Trong chiến tranh những lá thư thời chiến chính là “sợi dây” liên lạc duy nhất để những người lính nơi chiến tuyến gửi gắm tâm tư tình cảm của mình về nơi hậu phương. Đã có biết bao liệt sĩ ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  giành độc lập tự do cho dân tộc. Vì vậy những lá thư của liệt sĩ gửi về được gia đình lưu giữ đã trở thành những kỷ vật, di vật thiêng liêng.

Những lá thư thời chiến khi được gia đình trao tặng cho bảo tàng đã trở thành hiện vật có giá trị lịch sử và là nguồn sử liệu cho việc nghiên cứu các hiện vật giấy, nhằm góp phần nâng cao giá trị hiện vật, bổ sung đầy đủ thông tin vào bộ sưu tập những lá thư thời chiến hiện đang lưu giữ trong kho hiện vật của Bảo tàng. Trong chiến tranh, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra, giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết dễ khiến cho con người đôi lúc phải có những lựa chọn, những giây phút đấu tranh tư tưởng rất “con người”. Một trong những trường hợp mà chúng tôi muốn nói đến là sự đấu tranh tư tưởng qua hai lá thư của liệt sĩ Phạm Lương Điền gửi về cho gia đình.

Liệt sĩ Phạm Lương Điền sinh ngày 6/8/1951 tại nhà số 7, khu phố 7, đường Võ Thị Sáu, Phố Hàn Thuyên, Thành phố Nam Định, trong một gia đình lao động. Cha ông tên Phạm Gia Hưu, là công nhân Nhà máy dệt và mẹ là bà Trần Thị Đáng, buôn bán. Từ 1964 – 1965 ông học lớp 5B trường cấp 2,3 Nguyễn Văn Cừ; từ năm 1965 -1967 ông theo học tại trường cấp 2,3 Trần Đăng Ninh; từ năm 1967-1970 ông học cấp 3 tại trường cấp III Mỹ Lộc. Năm 1970, ông tham gia bộ đội và chiến đấu tại chiến trường B2....

Hai lá thư được liệt sĩ Phạm Lương Điền gửi cho gia đình vào ngày 3/9/1971 và ngày 23/9/1971. Hai lá thư được viết cách nhau 20 ngày từ chiến trường ác liệt Hà Tĩnh, nhưng lại thể hiện rõ một sự thay đổi lớn trong tư tưởng.

