Kỳ 1: Cơ duyên đến với Việt Nam
Phóng viên Nhật Bản Murayama Yasufumi xuất thân chỉ là nhân viên bảo vệ tại trường Đại học Ritsumeikan nhưng lại rất đam mê với nhiếp ảnh. Ở trường ông thường có cơ hội gặp và trao đổi với các giảng viên có sở thích với mình. Năm 1998, Murayama vinh dự được cựu phóng viên chiến trường Bunyo Ishikawa - người thầy hướng dẫn Murayama về nhiếp ảnh - mời sang Việt Nam tham dự khai mạc trưng bày ảnh về chiến tranh ở Việt Nam thực hiện tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Phóng viên Murayama Yasufumi. Nguồn: Thanh Niên
Khi tham quan trưng bày, Murayama rất xúc động trước sự chịu đựng gian khổ và tinh thần kiên cường của người dân Việt Nam đã vượt qua chiến tranh, vượt qua số phận, không lùi bước. Nhìn những bức ảnh của thầy Ishikawa về các nạn nhân bị ảnh hưởng chất da cam/dioxin, Murayama thấy sợ hãi. Ông tâm sự: “Những con người hình hài dị dạng, có người chỉ còn là khúc thịt không chân, không tay, những người thương binh chỉ còn một phần thân thể… cứ ám ảnh, theo đuổi tôi”. Từ chuyến đi này, cùng những cảm nhận trực tiếp về đời sống của người dân, Murayama đã chọn Việt Nam làm điểm đến để sáng tác về những đề tài mà lâu nay mình ấp ủ. Murayama phải làm nhiều công việc như: giao báo buổi sáng, buổi tối thì làm việc ở các nhà hàng, ngày cuối tuần thì làm vườn thuê… để có kinh phí thực hiện ước mơ của mình.
Tính đến tháng 7/2023, Murayama đã sang Việt Nam 55 lần. Mỗi chuyến đi đều cho ông những trải nghiệm mới và lý thú để thêm yêu đất nước, con người Việt Nam. Nhật Bản là đất nước cũng gánh chịu những hậu quả nặng nề từ chiến tranh và cũng có rất nhiều nạn nhân của bom nguyên tử nên Murayama luôn đồng cảm với các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là nạn nhân của chất da cam/dioxin. Ông đã đồng hành với các nạn nhân tại Việt Nam trong nhiều năm qua, khởi đầu là từ việc tìm hiểu, ghi lại những hình ảnh của các nạn nhân, giới thiệu đến công chúng trên thế giới hiểu rõ hơn về tác hại của dioxin đối với con người. Sau đó, Murayama đã tham gia những hoạt động khác như: kêu gọi vận động chi phí đưa các nạn nhân bị ảnh hưởng chất da cam/dioxin sang Nhật chữa trị, giải phẫu; tham gia vào phong trào “Ký tên vì công lý” do báo Tuổi trẻ phát động ủng hộ nạn nhân chất da cam/dioxin tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8/2004. Để thu thập được chữ ký của người dân, mỗi ngày ông bắt đầu công việc của mình từ 06 giờ sáng tại các công viên, địa điểm tập dưỡng sinh, sau đó là các quán cà phê vỉa hè, những điểm tham quan du lịch... Cho đến tối mịt người ta vẫn thấy ông vào các quán ăn để vận động mọi người, kể cả việc chấp nhận “ăn cơm bụi, uống nước không tên” khi đến vùng ngoại ô, nông thôn. Kết quả đạt được là rất nhiều người hưởng ứng trong đó có cả du khách quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh ... Trong sự nghiệp của mình Murayama đã sáng tác được nhiều bộ ảnh có giá trị, tổ chức 06 cuộc triển lãm với nhiều đề tài như: Bệnh AIDS; đời sống văn hoá - kinh tế; mối quan hệ Việt - Nhật; cuộc sống của những nạn nhân chất da cam/dioxin; biển đảo Việt Nam … Murayama chia sẻ: “Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc 34 năm, thế nhưng mỗi ngày tôi vẫn gặp những người sống với một vết thương lớn trong tim. Bao nhiêu người đã nỗ lực sống để nén những nỗi đau, nhưng trên những khuôn mặt tươi cười ấy vẫn toát lên một nỗi thương đau không thể nào che giấu được. Chiến tranh dường như vẫn chưa chấm dứt...”. Cũng chính vì lẽ ấy mà ông đã liên tục hành trình tìm kiếm âm thầm với những trăn trở riêng của mình . Để hiểu thêm về hành trình của Murayama, chúng ta hãy tìm hiểu về câu chuyện ẩn đằng sau các tác phẩm nhiếp ảnh của ông trong bài viết tiếp theo nhé.
Phóng viên Murayama Yasufumi (trái) đang vận động chữ ký một tài xế xe ôm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/murayama-yasufumi-voi-600-chu-ky-44927.htm