Nhằm phát huy triển lãm "Làn sống hoà bình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam", sáng ngày 20/3/2018, tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh Tp.HCM diễn ra buổi giao lưu giữa đoàn của tổ chức "Cựu chiến binh vì Hoà Bình" (VFP) do Ông Chuck Searcy - Phó Chủ tịch Chi hội VFP 160 tại việt Nam làm trưởng đoàn và các Cựu chiến binh Việt Nam với chủ đề: "Ghi nhớ quá khứ và xây dựng tương lai".

Đầu tiên là bài phát biểu của Thomas Eugene Wilber :

Các bức ảnh được trưng bày trong triển lãm này có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi vì cha tôi, ông Thomas Eugene Wilber, đã xuất hiện trong một bức ảnh tại đây.

Ngày 16 tháng 6 năm 1968, cất cánh từ tàu sân bay AMERICA trong phi vụ thứ 21 của mình trên miền Bắc Việt Nam, chiếc máy bay F4j của bố tôi đã bị tên lủa bắn rơi và bố tôi đã nhảy dù. Ông rơi xuống bờ ruộng trên cánh đồng lúa ở tỉnh Nghệ An. Một tuần sau, bố tôi đã ở Hà Nội, bắt đầu 56 tháng bị giam giữ, 20 tháng đầu tiên sống biệt giam tại nhà giam Hỏa Lò. Bố tôi lúc đó 38 tuổi.

Bố tôi sinh ra vùng nông thôn quận Bradford ở miền bắc Pennsylvania. Là con của một người nông dân nhận canh nộp tô. Bố tôi gia nhập Hải quân năm 1948 và hy vọng ông sẽ được đào tạo để trở thành phi công. Ở tuổi 20, ông đã được điều sang Hàn Quốc hai đợt và tiếp tục bay và điều đi làm nhiệm vụ nhiều năm sau đó. Là người luôn luôn ham muốn được làm nhiệm vụ, bố tôi luôn tin tưởng vào độ tin cậy giải trình trách nhiệm của lực lượng Hải quân về các nhiệm vụ được giao và các mục tiêu được lựa chọn, vào hệ thống chỉ huy lên đến cấp cao nhất là Tổng thống với cương vị Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.  "Tôi đang chiến đấu vì hòa bình," sau này bố tôi thường hồi tưởng lại.

Tuy nhiên, vào giữa những năm 1960 mọi thứ bắt đầu thay đổi với bố tôi. Vào lúc bố tôi được điều sang Đông Nam Á, ông đã nhận thức rõ những câu hỏi và những lời chỉ trích ngày càng tăng lên trong công chúng Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh. Ông lắng nghe những lời phê phán của Martin Luther King, Jr., người năm 1967 đã kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh này. Sau đó ông đã chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara rời khỏi chức vụ mà không thể lý giải rõ ràng, ông đã thấy vị Tổng tư lệnh Lyndon Johnson "bỏ cuộc".

Thomas Eugene Wilber là một sĩ quan phục vụ trong Hải quân suốt 20 năm.Ông là con trai của Eugene Wilber, một trong 8 tù binh chiến tranh đã kiên quyết giữ vững những tuyên bố phản chiến của ông trong thời kỳ bị bắt giữ. Ông đã đến thăm Việt Nam hàng chục lần. Hiện tại, ông đang làm việc với nhân viên Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò và thỉnh giảng ở một trường đại học ở Hà Nội.

Bị bắt giam ở Hà Nội, bố tôi có thời gian để lắng nghe lương tâm của mình. Ông tư duy theo những gì ông biết và kiểm chứng lại từng câu, từng chữ trong Hiến pháp Hoa Kỳ, trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, trong cuốn KInh thánh King James của mình, nhưng lời thề ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông muốn đảm bảo rằng ông đã hoàn thành các nghĩa vụ chứa đựng trong những câu chữ đó.

