Hồ Chí Minh là nhà cách mạng, nhà ngoại giao kiệt xuất, là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiên phong xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong những giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam khi đất nước còn nhiều khó khăn, Người đã trực tiếp soạn thảo đường lối đối ngoại, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động đối ngoại, đưa ngoại giao trở thành một mặt trận - mặt trận quan trọng mà Việt Nam vẫn còn bỏ lỡ và nhiều thiếu sót. Hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - minh chứng rõ nét nhất cho con đường đi đúng đắn mà Người đã chỉ ra và thực hiện. Quan hệ quốc tế hay quan hệ cá nhân đều là một hình thức ngoại giao, ngoại giao của một cá nhân cũng chính là đại diện cho văn hóa của một dân tộc trong sự giao lưu với văn hóa của các dân tộc khác. Điều đó không chỉ thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh mà còn là thể hiện tư tưởng của dân tộc Việt Nam, qua tư tưởng ấy những con người tiến bộ trên thế giới sẽ thấy được tư tưởng, văn hoá và cùng chung tay giúp đỡ cách mạng Việt Nam.

Cuối thế kỷ XIX, trong bối cảnh phong trào yêu nước lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước và lực lượng lãnh đạo. Ngày 05/06/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước. Từ năm 1911 đến 1917, Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, với những chuyến đi ấy, lòng yêu nước của Nguyễn Tất Thành có những chuyển biến mới. Người nhận thấy rằng ở đâu chế độ thực dân, đế quốc cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị áp bức và bóc lột dã man.

Đầu tháng 12/1917, Nguyễn Tất Thành về Pháp hoạt động, hăng hái tham gia vào phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh của công nhân tại đây. Lúc ấy, các phong trào đó đang phát triển mạnh dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, Người đã nhanh chóng trở thành nhân vật lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Hội người Việt Nam yêu nước tại Paris. Với nhận thức, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tuy mới bước đầu nhưng rất đúng hướng, là điều kiện để Người đến với chủ nghĩa Lênin, tìm con đường cứu nước đúng đắn.

Giữa tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Pháp. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Người đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (Hồ Chí Minh, Tập 3, 1995, tr.314); xác định những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc.

Sau một thời gian hoạt động ở châu Âu, Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy muốn phát triển cách mạng trong nước cần xây dựng, phát triển lực lượng. Vấn đề quan trọng là chọn địa bàn để tập hợp, giáo dục, phát triển lực lượng. Nguyễn Ái Quốc đã chọn địa bàn Quảng Châu, Trung Quốc nhằm gây dựng hạt giống, cơ sở đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Năm 1923, tổ chức đầu tiên lấy chủ nghĩa Mác làm tư tưởng chỉ đạo của Việt Nam, Tâm tâm xã, đã ra đời ở đây. Tháng 11/1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, trong thời gian 1925 - 1927 đã đào tạo được 3 khoá với tổng số gần 100 học viên. Các đồng chí Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Bành Bái và một số đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc tổng bãi công Hương Cảng - Quảng Châu cũng giảng bài cho lớp huấn luyện.

Nguyễn Ái Quốc (bên trái) và Trương Thái Lôi (chính giữa)

Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để tổ chức thành nhóm Cộng sản đoàn (tháng 2/1925). Đến tháng 6/1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN) nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết lại, kịch liệt tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tay sai để tự cứu lấy mình (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2000, tr.98). Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên. Địa điểm đặt tòa soạn báo Thanh Niên cũng tại Quảng Châu. Với sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhanh chóng phát triển. Các số báo Thanh niên được bí mật đưa về Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của Công đoàn thuỷ thủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác và động viên nhân dân ta đấu tranh chống Pháp.

Cuối tháng 03/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ họp tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam gồm 7 đảng viên. Chi bộ mở rộng cuộc vận động để thành lập một đảng cộng sản nhằm thay thế cho HVNCMTN.

Từ ngày 01 đến ngày 09/05/1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc). Tại đại hội, này đã dẫn đến sự phân liệt trong nội bộ của HVNCMTN, đa số đại biểu đều tán thành thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam, còn một số đại biểu khác lại chủ trương hãy tạm thời giữ lại tổ chức cũ của HVNCMTN, rồi thành lập Đảng Cộng sản sau; mặc dù lúc đó (năm 1929) Đại hội đã đưa ra Chương trình, Điều lệ mới cho tổ chức này có tiến bộ hơn so với trước đó (năm 1925). Bởi vậy, sau Đại hội Thanh niên, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm trong Tổng bộ HVNCMTN tại Hương Cảng đã tổ chức ra một Hội gọi là Hội Trù bị tổ chức Đảng Cộng sản, do cái Hội ấy định ra Điều lệ, kế hoạch đi tổ chức các địa phương, các sản nghiệp cho có Chi bộ rồi sẽ khai hội thành lập Đảng (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, 1978, tr.152). Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chưa phải là Đảng cộng sản nhưng đường lối chính trị, chương trình hành động và điều lệ của hội đã in đậm và thể hiện quan điểm, lập trường cách mạng của giai cấp công nhân.