Giữa thời điểm chiến trường ác liệt người lính lại càng mong nhớ về quê nhà hơn vì không thể biết trước được cái chết sẽ đến với mình khi nào. Thế nhưng khi chiến sự ác liệt thì đơn vị lại “cắt phép” về thăm nhà. Trong thư ngày 3/9/1971 liệt sĩ Phạm Lương Điền đã viết “…nên phép tạm cắt, song không biết sẽ như thế nào, tình hình ra sao?”. Trong tư tưởng người lính lúc ấy chỉ mong muốn được về thăm nhà một lần rồi ra sao thì ra. Trên mảnh giấy tập học trò đã úa vàng theo thời gian là những dòng trăn trở gửi về hỏi bố mẹ “Nghe xa đơn vị cắt tranh thủ mà con phân vân suy nghĩ quá, đấu tranh tư tưởng…nếu đơn vị không giải quyết thì thế nào, có nên tự giải quyết hay không,tự giải quyết thế nào? Con tiến hành như vậy có bồng bột không? Muốn vậy con phải tiến hành qua hai bước. Trước tiên là bước cơ bản con xin ý kiến thầy mẹ (nếu đơn vị cắt trong thời gian chuẩn bị đi chiến đấu xa), bước hai con sẽ trình bày với đơn vị theo lý lẽ của con, nếu đồng ý hay không đồng ý vô luận con cũng tiến hành theo ý định, rồi đóng phép khoảng 10-15 ngày con lại lên và tiếp tục công tác. Mục đích của con về lần này: thăm hỏi sức khỏe của thầy mẹ và gia quyến, thăm quê hương đổi thay sao? cho bố gặp con, cho thầy mẹ và các em nhìn thấy con mặc áo lính vừa hay thùng thình, ngắn hay dài, có ra tư thế của một anh lính không”. Rõ ràng mục đích của một người lính trong giai đoạn ấy vô cùng đơn giản và bình dị của một người con. Chỉ mong bố mẹ được một lần thấy mình trong quân phục một người lính, bố mẹ được hãnh diện với họ hàng, xóm làng, để nếu sau đó có phải hy sinh thì cũng không cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên đây không phải là mong muốn bồng bột và nhất thời mà chất chứa trong đó là sự đấu tranh tư tưởng khi người lính hiểu rõ những hậu quả có thể xảy ra nếu anh quyết tâm thực hiện hành động ấy, một hành động vi phạm nguyên tắc trong quân đội. Trong thư đứa con trai của gia đình đã bộc bạch “Con biết nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng trước tiên là sự tiến bộ của con và họ sẽ cho là thế này thế khác…Mặc, nếu bố mẹ đồng ý con cứ làm, ít nhiều cũng hơn 400 ngày, thử thách trong lửa nước rồi, bây giờ chỉ giải quyết tình cảm hậu phương mà không được thì khó tính quá. Mà đơn vị đi nhiều rồi. Biết rằng tình cảm cách mạng gắn liền với tình cảm gia đình, cách mạng đặt hàng đầu, song con xếp đặt đúng, đã hy sinh một lần rồi nếu kéo một mạch vào B2 thì thôi. Bây giờ có điều kiện anh em về nhiều rồi mà không cho đi hết thì tư tưởng ai yên tâm, ai cũng thịt da ấy, tình cảm ấy không phải có ý nghĩ này mà anh em khác cũng vậy, đó là ý nghĩ đúng nhưng không đúng cả mà cũng không sai hoàn toàn. Ngay ta có câu: “tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng”. Tóm lại từ cấp trên xuống dưới ai cũng vậy “lòng vã cũng như lòng sung thôi” có cái vì trách nhiệm cao hơn không gương mẫu thì loạn mất, các ông ấy mà vậy thì rơi gạch ngay, lính tráng kiểm điểm, bị để ý thôi chẳng rơi gì hết”.
 
  Khi đọc những dòng thư trên có lẽ không ít người sẽ chê trách về khí tiết của một người lính. Nhưng đây lại chính là những dòng chữ thể hiện rõ nét và chân thực nhất tâm lý của một người con, một người thanh niên đã tạm gác lại mọi ham muốn cá nhân đi theo tiếng gọi chung của tổ quốc. Trong anh vẫn trọn nguyên tình cảm ấy, lý tưởng ấy qua những dòng thư được viết sau đó gửi về gia đình ngày 23/9/1971, 20 ngày sau lá thư trên. “Đứa con xa xôi đầu tiên của cha mẹ đi đánh Mỹ phần nghĩa vụ, phần làm vẻ vang cho gia đình ta. Dù sống hay chết, dù thương tật hay tàn phế mẹ cũng vui lòng đẻ ra đứa con hoàn thành nhiệm vụ, cũng vinh dự với các bậc cha mẹ khác có con cống hiến trọn đời cho tổ quốc. Về phần tình cảm gia đình ai mà chả thích gia đình sum vầy, mẹ gặp con trong thời gian công tác xa nhà, song mẹ nghĩ rằng: chia cắt tình cảm hàng triệu của bà mẹ có con đang xung trận, lúc chúng con tâm sự, hay gặp nhau trong chiến đấu thường nói chuyện này, có những đồng chí chúng con cùng gặp mặt hôm nay, hay nhập ngũ cùng ngày, sau 1 trận đã khuất, bố mẹ chưa biết con mặc áo lính ra sao? thật thương tâm! Tấn hài kịch đó thường xảy ra trong đời lính”.
Tâm lý đấu tranh trong suy nghĩ và nhận thức của một người lính thể hiện qua hai lá thư của Liệt sĩ Phạm Lương Điền đã giúp ta phần nào hiểu được, cuộc chiến tranh không chỉ diễn ra trong hiện thực mà còn diễn ra trong tư tưởng của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến. Bất luận là ở chiến tuyến nào, mỗi người đều phải tự chiến thắng cuộc chiến trong chính tư tưởng của mình để chọn ra cho mình một quyết định đúng nhất.