Thành phố Đà Lạt – một địa danh du lịch lý tưởng mà cả nước ai cũng biết đến, duy chỉ có cái tên “Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”, được bọn Mỹ - ngụy đặt cho cái tên thật mỹ miều để che dấu đi âm mưu thâm độc của chúng thì dường như không nhiều người biết đến.
Lịch sử cũng ít ghi chép, kể về địa danh đặc biệt này, nơi từng diễn ra những trận chiến không cân sức giữa các chiến sĩ tù thiếu nhi và bọn lính tay sai có vũ khí tối tân, roi vọt. Khoảng nửa thế kỷ trước, khi chiến tranh đang đi vào giai đoạn ác liệt, chế độ Mỹ - Thiệu đã âm mưu xây dựng một nhà lao đặc biệt mang tên Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt với mục đích xé lẻ lực lượng và tiêu diệt mầm mống cách mạng từ trong trứng nước. Cũng từ đây, những cuộc chiến tranh khốc liệt, gay gắt diễn ra liên tiếp giữa các tù chính trị thiếu nhi và quân Mỹ - ngụy, giữa những đòn tra tấn, đàn áp của kẻ thù, anh chị em vẫn một lòng trung kiên, không khoan nhượng.
Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt – tên gọi che đậy âm mưu đen tối của Mỹ - ngụy
Những ngày đầu tháng 12-2019, trong cái lạnh giá của mùa đông, giữa lòng thành phố Đà Lạt đã diễn ra một cuộc gặp gỡ vô cùng ấm áp của những người chiến sĩ nhỏ tuổi năm xưa. Họ là những người từng chiến đấu trong một hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc chiến tranh và là những anh hùng đứng lên từ nhà lao đặ biệt dành cho thiếu nhi.
Trong những năm tháng biến động sau cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, dù quân ta đã dành được những lợi thế nhưng vẫn chịu không ít tổn thất về quân số, một số hi sinh, một số bị địch bắt giam tại các nhà lao Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức, Côn Đảo…, trong số đó có một số chiến sĩ còn ở tuổi vị thành niên.
Nắm giữ một số lượng không ít tù binh nhỏ tuổi, nhưng gặp phải yêu sách không giam giữ tù thiếu nhi của quân ta, Mỹ đã thực hiện một âm mưu đó là cách ly các chiến sĩ nhỏ tuổi ra khỏi sự dìu dắt của các chiến sĩ cộng sản lớn tuổi nhằm dập tắt mầm mống cách mạng trong trứng nước. Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là nơi giam giữ 600 chiến sĩ trong độ tuổi 12-17 từ khắp các nhà lao lớn chuyển về, nằm dưới cái tên nhằm che mắt dư luận đó là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt.
Dưới vỏ bọc là một trung tâm giáo huấn nhưng cơ chế bên trong của nhà lao này lại nói lên bộ mặt xảo trá của bọn đế quốc, từ cấp lãnh đạo cho đến các bộ phận quản lý đều là những tên lão làng trong việc đàn áp tù nhân như Lê Văn Dẹt, Hoàng Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Quảng… Tại đây chúng từng bước ru ngủ, làm thui chột ý chí cách mạng của các tù thiếu nhi bằng cách ép họ phải “học tập chính trị”, chào cờ, hát quốc ca của chúng để thừa nhận chế độ Mỹ - Thiệu, nói xấu Đảng, Bác Hồ, lấy đạo Thiên chúa ra để hướng đạo một cách sai lệch… Chúng thực hiện những điều đó nhằm làm lung lay ý chí cách mạng, lôi kéo anh chị em về với hàng ngũ của chúng. Thế nhưng âm mưu đó bất thành vì sự bất khuất, trung kiên và sáng suốt của các thiếu niên Việt Nam.
Tay không chống Mỹ, các chiến sĩ nhỏ từng bước đẩy Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đến bờ vực phá sản.
Sống trong cảnh đòn roi tra tấn và âm mưu cải tạo những thiếu nhi yêu nước thành tay sai của địch, các anh chị em tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt vẫn một lòng son sắt với lý tưởng chung của cách mạng, sẵn sàng hi sinh máu thịt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đến sau này, trong một cuộc thương lượng với anh em tù nhân, tên tay sai của địch xưng hô với các chiến sĩ nhỏ tuổi là mày – tao, anh Nguyễn Văn Thành quát ngay vào mặt hắn: Ông không được gọi chúng tôi là “mày”, chúng tôi trong tay không có tấc sắt mà đã chiến thắng các ông với quân đội vũ khí tối tân, điều đó chứng tỏ các ông là người thua cuộc... Do vậy, ông phải gọi chúng tôi là ông hoặc là ngài.