Là một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp trọng tôn giáo, truyền thống gia giáo và chính trực, bố tôi đã sớm vượt qua những suy nghĩ của mình và đi đến kết luận rằng cuộc chiến tranh này là sai lầm vì: nó là cuộc chiến tranh không tuyên bố thông qua các giao thức quốc tế và quốc gia; nó được điều hành và duy trì bởi các bộ máy lãnh đạo hành chính kế tiếp nhau chứ không phải bằng một tuyên bố hợp pháp của Quốc hội. Để có thể ủng hộ và bảo vệ tốt nhất Hiến pháp của Hoa Kỳ khi nằm trong nhà lao tại Hà Nội ông quyết định nói ra mọi chuyện. Qua những lá thư, các chương trình phát thanh ghi âm và phỏng vấn ông đã kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến này, kêu gọi các công dân Hoa Kỳ lên tiếng và khuyến khích tất cả những ai có thể nghe thấy ông làm việc vì hoà bình. Vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của tôi vào năm 1970, giọng nói qua băng ghi âm của ông được phát thanh trên Đài Hà Nội nói với tôi rằng tôi "đã đủ lớn để làm việc vì hòa bình". Ngày 12 tháng 2 năm 1973, cha tôi rời Hà Nội với 115 người khác được thả tự do. Bốn ngày sau gia, tôi và đình tôi chào đón bố tôi ta tại Bệnh viện Hải quân Philadelphia. Trong vài tuần và tháng tiếp theo, tình hình gia đình chúng tôi rất tuyệt. 

Tuy nhiên, câu chuyện của bố tôi về những trải nghiệm của tù binh đã thách thức "các câu chuyện của chính quyền". Trong khi những tù nhân khác đã lên tiếng chống chiến tranh trước đây đã chấp nhận "ân xá" khi họ phản lại các tuyên bố phản chiến trước khi trở về, bố tôi đã không phản lại điều mình đã nói; hơn nữa ông còn tuyên bố công khai rằng các tuyên bố ông đã đưa ra trong khi bị bắt là tự nguyện. 

Đó là khi cuộc tranh cãi thực sự bắt đầu. Một tù binh cùng trở về đã khởi tố bố tôi đã hợp tác với kẻ thù và các tù binh khác được thả về. Những cáo buộc này sau đó đã bị bác bỏ, tuy nhiên bố tôi đã phải chuẩn bị cho phiên tòa này. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng chúng ta không bao giờ nên đến Việt Nam, và việc lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh này là điều đúng đắn cần phải làm. Ông vẫn kiên định trong các giá trị cá nhân của mình: tôn giáo, truyền thống gia giáo, luôn luôn tin tưởng vào các nguyên tắc cao hơn mà đất nước chúng ta hằng bảo vệ. Cách đây ba năm bố tôi qua đời ở tuổi 85 tại Bradford County, Pennsylvania.

Nay đã 50 năm sau những biến động vào năm 1968 và 45 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris, chúng ta cần ghi nhớ đến những di chứng của cuộc chiến này để lại cho nhân dân Việt Nam cũng như thấy được phải dũng cảm thế nào mới có thể dám nói lên tiếng nói của mình vì Hòa Bình. "Tiếng nói lương tâm"  phát ra từ nhà tù Hỏa Lò có một vị trí đặc biệt trong câu chuyện này, một vị trí mà cuộc triển lãm Phát động Hòa Bình này sẽ giúp làm sống lại những ký ức về những năm tháng chiến tranh.

Và tiếp theo là bài phát biểu của Mike Sutherland:

Tôi tên là Mike Sutherland, một số bạn có thể biết tôi với tên là Mike Lindner. Đó là tên tôi khi tôi còn là thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tôi không bao giờ muốn bị đặt hoặc tự đặt mình vào tình thế mà tôi sẽ buộc phải giết người khác hoặc bị giết. Vì vậy, thay vì chờ đợi bị gọi nhập ngũ và bị đưa vào Bộ binh, tôi đã gia nhập Hải quân. Tôi nghĩ đó là thể hiện lòng yêu nước. Đây có phải là một cuộc chiến tranh chính nghĩa hay hợp pháp không? Lúc đó tôi không biết, nhưng tôi hình dung chính phủ của chúng tôi đã nghĩ về điều đó. Tôi đã không phải mất nhiều thời gian sau khi lên tàu USS Intrepid để tôi nhận ra rằng việc ở trong Hải quân không phải là vinh dự như tôi từng suy tưởng. Lúc đó tàu của chúng tôi nằm ở vịnh Bắc Bộ. Tôi đã tận mắt nhìn thấy số lượng bom nhiều khủng khiếp mà máy bay của chúng tôi ném lên đầu dân Việt Nam. Cảnh tượng đó làm tôi choáng váng. Tôi đã thấy những chiếc chiến đấu cơ A1 và A4 liên tục cất cánh chứa đầy bom. Đôi khi có chiếc không trở về.

Tất cả điều này khiến tôi suy nghĩ về bản chất của cuộc chiến tranh này. Tôi hiểu rằng hàng ngàn người đang phải chết. Những chiếc máy bay này đã xóa sạch những ngôi làng khỏi trái đất này, phá hủy các thành phố, thiêu đốt trẻ em bằng bom napan. Đây thực sự là hành vi giết người và không thể biện minh được. Tôi nhận ra rằng hàng ngày tôi đang làm một việc sai trái khủng khiếp và tôi không thể nhún vai bỏ qua bằng câu nói cửa miệng: "Mình đang ở trong quân đội, chỉ làm những gì theo lệnh".

Chuyện đào ngũ không phải là điều bạn có thể nói với bất kỳ người nào cũng được. Nhưng vào tháng Chín năm 1967 trên boong tàu của chúng tôi, tôi đã gặp những người bạn mới có cùng suy nghĩ về cuộc chiến tranh này và về việc chúng tôi tham dự vào cuộc chiến này. Đó là John Barilla, Rick Bailey (đã qua đời vài năm trước) và Craig Anderson. Cuối cùng chúng tôi đã đi đến kết luận rằng tiếp tục ở trong quân đội sau khi ý thức được cảm nghĩ của mình, đó sẽ là tội ác chống lại loài người !

Mike Sutherland là một trong bốn thủy thủ đào ngũ khỏi Hải quân  khi con tàu USS Intrepid của họ dừng tại Nhật Bản để nhận tiếp viện.Sau đó, nhóm sau này được mệnh danh Bộ tứ Intrepid liên hệ với một tổ chức vì hòa bình ở Nhật Bản, tổ chức họp báo để công bố quyết định của họ và sau đó đến Thụy Điển qua Liên Xô.

Vì vậy, vào ngày 23 tháng 10 năm 1967, trong khi tàu chúng tôi cập cảng Yosuno, Nhật Bản, bốn người chúng tôi mặc thường phục đáp tàu đến Tokyo, nơi chúng tôi gặp một nhóm Hòa bình Nhật Bản. Được sự giúp đỡ của họ, chúng tôi đã quay video một tuyên bố phát hành cho báo chí. Tôi xin đọc cho các bạn nghe vài dòng từ tuyên bố đó của chúng tôi. "Bốn người chúng tôi - Craig Anderson, John Barella, Richard Bailey và Michael Lindner - tất cả đều chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược nói chung và đặc biệt là chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Chúng tôi chống lại việc gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. "Chúng tôi coi việc một nước công nghệ phát triển tham gia vào việc giết hại thường dân và phá huỷ một nước nông nghiệp nhỏ đang phát triển là một tội ác. Chúng tôi cho rằng người dân Việt Nam phải được tự quyết định số phận của mình. Chúng tôi muốn Mỹ rút toàn bộ quân đội ra khỏi Đông Nam Á”.

Khi quay phim xong, chúng tôi đã lên tàu tới Liên Xô. Và bắt đầu một cuộc hành trình tuyệt vời. Kể lại câu chuyến hành trình thú vị trên sẽ mất rất nhiều thời gian của các bạn hôm nay nhưng tôi muốn nói rằng mọi việc đã không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ mà chúng tôi nhận được trên khắp chặng đường, trên mọi khúc ngoặt, mọi ngả đường. Ở Nhật Bản, ở Liên Xô và ở Thụy Điển, những người tốt đã giúp chúng tôi thực hiện chuyến đi này. Tất cả sự giúp đỡ này thật là tuyệt vời như mọi người lúc đó thường nói “các bạn đang làm việc tốt, hãy tiếp tục làm việc tốt”. Và chúng tôi đã làm như vậy.

Nhưng mọi việc không luôn dễ dàng. Chúng tôi luôn có cảm giác xa nhà, nhớ bạn bè và thiếu đi chỗ dựa cuộc sống như ở quê nhà. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Và vì vậy cuối cùng chúng tôi định cư tại Thụy Điển. Craig trở lại Mỹ khá sớm, còn John chuyển sang Canada và bắt đầu một cuộc sống mới ở đó. Rick Bailey và tôi đã thích nghi với Thụy Điển. Nơi này đã trở thành nhà của chúng tôi, cùng với rất nhiều bạn bè khác chống lại cuộc Chiến tranh của Hoa Kỳ. Thụy Điển nay là nơi những người vợ và con cháu của chúng tôi đang sinh sống. Và tất nhiên, chúng tôi cũng có rất nhiều bạn bè ở đó. Cuộc sống thật là tốt. Chúng ta, tất cả những người có mặt ở đây hôm nay, đều có những lý do thuyết phục để đến đây, đến Việt Nam và chúng ta có mọi lý do để tin rằng chúng ta đang góp sức cho một sức mạnh lớn hơn để giúp cho những người khác có sức mạnh cần thiết để giúp đỡ lẫn nhau chống lại việc phát động chiến tranh. Thay vào đó chúng ta phải phát động "Hòa bình"!.