, lấy nước tiểu mà giặt, quạt cho khô rồi dùng tiếp. Chuồng cọp nồng nặc mùi hôi hám, khó chịu, những khi phơi khô lại bị cai ngục tịch thu. Khi hết cả những mảnh áo rách, quần áo không thể xé thêm nữa, các nữ tù phải ngồi trên các thùng cầu hoặc trên những tấm nilon trong suốt thời kỳ có kinh, lâu lâu lại trút vào thùng cầu. Với kiểu tra tấn như vậy, rất nhiều nữ tù đã vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ, trong đó có nữ cựu tù Nguyễn Thị Ni hiện đang sinh sống tại Côn Đảo.

Thiều Thị Tân - nữ tù nhân chính trị nhỏ tuổi nhất Chuồng cọp Côn Đảo

Thiều Thị Tân là con gái của bà Chín Bình, tiểu thương ở chợ An Đông, quận 5, Sài Gòn.

Năm 13 tuổi, Thiều Thị Tân giác ngộ cách mạng cùng chị gái Thiều Thị Tạo trở thành những giao liên giỏi trong nội đô Sài Gòn. Sau đó Thiều Thị Tân làm việc tại Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1968, Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo nhận nhiệm vụ mang 10 kg chất nổ vào Tổng nha Cảnh sát quốc gia Sài Gòn. Kế hoạch thực hiện được một nửa, mới đem 5kg vào thì bị lộ do bị chỉ điểm. Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo bị bắt trên đường đi học. Sau đó Thiều Thị Tân cùng người chị của mình bị đày ra Côn Đảo và trở thành tù nhân trẻ tuổi nhất bước vào Chuồng cọp lúc mới tròn 16 tuổi.

Tại Chuồng cọp, cai ngục đã dùng nhiều hình thức tra tấn để ép hai chị em khai ra những hoạt động của tổ chức nhưng họ kiên quyết im lặng. Khi nghe đối phương cho rằng hai chị em là những nữ sinh trẻ bị Việt cộng lôi kéo, dụ dỗ, Thiều Thị Tạo thẳng thừng đáp trả: “Tôi tự tìm đến Việt cộng, chúng tôi không hề bị ai dụ dỗ, lôi kéo cả”

Những ngày bị thẩm vấn cũng là ngày đầu tiên dấu hiệu dậy thì đến với cô nữ sinh trẻ tuổi. Vốn chỉ quen mặc váy, áo dài, vào Chuồng cọp phải mặc những bộ đồ dải rút khiến cô nữ sinh lúng túng. Càng lúng túng hơn vì cô vừa phải lót một xấp giấy vệ sinh bùng nhùng để thấm máu đang chảy ra. Viên cảnh sát nhận ra vấn đề nhạy cảm và đã giúp cô kéo dây quần. Về sau, viên cảnh sát ấy càng khiến chị em cô cảm động khi trộm hai bức hình trong hồ sơ Tổng nha ra đưa cho bà Chín Bình – mẹ của hai chị em cô.

Chứng kiến những tội ác trong nhà tù, hai chị em tiếp tục cùng các cô chú, anh chị đấu tranh đòi được trả tự do. Đáp trả sự phản kháng của tù nhân, cai ngục vừa đổ vôi bột từ nóc buồng giam xuống, vừa kéo người lên để đánh, khiến máu tràn ra từ cổ tay nữ tù nhân thấm vào vôi đặc quánh. Tưởng đã không vượt qua được, Thiều Thị Tân dùng tay thấm máu viết lên tường: “Tân, Tạo hy sinh ngày 15/10/1969. Đả đảo chế độ đàn áp”. Sau đó, Thiều Thị Tạo bị suy kiệt cơ thể nên được đưa về Bệnh viện Chợ Quán chữa trị. Còn Thiều Thị Tân giấu chiếc còng và cái áo đẫm máu đưa chị gửi về cho mẹ, để làm bằng chứng đấu tranh đòi trả tự do cho hai con.

Ngoài sức mạnh tinh thần đã chuẩn bị từ khi còn hoạt động, được các tù nhân lớn tuổi truyền cho, hai chị em còn có sức mạnh từ tình thương của má Chín Bình. Lúc này, bà Chín Bình đang tham gia Hội Bảo vệ phụ nữ và trẻ em của luật sư Ngô Bá Thành để có cơ hội vào ra các nhà tù gặp hai con gái. Bà tìm đến các phái đoàn quốc tế, nhờ lên tiếng đòi chính quyền Việt Nam Cộng hòa trả tự do cho con.

Năm 1970, một đoàn thanh tra quốc tế đến thăm Côn Đảo để điều tra về cái gọi là chuồng cọp trong hệ thống nhà tù miền Nam Việt Nam. Từ trong phòng giam, Thiều Thị Tân đã sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp để tố cáo, vạch trần sự phi nhân tính của Chuồng cọp Côn Đảo. Từ đó phái đoàn đã hiểu rõ hơn về chốn địa ngục trần gian, nơi mà những người đang ở thế giới văn minh như họ không hề nghĩ là có thật. Thông tin về Chuồng cọp Côn Đảo lan nhanh khắp thế giới. Làn sóng phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam càng lan rộng hơn đã giúp cho chế độ hà khắc nơi Chuồng cọp được nới lỏng. 

Năm 1971, một số nữ tù trong đó có Thiều Thị Tân và Thiều Thị Tạo được chuyển về nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Ở nhà tù này Thiều Thị Tân cùng những bạn tù khác đã hạ gục một cai ngục nên phải chịu những ngày biệt giam tăm tối. Đến năm 1972, Thiều Thị Tân bị đưa trở lại Côn Đảo. Tại đây bà đã cùng với một số bạn tù dạy võ cho các nữ tù khác tại phòng 7, trại 2.

Năm 1974, bà Tân được trao trả tự do theo tinh thần hiệp định Paris. Ra tù bà phải mất rất nhiều năm điều trị những chứng bệnh do di chứng của những cuộc tra tấn tàn bạo trong tù. Sau đó bà trở lại giảng đường và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1983, bà dạy môn Triết ở trường Trung học Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Được 3 năm do sức khỏe không đảm bảo bà xin nghỉ dạy và về tiếp tục luyện tập võ tại võ đường ở quận 10.

Có thể nói, chính hình ảnh nữ tù nhân trẻ tuổi gan dạ ngày xưa từng xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài đã làm rung động trái tim người đàn ông Pháp tên Marcel Beynaud (sinh năm 1940) - người đã từng tham gia đấu tranh trong phong trào công nhân đường sắt ở Pháp phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông sang Việt Nam du lịch và họ tình cờ gặp nhau. Sau ba ngày, ông hỏi cưới bà. Từ lúc ông ngỏ lời cho đến khi làm đám cưới chỉ trong vòng 6 tháng.

Chiến tranh đã lùi xa, song tấm gương đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của những nữ sinh nói chung và Thiều Thị Tân nói riêng sẽ mãi là những bài học lịch sử chân thực, sâu sắc để các thế hệ trẻ luôn nhắc nhớ. Từ đó, tiếp bước truyền thống hào hùng, ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.