Phần 2: Tình yêu đối với nhân dân Việt Nam
Sau lần gặp Chủ tịch Hồ chí Minh tại Pháp năm 1946, năm 1955 nữ nhà báo Madeleine có chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam để thực hiện phóng sự. Bà lại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón tại Hà Nội.
Cùng với Wilfred Burchett - một nhà báo người Úc bà gặp tại Hà Nội vào năm 1955- Madeleine phát hiện ra, ở mặt trận phía Nam là một cuộc chiến tranh du kích của những người dân, một cuộc kháng chiến có cả người già, phụ nữ và trẻ em tham gia. Trong số đó, có một vài cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam là do phụ nữ lãnh đạo.
Hai nhà báo Madeleine Riffaud và Wilfred Burchett gặp Giải phóng quân. Nguồn:https://special.nhandan.vn/Madeleine-Riffaud-2/index.html
Ở miền Nam Việt Nam, trong thời gian cùng nhà báo W. Burchett đi thăm chiến khu của quân Giải phóng năm 1963, Madeleine được làm việc với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cùng nhiều người thuộc lực lượng giải phóng. Người con gái Pháp từng là cựu kháng chiến chống phát-xít Đức thăm vùng giải phóng với bộ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn đã được các bà má Nam Bộ vô cùng quý mến và chị em du kích miền Nam đặt tên thân mật là “Chị Tám Madeleine”. Cuối năm 1964, trước khi vào miền Nam Việt Nam làm việc để trực tiếp tìm hiểu cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam, bà trở lại Hà Nội và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa. Madeleine Riffaud là tác giả của nhiều bài viết, những thước phim quý giá và là nữ phóng viên nước ngoài đầu tiên được đồng hành cùng cuộc chiến đấu của các chiến sĩ quân giải phóng trong các bưng biền “Việt Cộng”.
Madeleine tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Nguồn: https://special.nhandan.vn/Madeleine-Riffaud-3/index.html
Trở về Pháp, bà Madeleine Riffaud đã cho ra đời tác phẩm có tựa đề "Dans les acquis de Vietcong" (Trong căn cứ địa của Việt Cộng - Nhà xuất bản Julliard, 1965) và được Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) tặng giải thưởng năm 1966. Thời điểm này, Mỹ ngày càng leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, dùng máy bay đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác. Nhà báo Madeleine Riffaud đã đến miền Bắc Việt Nam để quay phim, đưa tin về những trận đánh bom liên miên, chết chóc ở Hà Nội, Hải Phòng cùng các thành phố khác…, về cái rét, cái đói ở những nơi đây, về lòng dũng cảm của những vị tướng - những con người bình dị cũng như sự chống trả của quân dân Việt Nam… Thật kinh ngạc, bà tỏ ra quả cảm lạ lùng giữa bom rơi đạn nổ, luôn luôn có mặt ở những nơi máy bay Mỹ đang trút bom xuống, như nhà ga, bệnh viện, trường học.
Cũng trong năm đó, hai lần bà được gặp, trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau chuyến đi ấy, bà lại có một tác phẩm nữa là "Au Nord du Vietnam, écrit sous les bombes" (Ở miền Bắc Việt Nam, viết dưới làn bom đạn - Nhà xuất bản Julliard, 1967). Cuốn sách được xuất bản tại Paris năm 1967, được độc giả khắp năm châu biết đến.
Các bài báo, hình ảnh và phim tài liệu do bà thực hiện được xuất bản tại Pháp đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống và cuộc chiến đấu kiên cường của người dân Việt Nam trong giai đoạn từ 1965 đến 1973. Điều này gây được tiếng vang lớn tại Pháp nói riêng và trong dư luận quốc tế nói chung góp phần kêu gọi thêm nhiều sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình của Việt Nam. Bên cạnh đó không chỉ là bằng chứng đanh thép tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam mà còn thức tỉnh lương tri, chinh phục trái tim của nhân dân yêu chuộng hòa bình, giúp Việt Nam nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận thế giới. Madeleine nói: “Tôi không thể nhìn cuộc chiến tranh tại Đông Dương từ xa. Tôi đến Việt Nam để sống gần nhất có thể với cuộc đời của những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Bà đã cùng hành quân với những chiến sĩ giải phóng Việt Nam trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu lương thực cùng với nhiều mối nguy hiểm khác trong rừng rậm, nhưng bà vẫn đều đặn làm thơ, gửi bài viết về Pháp. Madeleine tự hào khi kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được nói chuyện với Người hàng giờ, ... cũng như những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi trở thành phóng viên chiến trường của Báo Nhân đạo, bà kể lại sự ngưỡng mộ của mình đối với những người phụ nữ Việt Nam có mặt khắp các chiến trường. Các bài báo của Madeleine đã góp phần rất lớn vào việc tập hợp những người ủng hộ hòa bình chống lại cuộc chiến tàn khốc này đến mức ngày nay nó vẫn được coi là tài liệu tham khảo để không bao giờ bắt đầu lại.