Ngày 17/6/1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở Bắc Kỳ họp tại nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Khoảng tháng 8/1929, An Nam Cộng sản đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9/1929, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã chính thức ra đời, hoạt động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản trong năm 1929 là xu thế khách quan phù hợp với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nhưng các tổ chức đó đều hoạt động riêng lẻ, tranh giành ảnh hưởng của nhau, thậm chí là công kích lẫn nhau làm cho phong trào cách mạng trong cả nước nguy cơ chia rẽ lớn và yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nhận được tin đó, Nguyễn Ái Quốc với chức trách là phái viên của Quốc tế cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến các mạng ở Đông Dương; là người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc từ năm 1924 đến năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như những người dân lao động bình thường. Khi tới Hồng Kông để tiến hành hợp nhất ba tổ chức cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp thuê nhà thuận lợi. Hội nghị hợp nhất Đảng bắt đầu họp từ ngày 03 đến 7/02/1930, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Dự hội nghị có Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm và (đại biểu An Nam Cộng sản đảng). Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt. . .

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp của nhân dân Việt Nam; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời đại mới.

Mặt khác, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam dặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ. Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phá triển nhảy vọt tiếp theo của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Như vậy, trong thời gian ở Quảng Châu, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Người cũng đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng mối tình hữu nghị sâu đậm với nhân dân Trung Quốc trong phong trào đấu tranh cách mạng.

Tranh vẽ “ Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc”

Ngay từ lần đầu tiên gặp Chu Ân Lai tại Paris năm 1922, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai đã nói chuyện với nhau về lý tưởng, hoài bão trong cuộc sống và hai người thấy được những tương đồng trong quan điểm của nhau (Trần Quân Ngọc, 2008, tr.210-220). Hai người thường xuyên gặp gỡ, thảo luận về các loại chế độ, từ việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin đến kiên định lòng tin đối với chủ nghĩa cộng sản. Từ đây, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai đã tạo dựng nên một mối quan hệ cá nhân, tri kỷ vô cùng sâu sắc. Cuối năm 1924, sau khi gặp nhau ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã mời Chu Ân Lai giảng bài cho lớp bồi dưỡng chính trị do tổ chức “Việt Nam thanh nhiên cách mạng đồng chí hội” tổ chức vào đầu năm 1925. Một số học viên ưu tú được gửi vào trường quân sự Hoàng Phố học tập, là học sinh chính thức của Chu Ân Lai. Không chỉ Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và tiếp xúc nhiều với những chiến sĩ cách mạng Trung Quốc như Lý Đại Chiêu, Lý Phú Sâm, Đặng Tiểu Bình, Tiểu Tam, Triệu Thế Viêm, Thái Hoà Sâm, … Không dừng lại ở Hồ Chí Minh - nhà hoạt động cách mạng Việt Nam còn có nhiều mối quan hệ với nước Trung Quốc, tại Trung Quốc những nhà cộng sản Việt Nam hoạt động rất tích cực và trong quá trình hoạt động được Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ.

Mối quan hệ mà Hồ Chí Minh tạo dựng, không chỉ là mối quan hệ cá nhân với những người cùng chí hướng mà đó còn là sự truyền bá, thể hiện tinh thần của Hồ Chí Minh với công cuộc gây dựng cách mạng ở Việt Nam - là mục tiêu xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người thực hiện rất nhiều dạng hoạt động, từ giao lưu với nhân dân, tiếp xúc với báo chí, lập hội, viết báo, viết sách phản ánh về nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc thuộc địa, tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc. Không chỉ là kết bạn tri kỷ cùng chí hướng mà còn là mở rộng quan hệ, phát huy tinh thần cách mạng và liên kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

Trong những năm 1930 - 1935, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều gian nan, kẻ thù mà sự trợ giúp từ bên ngoài là không đáng kể. Tuy vậy, các đồng chí lãnh đạo Đảng vẫn tranh thủ mọi yếu tố có lợi cho cách mạng Việt Nam, tận dụng mọi thời cơ, tranh thủ các lực lượng trên thế giới để mang lại lợi ích lớn nhất cho cách mạng. Các hoạt động của Người dù với tư cách là một nhà cách mạng hay nguyên thủ quốc gia đều thể hiện rõ rệt mục tiêu vì độc lập dân tộc.

Với châm ngôn “thêm bạn bớt thù”, với sự am tường của mình về văn hóa Trung Hoa, vận dụng kinh nghiệm ngoại giao của ông cha ta trong cách ứng xử với Trung Quốc, vừa bày tỏ sự tôn trọng tới lãnh đạo Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã vừa đồng thời khéo xử lý quan hệ với quốc gia láng giềng và trong mối quan hệ với các nước lớn khác. Nhờ vậy, cách mạng Việt Nam đã tranh thủ được ở mức cao nhất sự ủng hộ tinh thần, vật chất to lớn của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, qua đó, thể hiện được sự tài giỏi trong ngoại giao của Người.