Bài phát biểu của ông Michael Uhl :

Khi tôi lần đầu tiên viếng thăm Viện bảo tàng này năm 1994, nó vẫn được gọi theo tên ban đầu là Bảo tàng tội ác chiến tranh của Mỹ. Việc chỉ tên Hoa Kỳ này đã bị xóa đi sau khi mối quan hệ ngoại giao được thành lập giữa hai cựu thù một năm sau đó. Bất kể tên của nó là gì, các hiện vật và tư liệu trưng bày của viện bảo tàng này ngày nay vẫn kể lại các câu chuyện như khi bảo tàng mới mở cửa vào năm 1975: trong cuộc Chiến tranh của Mỹ này, lực lượng Hoa Kỳ đã phạm phải các tội ác chiến tranh một cách có hệ thống chống lại người dân Việt Nam.

Đây là câu chuyện mà tôi đã kể với tư cách là cựu chiến binh hoạt động chống chiến tranh khi trở về Mỹ năm 1969 sau khi tham chiến tại Việt Nam. Tôi đã từng phục vụ như một sĩ quan tình báo tác chiến với Lữ đoàn 11 Bộ binh nhẹ - cũng là đơn vị đã tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai tám tháng trước khi tôi đến. Những gì tôi trải qua ở đây đã làm tôi thay đổi sâu sắc. Những gì mà tôi được chứng kiến​​có thể gọi là thảm sát đã làm tôi suy sụp, ví dụ như việc tra tấn và đánh đập những người không phải là binh lính và không có vũ trang, những vụ giết người hàng loạt từ các cuộc không kích và các loạt pháo không ngừng nhằm vào những người nông dân không có khả năng tự vệ. Tôi cũng thấy kinh khủng với những hành vi xúc phạm, sỉ nhục hằng ngày của một số binh sĩ Mỹ đối với những người mà chúng tôi được cho là phải đến để bảo vệ. Dội xuống đầu người dân Việt Nam không chỉ là hỏa lực khủng khiếp của kẻ xâm lược nước ngoài mà còn là vết nhơ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hằn sâu trong văn hoá của những kẻ bắt nạt người Mỹ, điều mà tôi kịch liệt phản đối. Hai mươi lăm năm đã trôi qua trước khi tôi trở lại Việt Nam, nhưng những hình ảnh được trưng bày trong viện bảo tàng này thật xác thực với tôi như trong những ngày tôi tham gia tổ chức các hoạt động chống chiến tranh.

Michael Uhl chống lại chiến tranh Việt Nam trong khi phục vụ trong đơn vị đã tiến hành vụ thảm sát Mỹ Lai khủng khiếp tám tháng trước khi ông đến. Khi trở về Mỹ, ông tổ chức hai dự án lớn nhằm tạo điều kiện cho những người lính Mỹ khác công khai những tội ác họ chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia.

Những hình ảnh ở đây đúng như những gì tôi đã phải trải qua, cũng như các câu chuyện kể lại của nhiều cựu chiến binh chúng tôi được công bố vào năm 1971 trong một loạt các buổi điều trần công khai mà tôi đã giúp tổ chức trên khắp đất nước Hoa Kỳ sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai bị đưa ra ánh sáng. Những cựu chiến binh chống chiến tranh thấy rằng Mỹ Lai chỉ là "đỉnh của tảng băng", rằng các vụ thảm sát của Mỹ đã xảy ra ở khắp mọi nơi và là kết quả của chính sách của các kiến ​​trúc sư chiến tranh Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm năm 1994, tôi đã bị thu hút bởi phần trình bày đặc biệt về việc Mỹ sử dụng các chất hoá học làm rụng lá cây như chất màu da cam, để phá hủy cây trồng và rừng thực vật. Bỗng nhiên tôi thấy mình đang đứng trước hình ảnh của chính mình, với hình hài bìa một cuốn sách có tựa đề “Lính Mỹ - những con chuột thí nghiệm: Lầu Năm Góc đã để binh lính chúng ta tiếp xúc với những hiểm nguy còn hơn cả chiến tranh như thế nào”, một câu chuyện về các tác động đến sức khoẻ khi bị phơi nhiễm chất diệt cỏ này đối với các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam mà tôi là đồng tác giả với đồng đội lâu năm của tôi là Tod Ensign. Cuốn sách này làm tôi thấy tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người chính trực.