Bà Madeleine chia sẻ: “Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ quân đội và tôi có thể nói với bạn rằng không có quốc gia nào trên thế giới có được nhận thức chính trị, kỹ năng và lòng dũng cảm tràn đầy đến vậy. Những người phụ nữ này là những người bà, người mẹ, họ không ở trong đồn trú, họ ở trong nhà. Ngay sau khi trận pháo kích nổ ra và tín hiệu báo động vang lên, họ lập tức lao ra khỏi nhà. Hàng trăm, hàng nghìn người tập hợp lại, những người già đi trước, những người phụ nữ khác bồng con trên tay, phản đối việc đánh bom và các đơn vị quân đội thân Mỹ. Hằng đêm những cô gái trẻ bò giữa bãi cỏ và nhoài người qua hàng rào thép gai của các đồn bốt, nơi những người lính theo chế độ thân Mỹ đang đóng quân, và dùng lời hát để thuyết phục họ đào ngũ”… “Những người phụ nữ ở miền nam Việt Nam đã phải chịu đựng nhiều đau khổ đến tột cùng, bị tù đày nhiều năm, bị tra tấn, họ là những con người phi thường. Khi ở bên họ, tôi được chữa lành. Khi chúng tôi cùng Giải phóng quân đi ngang qua một ngôi làng, một vài bà cụ lớn tuổi mang cho chúng tôi những quả dứa, ôm hôn chúng tôi, dẫn chúng tôi đến bàn thờ tổ tiên. Đối với họ, tôi đã phải đi một chặng đường dài để đến. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra chuyến đi này đã mang tới nhiều điều còn lớn lao hơn cả nghề báo: chúng tôi được yêu thương”, bà Madeleine xúc động kể lại.
Tháng 5/1968, trong bối cảnh nhân dân Pháp đổ xuống phố Paris để biểu tình phản đối chiến tranh, Madeleine lên đường quay trở lại Việt Nam. Trước khi rời Paris để trở lại Việt Nam, Madeleine theo dõi các cuộc đàm phán hòa bình và lưu tâm đến thông tin người Mỹ sẽ chấp nhận điều kiện là không ném bom các thành phố của miền Bắc Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, quân đội Mỹ đã không thực hiện những thoả thuận trước đó tại khu vực phía Bắc Vĩ tuyến 17. Gần Phát Diệm (thuộc tỉnh Ninh Bình), nữ nhà báo tìm đến một ngôi làng công giáo chưa bị ném bom. Bà trò chuyện cùng trẻ em và người già trong làng, cũng như muốn chụp họ một tấm ảnh. “Vì dưới mái che không có đủ ánh sáng nên tôi yêu cầu họ đứng ở khoảng sân phía trước nhà thờ. Tôi chụp một bức ảnh, và chỉ một hoặc hai phút sau, tiếng cảnh báo vang lên, hai chiếc máy bay gầm thét lao tới. Mọi người lập tức giải tán và trốn vào trong các hầm trú. Cùng với người lái xe của mình, chúng tôi ẩn náu trong một cái hố nhỏ, và trong khi những chiếc máy bay bay qua bay lại, tôi tự nghĩ rằng có thể những người dân làng sẽ bị sát hại bởi do tôi và vì một tấm hình. Sau đó, máy bay Mỹ bay khuất dần. Mọi người bắt đầu tiếp tục nói cười và ca hát, không ai giận tôi cả nhưng tôi lại muốn bật khóc”, Madeleine ngạc nhiên trước sự anh dũng của người dân Việt Nam.
Một đêm xuân đẹp trời, bà đọc được tin máy bay B-52 của Mỹ bất ngờ tấn công thị xã Hải Phòng. Hai ngày sau, toàn bộ khu vực chung quanh tòa thị chính đã phủ một màu trắng. “Tôi sẽ không bao giờ quên những bông hoa lay ơn trắng trải khắp nơi một màu tang tóc”, bà Madeleine lặng lẽ kể. Người Hải Phòng bỏ qua chỉ thị sơ tán của Bộ Tổng tham mưu, không rời bỏ thành phố mà ở lại để kiên cường chiến đấu. Những đống đổ nát, những bức tường đen kịt, mọi thứ đều hỗn độn. Trên nền gạch chỉ còn dấu chân đẫm máu của lũ trẻ. Người Mỹ đã không giữ lời hứa.
Suốt cả một giai đoạn dài sau đó, từ năm 1968 đến năm 1973, nữ nhà báo chiến trường Madeleine đã không ngừng lên tiếng tố cáo những tội ác của quân đội Mỹ. Coi Việt Nam là quê hương thứ hai, Madeleine đã đồng hành và đấu tranh không mệt mỏi trong suốt những năm tháng còn chiến tranh, rồi tới công cuộc tái thiết và xây dựng đất Việt Nam sau này.
Madeleine Riffaud đã sống một cuộc đời đáng sống, tình yêu của bà dành cho Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng thông qua những hành động đấu tranh cho hoà bình không mệt mỏi của bà cho đến lúc qua đời tại Paris ngày 6/11/2024 vừa qua. Madeleine Riffaud đã đi xa nhưng những tác phẩm mà bà viết về đất nước Việt Nam, lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn mà bà theo đuổi suốt cuộc đời... trở thành di sản của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam.
Madeleine Riffaud, phóng viên của Báo Nhân đạo, tác nghiệp tại Cẩm Phả. Nguồn: https://special.nhandan.vn/Madeleine-Riffaud-2/index.html