Để đẩy Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đến chặng đường phá sản sau 2 năm 3 tháng tồn tại, anh chị em thiếu nhi ở đây đã chịu đựng và hi sinh rất nhiều. Trong khí trời Đà Lạt 5-7oC, các anh chị bị bọn địch tịch thu hết áo quần, chỉ độc trên người một bộ quần áo mỏng. Mỗi ngày chỉ ăn 2 vắt cơm, ít muối hạt, ăn cơm thì ít, chịu roi vọt thì nhiều, ốm đau đói rét, chân tay bị liệt trong cái lạnh thấu xương và những đợt tra tấn liên tục.
Đối với chị em phụ nữ, sinh hoạt hằng ngày vô cùng khó khăn, ăn đói mặc rét, nước sinh hoạt thiếu thốn, nhất là những ngày có kinh nguyệt thì cực kỳ khổ sở. Bị tra tấn nhiều lần, các chị thường xuyên bị cơn co giật thần kinh. Không dừng lại ở đó, bọn địch còn dội nước lạnh lúc 9 – 10 giờ sáng, khi tiết trời Đà Lạt xuống thấp, khiến cho các anh chị em phải chịu những cơn lạnh thấu xương.
Sống trong cảnh tù đày ngặt nghèo, sức cùng lực kiệt vì phải ăn những bữa cơm chan máu và chịu những đợt tra tấn dã man của kẻ thù nhưng ý chí và tinh thần cách mạng vẫn sục sôi trong mỗi tù binh nhỏ tuổi. Anh chị em tù thiếu nhi đã nổi dậy khởi nghĩa ngay chính trong hang ổ của địch, bắt chúng trao trả quyền tự do dân chủ, tổ chức những đợt vượt ngục từ manh mún đến có quy mô để thoát khỏi gông cùm của quân địch về với phong trào cách mạng.
Đợt đầu tiên là phong trào phản đối chào cờ, chống đàn áp tù nhân, đòi quyền tự do dân sinh, dân chủ bằng hình thức tự mổ bụng, 9 chiến sĩ quả cảm đăng ký được mổ bụng nhưng sau khi bắt thăm có 3 người trúng thăm đó là anh Nguyễn Văn Thu, Mai Bốn và Thái Bá Tro. Sau đợt này các anh chị em bị tra tấn dã man, dội nước lạnh, bị đánh bằng roi điện đã tuốt đi phần nhựa, khiến da thịt rách, thân thể bại liệt, suy kiệt nặng nề. Vì không chịu nổi những màn tra tấn man rợ đó, anh chị em đành nhượng bộ kẻ địch để chuẩn bị lực lượng cho các cuộc đấu tranh mới.
Đợt thứ hai, âm mưu giết tên phản bội Nguyễn Cương – tên tay sai hăng hái trong việc tố cáo, đàn áp, tra tấn tù nhân – và kế hoạch đã được thực hiện đúng như dự kiến. Với âm mưu dùng “tù trị người tù”, tên địch đã cải tạo một số tên tù đã biến chất nhằm biến chúng trở thành tay sai đắc lực trong việc trị những tù nhân yêu nước. Tên Cương bị đánh bị thương ở đầu và hư một con mắt. Sau khi đánh tên Cương dù anh em bị tra tấn dã man nhưng phần nào làm cho địch ngày càng hoảng loạn, phong trào đã bắt đầu đi vào chiều sâu trong một tương quan mới, thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ anh em tù thiếu nhi Đà Lạt.
Đợt ba, phong trào chống lăn tay chụp ảnh, bãi bỏ chế độ tù cai trị tù, để tự anh em cắt đặt sắp xếp trong nhà tù để đảm bảo an ninh trật tự, cho anh em được qua lại thăm hỏi nhau trong toàn khu, kể cả phòng nam và phòng nữ. Đây là đợt nổi dậy có quy mô, các anh chị em tù thiếu nhi dần làm chủ được tình thế, bọn địch phải chấp nhận nhượng bộ, thực hiện những chính sách mà các anh chị em đề ra. Sau hàng loạt cuộc đấu tranh, sợi dây quan hệ giữa anh chị em tù thiếu nhi Đà Lạt và phong trào cách mạng bên ngoài ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ, tạo tiền đề cho cuộc vượt ngục sau này thành công và đẩy nhanh nhà tù đến ngày phá sản.
