Ngày 27/2/1955, trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho tập thể cán bộ ngành y tế Việt Nam, Người căn dặn: “Lương y phải như từ mẫu”, có nghĩa thầy thuốc phải như mẹ hiền. Và ngày 27/2 đã được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày mà nhân dân cả nước tôn vinh sự cống hiến to lớn và bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ thầy thuốc nước nhà.

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên y tế đã có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Không ít người đã hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường, thậm chí mang trong mình những căn bệnh quái ác do di chứng chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam...Cho đến nay, trải qua gần nữa thế kỷ sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, người thầy thuốc Việt Nam một lần nữa phải kiên cường, dũng cảm, bền bỉ chiến đấu với dịch bệnh. Hai năm gần đây, toàn ngành y tế Việt Nam phải gồng mình đối phó với “giặc" Covid-19. Chúng ta không thể quên đợt dịch covid -19 lần thứ 4  vào những ngày đầu tháng 6/2021 tại miền Nam, với tâm thế “sau lưng là gia đình, phía trước là bệnh nhân” rất nhiều y, bác sĩ tuyến đầu đã cống hiến toàn bộ sức khoẻ, trí tuệ, gạt bỏ đi những cái riêng để chiến đấu vì cái chung - cứu sống các bệnh nhân covid-19. Bên cạnh các bệnh viện dã chiến, các trạm thu dung, các khu cách ly … được cấp tốc thành lập thì lực lượng y tế ở khắp nơi của cả nước cũng đã được điều động và xung phong tiến vào vào miền Nam để hỗ trợ chống dịch. Họ là những bác sĩ, y tá, nhân viên điều dưỡng…có  những người còn rất trẻ và cũng có người những người đã bước vào tuổi trung niên thế nhưng ai cũng mạnh mẽ từ giã cha mẹ, vợ chồng, con cái để vào tâm dịch để cùng chung tay với cả nước chống giặc covid.

Và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, dù ở T hành phố Hồ Chí Minh, hay Hà Nội và bất cứ nơi đâu, tại các bệnh viên dã chiến, trạm thu dung…các y bác sĩ đều cố gắng nổ lực điều trị và giành lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó đa số là những bệnh nhân có triệu chứng vừa và nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân nguy kịch đang cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết. Ngày và đêm, những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng lẽ chiến đấu với dịch COVID-19, những tín hiệu phát ra từ những chiếc máy monitor theo dõi chỉ số sức khỏe bệnh nhân đều đều vang lên, những bóng áo trắng di chuyển cùng những bước chân vội vã từ các phòng điều trị. Cả những dòng mồ hôi cứ chảy miệt mài trên mặt... Tất cả tạo nên bầu không khí của các trung tâm Điều trị COVID-19 lúc nào cũng sẵn sàng và gấp gáp.

Do các bệnh nhân COVID-19 đều không thể có người nhà bên cạnh nên các y bác sĩ và điều dưỡng phải thay nhau chăm sóc mọi việc. Họ đã trở thành những "người thân" duy nhất của bệnh nhân trong lúc chiến đấu với bệnh tật, 24/7 không rời. Phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ nên mọi hoạt động đều trở nên khó khăn và tốn sức vô cùng. Vậy mà, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở đây liên tục di chuyển, cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân giữa các phòng điều trị suốt ca trực. Mọi việc đều phải cẩn trọng, phải đảm bảo công tác an toàn cho bản thân y bác sĩ và đảm bảo công tác phòng chống nhiễm khuẩn trong khoa. Điều trị cho bệnh nhân Covid khá nhiều áp lực, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm còn có áp lực phải điều trị cho bệnh nhân nặng và dai dẳng. Các y, bác sĩ còn là những người chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân, sự chia lìa của một gia đình. Tuy nhiên, tất cả những cảm xúc đó, họ đều phải gói ghém lại để giữ vững tinh thần làm việc, chiến đấu với dịch bệnh để cứu sống bệnh nhân khác.

Khi cơn dịch đã qua đợt cao điểm, mặc dù chứng kiến những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi không về trong đợt dịch kinh khủng này các y bác sĩ vẫn kiên cường dù được trở về nhà, họ lại tiếp tục bám trụ tại các bệnh viện dã chiến khi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bùng dịch.

Trong buổi Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/10/2021, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, năm tháng sẽ đi qua, những cam go khốc liệt, những đau khổ vì dịch Covid-19 cũng sẽ dịu dần nhưng vẫn còn những hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ tuyến đầu, nhất là lực lượng chi viện trong bối cảnh khó khăn khốc liệt. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường nhắc đến hình ảnh người lính đi chợ hộ rất dễ thương; hình ảnh các bác sĩ quân y, dân y, nhân viên y tế, sinh viên y khoa, đội ngũ tình nguyện đều giống nhau trong bộ đồ bảo hộ,… đã lặng lẽ và kiên cường, kiên trì bám trụ, chiến đấu âm thầm, vượt qua mọi khó khăn cùng Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch.

Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, kính chúc các y bác sĩ và các điều dưỡng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong công việc.

Chiều ngày 02/8, Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác gồm 200 bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn, lên đường vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, điều trị các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Lê Phú / Báo tin tức.

 

Các bác sĩ phải chạy đua từng phút, từng giờ để giành sự sống cho bệnh nhân. Nguồn: vietnamnet.vn ngày 02/09/2021