Năm 1995, khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam, việc hợp tác, trao đổi về thương mại và sự bang giao giữa nhân dân hai nước còn rất hạn chế. Ngày nay, sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Một loạt các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như thương mại, giáo dục,văn hóa, y tế diễn ra ổn định, vững chắc và được nâng lên một tầm cao mới.

Chính phủ và nhân dân  của cả hai quốc gia đều nhìn nhận lịch sử và cam kết hướng về phía trước như những người bạn chứ không phải những người đối đầu.“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đó là một hành trình không hề đơn giản và phải mất hai mươi năm mới có thể bắt đầu một mối quan hệ song phương, nhất là đối với những người dân của cả hai nước – những người đã đi qua cuộc chiến thì thực sự rất khó khăn. Các cựu chiến binh ở cả hai phía và gia đình họ là những người đầu tiên đối mặt với quá khứ và bắt đầu xây dựng cầu nối để chính phủ hai nước có thể gắn kết thành công. Chính phủ hai nước bắt đầu hợp tác để giải quyết các vấn đề nhân đạo và những vấn đề chiến tranh từ nhiều năm trước khi bình thường hóa quan hệ. Từ năm 1988, các nhóm công tác của Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác để tìm kiếm và trao trả hài cốt các quân nhân. Năm 1991, Văn phòng Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ được thành lập tại Hà Nội. Trong nhiệm kỳ Tổng thống George H.W. Bush, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã bắt đầu hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh do Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy thành lập. Từ năm 1993, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu hợp tác để giúp Việt Nam loại bỏ hiểm họa từ vật liệu chưa nổ (UXO).

Tổ chức “Hội cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam” chuyển giao tài liệu về các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam mất tích, tháng 2/1995. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục được thực hiện như Chương trình Fulbright (1992), Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) vào năm 1994… đã đào tạo hàng nghìn nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và lãnh đạo doanh nghiệp. Những bước đi đầu tiên này đã đặt nền móng cho việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa Đại sứ quán hai nước tại Washington và Hà Nội vào năm 1995. Tháng 5/1997, Đại sứ Lê Văn Bàng trở thành vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hoa Kỳ và Thượng viện Hoa Kỳ cũng xác nhận ông Douglas "Pete" – cựu phi công của Không quân Hoa Kỳ và có hơn sáu năm là tù binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam là đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đại sứ Peterson đã dành cả nhiệm kỳ để hàn gắn và xây dựng mối quan hệ dài lâu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Peterson không phải người duy nhất tin rằng ông có thể làm "rất nhiều việc cho tương lai" của quan hệ Hoa Kỳ - Việt. Các nhân vật quan trọng trong chính phủ hai nước, bao gồm cố Thượng Nghị sĩ John McCain, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, cựu Ngoại trưởng John Kerry, Đại sứ Lê Văn Bàng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm…và rất nhiều người khác đã ủng hộ cho một tương lai chung với lòng tin, hoà bình và thịnh vượng.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Những hoạt động của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật ngày càng tăng. Từ năm 1989 đến nay Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 113 triệu USD để hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Tổng Thống Mỹ W.J. Clinton tại buổi tài trợ trang thiết bị giúp đỡ những nạn nhân bom mìn, năm 2000. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Vào tháng 12/2013, Việt Nam – Hoa Kỳ ký Bản ghi nhớ về việc tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Hoa Kỳ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ở Việt Nam, đóng góp hơn 140 triệu đô-la Mỹ kể từ năm 1994 và những năm gần đây tỷ lệ thương vong do bom mìn, vật nổ còn sót lại đã giảm thiểu đáng kể. Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giải quyết các vấn đề “di sản” chiến tranh … đã tạo cơ sở cho quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nhân viên tổ chức CPI (Mỹ) đang tiến hành xử lý bom bi tại tỉnh Quảng Trị, ngày 23/11/2003. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

 

Quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt hơn khi liên tục có những chuyến thăm cấp cao. Lần lượt, các tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm chính thức Việt  Nam như: Bill Clinton (năm 2000), George W. Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump (năm 2017, 2019), gần đây nhất là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang thăm chính thức Việt Nam ngày 24/8/2021 hội đàm về hợp tác song phương và khu vực cũng như thành lập Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội… hay chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Việt Nam ngày 14/4/2023 để thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng với Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác toàn diện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội ngày 27/8/2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới chào xã giao trong chuyến viếng thăm ngày 14/4/2023.

Phía Việt Nam cũng có các chuyến thăm Hoa Kỳ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017) và mới đây là chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11/5 đến ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Phạm Minh Chính… Các chuyến viếng thăm này đã tăng cường sự hiểu biết, tạo đà cho quan hệ, thông qua các tuyên bố để thiết lập đối tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực giữa hai nước. Việc nỗ lực tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích, tháo gỡ bom mìn, tẩy độc dioxin và phối hợp tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh có vai trò cốt lõi trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây là vấn đề hợp tác khởi nguồn của 2 quốc gia sau chiến tranh, trước hết vì lý do nhân đạo góp phần gây dựng lòng tin giữa 2 bên về thiện chí hòa hợp, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Lễ khánh thành và bàn giao khu đất công viên thuộc sân bay Biên Hòa vừa được xử lý sạch dioxin ngày 7/3/2023

Trên mặt trận ngoại giao nói chung và hòa hợp dân tộc nói riêng cả hai phía đã hết mình đóng góp công sức vào thành tựu chung của cả hai nước với tinh thần “hòa bình – hữu nghị - hợp tác và phát triển”. Và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cùng hòa chung cũng như đóng góp vai trò của mình vào mục tiêu xây dựng một nền hòa bình chung của thế giới. Với những nét độc đáo riêng của mình, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Những du khách nước ngoài đa phần để lại dòng chữ “No war! Peace!” để phản đối chiến tranh, vinh danh hòa bình trong cuốn sổ cảm tưởng. Trong số đó, có rất nhiều cựu binh Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ. Giám đốc Bảo tàng – Bà Trần Xuân Thảo chia sẻ: "Không để bảo tàng chỉ như là một nơi khơi gợi lại quá khứ đau thương hay thúc đẩy lòng thù nghịch, mà có thể cùng "ngồi lại" hi vọng, hàn gắn để những thảm kịch chiến tranh không còn xảy ra trong tương lai. Mỗi câu chuyện trưng bày từ hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng là một trong những cách tiếp cận, truyền đạt thông tin và gửi đi thông điệp về hòa bình một cách mạnh mẽ nhất đến công chúng. Đó là những ký ức, những mảnh ghép của lịch sử, của cộng đồng và của cả một dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ hòa bình” 

Đặc biệt, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hiện nay đã và đang trưng bày những chuyên đề về những hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, xử lý ô nhiễm dioxin và hỗ trợ người khuyết tật đều nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế. Ngày 12/11/2021, Lễ ra mắt Dự án nâng cấp trưng bày chuyên đề “Khắc phục hậu quả chiến tranh: những nỗ lực chung Việt Nam – Hoa Kỳ” đã diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh tại Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701 - Bộ Quốc phòng), kinh phí thực hiện trưng bày do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là đơn vị thụ hưởng 100% theo phương thức bàn giao sản phẩm. Ngày 10/4/2023, TS. Trần Xuân Thảo, giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và bà Aler Grubbs, giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án trên và hy vọng trưng bày sẽ được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong thời gian sớm nhất.

Lễ ra mắt Dự án ngày 12/11/2021

 

 

Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác ngày 10/4/2023

Người viết: Nguyễn Thị Thu Sương - Biện Thu Ngần

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại