Công việc phóng viên chiến trường, như phóng viên Tim Page chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trong chương trình Talk Vietnam của VTV4 năm 2015, là “công việc không phải dành cho bắt kỳ ai, đừng chọn nó trừ phi bạn nghĩ bạn làm được”.
Nguy hiểm luôn cận kề từng giây từng phút trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên chiên trường. Một số phóng viên chỉ sống sót trong vài tuần. Những ai sống đủ lâu đều trở thành huyền thoại. Các phóng viên trẻ mới tác nghiệp thường truyền tai nhau rằng “Bám chặt lấy họ...” - ám chỉ những huyền thoại ấy - “Họ là người may mắn. Họ sẽ giữ cho bạn sống sót”. Dĩ nhiên mọi người đều biết điều này không thực tế. Nhưng khi phải lăn lộn nơi chiến trường đầy hiểm nguy thì nó lại được nhiều người tin theo trong vô thức. Ngoài ra, sống sót trong chiến tranh không chỉ cần đến may mắn. Những người tồn tại được hầu hết là người trí tuệ, mê tín và cẩn trọng dù lắm khi những điều này vẫn là không đủ.
Cùng với Larry Burrows - người ghi dấu qua hơn 50 cuộc hành quân trải dài từ Congo qua Trung Đông đến Việt Nam, Francois Sully - người đã tác nghiệp tại Đông Dương trong suôt 24 năm. . . Henri Huet (1927 - 1971) chính là một trong những huyền thoại như vậy. Ông cũng là một trong những phóng viên chiến trường hiếm hoi quy tụ đầy đủ những phẩm chất nghề nghiệp tốt đẹp nhất.
Henri Huet mang trong người hai dòng máu Pháp - Việt. Ông bắt đầu học nhiếp ảnh trong quân đội Pháp. Năm 22 tuổi, ông trở lại Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp phóng viên ảnh chiến trường tại đây, một quá trình lên đến hơn hai thập kỷ mà rất ít đồng nghiệp cùng thời với ông có thể làm được. Năm 1967, ông đạt được giải thưởng danh giá Huy chương vàng Robert Capa. Các đồng nghiệp đương thời thường đùa rằng Henri Huet dành nhiều thời gian để tường thuật chi tiết diễn biến chiến sự tại những cánh đồng lúa nhiều hơn đa số các phóng viên khác ở Việt Nam. Một đồng nghiệp có lần nhận xét hóm hỉnh rằng: “Henri đi đến những trận chiến thường xuyên như người khác đi làm mỗi ngày vậy!”.
Tại chiến trường, Henri Huet là người hiểu biết, tự chủ và có kỹ năng điêu luyện - bộ phận tinh hoa nhất trong hàng ngũ các phóng viên chiến trường ở Việt Nam. Máy ảnh Leica M2s và Nikon Fs của Henri Huet không chỉ ghi lại những thách thức, hiểm nguy người lính phải đối diện mà còn cả nhân cách của họ. Ông cũng lấp đầy khung ảnh của mình với những người dân Việt Nam bình dị, điều mà một biên tập viên đã gọi là “tình yêu nghề nghiệp dành cho khung cảnh đồng quê”. Trong số những người khâm phục nồng nhiệt Henri Huet có cả Larrry Burrows. Larrry Burrows vào năm 1966 đã nhiệt tình thuyết phục những biên tập viên tạp chí LIFE của mình dùng những bộ sưu tập ảnh do người phóng viên tài năng của hãng AP này chụp trong những cuộc chiến đẫm máu vào ấn phẩm của họ.
Những khi trở về từ chiến trường, sự mệt nhọc của Henri Huet nhanh chóng bị xua tan đi bởi niềm say mê về Việt Nam. Ông ngay lập tức sẽ quay lại cuộn phim đã chụp trong ngày của mình, rồi ngồi vào máy đánh chữ và cần mẫn biên dịch các ghi chú của mình cho những trang bản tin. Không có một phóng viên nào khác lại rất cần thận trong việc đặt tên và ghi các địa chỉ như Henry Huet. Đồng thời cũng không một phóng viên nào khác lại có nhiều bài báo trang nhất như Henri Huet.
Bề ngoài Henri Huet có vẻ như là người thân thiện và vui vẻ. Nhưng sự thật Henri Huet lại là một người đàn ông kín đáo, tự thấy rằng không cần thiết đề thể hiện bản thân mình. Trong một dịp hiếm hoi, Henri Huet bộc bạch chân thành rằng mình có những liên kết xúc cảm sâu sắc hơn với Việt Nam so với những vẻ ngoài Pháp ông được kế thừa từ người cha của mình. Ông luôn dành thời gian rảnh rỗi trong suốt đời mình để nói về những câu chuyện của Việt Nam.
Henri Huet còn được các đồng nghiệp khác kính trọng vì tay nghề cũng như tư cách. Henri Huet nhiệt tình dìu dắt các thế hệ non trẻ mới vào nghề. Phóng viên Tim Page hay Huỳnh Công Út, những phóng viên chiến trường rất nồi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, chính là hai trong số đó. Điển hình như Tim Page. Khi đến Việt Nam tác nghiệp, Tim Page còn rất trẻ và rất non nớt trong nghề. Chính Henri Huet đã chỉ bảo cho Tim Page mọi điều về nghề nhiếp ảnh chiến trường: kỹ năng sử dụng máy ảnh để có thể chụp được những bức ảnh chuyên nghiệp, cách rửa ảnh, ... Sau một thời gian ngắn Tim Page đã trở thành phóng viên ảnh hàng đầu trên chiến trường Việt Nam, người thường được các hãng thông tấn nổi tiếng tìm đến đề lấy những hình ảnh, tin tức nổi bật nhất về Việt Nam. Vì vậy Tim Page xem ông như người cha trong nghề của mình.
Còn đối với Huỳnh Công Út, tên gọi Nick Út chính là do Henri Huet đặt cho ông. Hơn nữa, Henri Huet đã thay Nick Út, khi đó tình cờ bị ốm, lên chiếc trực thăng mà ngay sau đó đã bị bắn rơi ở Lào khiến toàn bộ phi hành đoàn đều tử nạn. Điều này dường như đã được ông linh cảm trước khi mà cách đó một khoảng thời gian, sau nhiều năm đối mặt với hiểm nguy chết người và một chấn thương chân nghiêm trọng, Henri Huet thừa nhận ông có một nỗi lo sợ lớn nhất: máy bay trực thăng. Tai nạn đó thật sự là một cú sốc đối với giới thông tấn quốc tế tại Việt Nam thời điểm đó. Henri Huet đã tận tụy cống hiến cho công việc đến tận giờ phút cuối cùng.
Bảo Nguyễn Trọng Nghĩa
Tổ Tuyên truyền - Đối ngoại