Đợt thứ tư, tổ chức vượt ngục, tìm về với phong trào cách mạng. Đã có 7 lần vượt ngục trong những năm nhà lao này tồn tại (1971 – 1973) và lần vượt ngục đêm 7-5-1973 được xem là ngoạn mục nhất! Trong cuộc vượt ngục ấy có 13 đồng chí nhưng lọt hẳn ra ngoài và về được căn cứ 11 người; 2 người còn lại là anh Ngô Bê và anh Trần Công Khanh bị lạc đường nên đã bị địch bắt trở lại. Sau những cuộc vượt ngục thành công, địch thay đổi chủ trương trả tất cả tù thiếu nhi về địa phương, khoảng 80 chiến sĩ thuộc đầu tàu tại 2 nhà lao Quảng Ngãi và Quảng Tín, chúng cô lập và không đưa vào danh sách trao trả, tại đây, kế thừa truyền thống, các chiến sĩ của chúng ta lại tiếp tục đấu tranh và cũng mấy lần tổ chức vượt ngục thành công và liên lạc với tổ chức tham gia kháng chiến. Đến tháng 6-1973, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt bị xóa sổ hoàn toàn.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn thể anh chị em trong nhà lao ngày ấy mỗi người một nơi, có người mãi mãi nằm xuống cho hòa bình của Tổ quốc, có người phải bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường, nhưng tựu chung ai cũng tự hào về đoạn thanh xuân ấy khi nhắc đến. Anh Mai Bốn (Mai Thanh Minh) khi nhắc lại về quá khứ, giọng anh không giấu nổi rưng rưng của những xúc cảm về một thời oanh liệt: “Chúng mình có quyền tự hào về quá khứ, chiến tranh đã đi qua, để lại trên thân thể của chúng ta biết bao nhiêu vết tích của bom đạn, tù đày…, tuổi trẻ vô cùng oanh liệt của chúng ta đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Bây giờ nghĩ lại cái vinh quang ấy không của riêng ai mà là của cả tập thể những người đồng đội cùng sống chung song sắt năm xưa!”.
Cuộc chiến đã đi qua gần nửa thế kỷ, giờ trước mặt chúng ta, họ đã là người cha, người mẹ, người ông, người bà… có những người giữ vị trí quan trọng trong xã hội nhưng cũng có những người sống cuộc sống bình thường, họ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, dọc dài tới các tỉnh thành miền Tây Nam bộ lặng lẽ trở về lại bên nhau, trở về Đà Lạt, nơi mà họ đã có những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời mình để nhớ về một thời ký ức huy hoàng, một thời chịu cảnh lao tù, gông cùm của địch. Chỉ đáng tiếc niềm vui gặp gỡ không trọn vẹn, khiến cho trái tim bao chiến sĩ năm xưa nao nao thổn thức: “Đất nước thanh bình không còn tiếng súng/ Gặp nhau hạnh phúc trào dâng/ Anh em ta kẻ còn người mất/ Người âm thầm ở lại rừng sâu/ Cuộc đời anh! Sáng mãi một vì sao!”
Nhà lao được xây dựng trên đồi Chi Lăng (nay thuộc khu phố Hồ Xuân Hương, phường 9, Đà Lạt) gồm 8 phòng giam lớn (trong đó hai phòng nữ), ba dãy xà lim, mỗi dãy có 4 phòng rộng 6m2, dưới mỗi gian xà lim là hệ thống phun nước ngầm làm lạnh phòng giam khi tra tấn các chiến sĩ trẻ tuổi của ta.
Ngày 22-6-2009, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tập thể cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi và 3 cá nhân Đặng Bảo Xy, Ngô Tùng Chinh và Mai Thanh Minh đã được Chủ tihj nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 5-12-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi gặp mặt cựu tù yêu nước Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, nhân dịp kỷ niệm 10 năm đón nhân danh hiệu Anh hùng.
Nguồn: Sổ tay Xây dựng Đảng tháng 1 - 2020, trang 71-74