Một cuộc thảm sát với quy mô như Mỹ Lai và ảnh hưởng của chất độc da cam đối với cựu chiến binh Mỹ là những đề tài được công nhận trong tâm trí của người Mỹ hiểu biết và ngày càng được quan tâm trong các tài liệu và hoạt động nhìn lại các sự kiện của cuộc Chiến tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô và mức độ phản kháng của dân chúng đối với chiến tranh này do những người chống chiến tranh tổ chức, ít được quan tâm ngay cả ở Hoa Kỳ. Trong thực tế, những người bất đồng chính kiến trong quân đội Mỹ lên đến hàng chục ngàn. Họ diễu hành, từ chối tham chiến, xuất bản hàng trăm tờ báo chống chiến tranh, đào ngũ nhiều chưa từng thấy, vừa có tổ chức vừa tự phát, và họ thách thức một cơ chế chỉ huy quân sự vừa kỳ thị vừa bất công.

Cuộc Triển lãm này sẽ được tổ chức tại Đại học Notre Dame vào tháng 5 này và sau đó sẽ tìm kiếm các địa điểm tổ chức khác trên khắp Hoa Kỳ. Chúng ta cần phải giáo dục cho thế hệ mới về sự kinh hoàng của chiến tranh.

Bài phát biểu của Keith Mather :

Tôi bị gọi nhập ngũ năm 1967. Tôi đã chống lại chiến tranh và hoàn toàn không muốn đi đánh nhau ở Việt Nam. Tôi đã liên hệ với Hiệp hội những người chống chiến tranh (War Resistors League) nơi tôi đã gặp tám người lính khác trốn trại. Chúng tôi đã lánh nạn trong một thánh đường của một nhà thờ ở San Fransisco và chúng tôi đã tự xích mình và xích tay chúng tôi với các linh mục và cha xứ những người đã ở đó để thể hiện tình đoàn kết của họ với chúng tôi. Đến lúc hết giờ làm thánh lễ, đội quân cảnh tiến vào, cắt xích và bắt chúng tôi. Đội quân cảnh đưa chúng tôi đến căn cứ Presidio và giải qua nhà giam. Họ cho các hạ sĩ quan diễu qua để thấy và xỉ vả chúng tôi. Họ nói với chúng tôi rằng họ sẽ đưa chúng tôi lên máy bay và đưa sang Việt Nam.

Khi chúng tôi ở Presido có một sự việc xảy ra khi một người lính canh có vũ trang bắn chết một người lính trẻ, Richard Bunch, khi đang rời công việc vì một việc gì đó. Phần buồn nhất và rắc rối nhất là anh Rechard Bunch này bị bệnh tâm thần và toán lính gác kia đã giấu xác nhận y tế về bệnh thần kinh của anh ta. Tôi không biết nhiều về Richard Bunch, nhưng tôi đã nói chuyện với anh ta vài lần và thế rồi tôi biết tin anh ta bị lính gác bắn vào lưng khi anh bỏ một việc đang làm đi ra chỗ khác.

Keith Mather nhận lệnh nhập ngũ vào năm 1967 và đã tham gia vào 2 hoạt động nổi tiếng chống lại lệnh điều  quân đến Việt Nam. Cuối cùng, ông đã quyết định trốn khỏi nhà tù quân sự ở San Francisco và sống lưu vong ở Canada.

Sau đó, quân đội đã có một lễ tưởng niệm. Tất cả chúng tôi đều đi dự bởi vì Richard Bunch có ý nghĩa gì đó với chúng tôi. Anh ta là một trong số chúng tôi, không phải là một trong số của họ. Vị tuyên úy tuyên bố vụ bắn chết Richard Bunch là vụ giết người có lý do chính đáng. Lúc đó chúng tôi hiểu rằng cả ban chỉ huy đã cố gắng che giấu vụ giết người này.

Chúng tôi quyết định làm điều gì đó khi điểm danh sau khi ăn. Một nửa đội hình đã theo tôi đến sân cỏ. Tất cả chúng tôi đều khóa tay với nhau và ngồi xuống sân. Từ đó chúng tôi được biết đến với cái tên Presidio 27. Viên đại úy ra lệnh cho chúng tôi đứng dậy, mở một cuốn sách ra và bắt đầu đọc Luật phản loạn. Đúng lúc này khoảng sáu mươi quân cảnh xuất hiện. Họ giam Walter Pawlowski và tôi vào trại biệt giam và quy cho chúng tôi là những kẻ cầm đầu.

Giáng sinh năm 1968 chúng tôi nhảy qua cửa sổ, bỏ lại dụng cụ và tháo chạy khỏi nơi này. Vào đêm giao thừa, chúng tôi đến Canada. Tôi sống ở đó cho đến năm 1980 mới trở về sống cùng hai đứa con của tôi.  Tôi bị bắt bốn năm sau đó và bị chịu án bốn tháng tù trước khi tôi được thải ngũ vào tháng 4 năm 1985. Biên bản thải ngũ của tôi ghi tôi đã ở trong quân đội 17 năm 2 tháng. Bạn có thể thấy một bức ảnh tôi đang cầm Quyết định thải ngũ trong triển lãm này.