Mỗi dịp tháng 7 hàng năm, cả nước cùng hướng đến ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) với truyền thống Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Đó là sự giữ gìn, vun đắp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống yêu nước, bất khuất của con người Việt Nam; thể hiện sự tri ân đến những người đã hy sinh xương máu vì hòa bình – độc lập - tự do của Tổ quốc hôm nay, đồng thời cũng là dịp để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng.

Riêng đối với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, tháng 7 lại có những sự kiện đã gắn liền với sự đổi thay để có một Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện nay.
Ngày 04/7/1995, Ủy ban Nhân dân Thành phố ra Quyết định số 4879/QĐ-UB chuyển Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thành phố (nay là Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh). Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bảo tàng là: Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày những chứng tích về các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, qua đó giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời khẳng định tinh thần yêu chuộng hòa bình và đoàn kết của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình.  Việc chuyển đổi thành Bảo tàng là sự chuyển mình thực sự trong quá trình trưởng thành của đơn vị. Chuyển đổi để phù hợp với xu hướng phát triển của hệ thống Bảo tàng nói riêng và ngành văn hóa nói chung trong thành phố cũng như cả nước. Chuyển đổi để phù hợp hơn nữa với quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước: "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển" nhằm mục tiêu "giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". Việc đổi tên lần này cũng đồng thời mang ý nghĩa đặc biệt đúng vào thời điểm Hoa Kỳ ký Hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (12/7/1995).

Sau 5 năm chuyển đổi, để Bảo tàng có điều kiện hoạt động tốt hơn trước xu thế hội nhập và phát triển chung của đất nước và Thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin Thành phố (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định chọn Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để đầu tư xây dựng mới và hiện đại hóa toàn diện hoạt động. Sau Quyết định số 36/2000/QĐ-UB-VX ngày 30/5/2000 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới ngành văn hóa và thông tin Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và Quyết định số 1514/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, ngày 27/7/2002, công trình xây dựng Bảo tàng được khởi công.

Tròn 20 năm kể từ khi khởi công, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã không ngừng đổi mới, nâng cao về chuyên môn, để hoạt động ngày càng hoàn thiện và đa dạng hơn. Việc tổ chức trưng bày, tuyên truyền về ký ức, chứng tích tội ác chiến tranh không chỉ nói lên sự đau thương, mất mát mà là dịp để chúng ta thấu hiểu hơn những gì dân tộc Việt Nam nói riêng, và nhân loại nói chung đã trải qua, từ đó trân trọng hơn những giá trị hòa bình.

Ngày nay, vẫn có những nơi trên thế giới đang còn chiến tranh, chưa có được hòa bình. Với tất cả sự nỗ lực, nghiên cứu, học hỏi, các chương trình giáo dục hòa bình đã, đang và sẽ thực hiện, hy vọng rằng sẽ góp phần tạo nên bản sắc riêng của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - một điểm đến vì hòa bình, hữu nghị và phát triển mà công chúng trong và ngoài nước đã yêu mến, gửi gắm niềm tin và có những ấn tượng tốt về Bảo tàng trong thời gian qua