Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chiến trường Nam bộ - Cực Nam Trung bộ (mật danh B2) là địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược rất quan trọng nhưng cũng là nơi địa hình phức tạp: vùng rừng núi thì khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn; vùng đồng bằng với địa hình trống trải, kênh rạch chằng chịt, khó khăn trong cơ động và triển khai lực lượng, vật chất lẫn hậu cần kỹ thuật, gây hạn chế cho binh chủng của lực lượng chủ lực đối phương khi tác chiến. Bên cạnh đó, B2 còn ở xa Trung ương, xa hậu phương lớn miền Bắc, do vậy chỉ đạo của Trung ương, sự chi viện từ hậu phương rất khó khăn. . .

Sau phong trào Đồng Khởi của nhân dân Bến Tre năm 1960, lực lượng vũ trang Miền Nam từng bước phát triển, đặt ra yêu cầu phải hình thành lực lượng hậu cần chuyên trách. Theo chỉ đạo của Trung ương, trên Chiến trường B2, quân giải phóng bắt đầu xây dựng các vùng căn cứ; trước hết khôi phục các căn cứ địa kháng chiến trước đây ở Tây Bắc, Đông Bắc Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, U Minh, Cà Mau và một số khu vực địa phương ven biển (Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...). 

Năm 1965 - 1966, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa xem Nam Bộ là một trong những chiến trường trọng điểm để thực hiện kế hoạch “tìm diệt và bình định”, liên tục tập trung quân mở những cuộc phản công chiến lược vào những vùng căn cứ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và căn cứ hậu cần của miền Nam (mật danh B2, gồm chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ). Tháng 5/1966, Đảng ủy cục Hậu cần miền Nam ra nghị quyết về công tác hậu cần, trong đó xác định nhiệm vụ: Quân nhu và Quân y phải đẩy mạnh việc bảo đảm lương thực, cứu chữa thương binh, bảo vệ sức khỏe chiến đấu cho đơn vị, nhất là trong tình hình bệnh sốt rét đang có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.

Trong giai đoạn 1969 – 1972, hòa chung vào nhiệm vụ của ngành Quân y tham gia bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh trên miền Bắc, tạo nguồn tiếp tế quân y chi viện cho chiến trường miền Nam; tiếp tục mở rộng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân y, tăng cường công tác tổng kết nghiên cứu y học quân sự phục vụ chiến trường. Quân y B2 vượt qua thời kỳ khó khăn quyết liệt, phát triển hoạt động sang Campuchia, cùng quân y B3, B4, B5 góp phần tạo thế và lực mới chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Trong tình hình chung của chiến tranh ác liệt, nhiều kíp mổ đã phải phẫu thuật liên tục 18 - 20 giờ một ngày để cứu sống tính mạng thương binh. Bằng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, bằng tri thức và kinh nghiệm thực tiễn, cán bộ chiến sĩ quân y đã không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, góp phần giữ vững quân số chiến đấu trong mọi tình huống; nhiều ca mổ đã phải tiến hành trong tầm hỏa lực của đối phương; có phẫu thuật viên đã bất chấp nguy hiểm, kịp thời phẫu thuật lấy đầu đạn chưa nổ trong cơ thể thương binh; nhiều thương binh mất máu, tính mạng bị đe dọa đã được hồi sinh bằng chính dòng máu của các thầy thuốc quân đội. Đội ngũ cán bộ từ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ đến y sĩ, y tá đã có mặt ở khắp các chiến trường, hết lòng tận tụy chăm lo sức khỏe bộ đội. Quân y các chiến trường miền Nam đã thu dung điều trị hơn 400.000 thương binh và hơn 1 triệu bệnh binh, trong đó 57 - 66% thương binh và 82 - 88% bệnh binh được bổ sung về chiến đấu ngay tại chiến trường. Riêng lực lượng quân y hậu cần B2 cũng phát triển nhanh chóng có 34 bệnh viện, 17 đội điều trị, hàng trăm bệnh xá khác nhau; quy mô từ 500 - 1.000 giường/bệnh viện. Qua thực tiễn, lực lượng quân y chiến trường tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong kết hợp quân dân y, thu dung cứu chữa thương bệnh binh, nhất là trong tổ chức phòng chống sốt rét, tổ chức cứu chữa ở tuyến cơ sở. Công tác huấn luyện, đào tạo đạt kết quả tốt cả về số lượng và chất lượng. Nếu như trước đây chỉ đào tạo cán bộ sơ cấp và nhân viên chuyên môn, thì sau này vươn lên đào tạo cả cán bộ trung cấp về chỉ huy hậu cần, bác sĩ và chuyên môn hậu cần cao cấp khác.

Trong hoàn cảnh quân đội Mỹ sử dụng máy bay B.52 càn quét các bệnh viện dã chiến tại các chiến trường miền Nam, những người thầy thuốc, những y tá, bác sĩ, cứu thương vừa phải chiến đấu với đối phương được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại vừa phải làm việc giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, để chăm sóc sức khỏe và cứu sống cho hàng ngàn bộ đội kịp thời đáp ứng quân số cho chiến trường miền Nam, điều ấy đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.