Douglas Duncan là một trong những phóng viên chiến trường vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Ông đã làm việc ở rất nhiều nơi trong suốt nhiều năm, ông từng tác nghiệp trong chiến tranh Triều Tiên cũng là một trong số những người hiếm hoi có thể tiếp cận và lưu giữ những bức ảnh quý giá chụp danh họa Picasso trong xưởng vẽ.

Đặc biệt, ông nổi tiếng với những tấm hình ghi lại những khoảnh khắc ám ảnh tại chiến trường Khe Sanh trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam được đăng tải trên tạp chí Life năm 1968. David Douglas Duncan sinh ngày 23/1/1916 ở thành phố Kansas, Mỹ, ông có 3 anh trai và một chị gái. Ngay từ nhỏ ông đã có niêm đam mê với nhiếp ảnh. Ông đã học ngành Khảo cổ học tại Arizona năm 1934, nhưng đã bỏ học để tham gia những chuyến thám hiểm tới Mexico và Trung Mỹ. Sau đó ông học chuyên ngành Động vật học và tiếng Tây Ban Nha tại đại học Miami và tốt nghiệp năm 1938.

Ảnh bên phải: Binh nhất Joseph Marshall (18 tuổi, đến từ Alexandria) đang hát một bài Thánh ca yêu thích từ thời thơ ấu ở quê nhà - Tạp chí Life ngày 23/02/1968 - một phần trong phóng sự ảnh của Douglas Duncan.

 

Sau trận Trân Châu Cảng trong chiến tranh thế giới thứ II, ông đã gia nhập Thủy quân lục chiến và vừa là một nhiếp ảnh gia chiến trường được giao nhiệm vụ chụp ảnh tại Nam Thái Bình Dương. Ông cũng có mặt trên tàu USS Missouri năm 1945 khi quân Nhật đầu hàng tướng Douglas MacArthur ở vịnh Tokyo. Điều này đã đặt một nên móng vững chắc trong sự nghiệp phóng viên chiến trường của ông. Những bức ảnh ông chụp về chiến tranh đã khiến tờ Tạp chí Life chú ý đến, và sau này họ đã mời ông về làm nhiếp ảnh gia cho tờ Tạp chí Life với công việc ghi lại các sự kiện trên khắp thế giới. Ông đã đến Palestine và chụp lại hình ảnh cuộc chiến giữa người Ả Rập và người Do Thái trước khi thành lập nhà nước Isarel năm 1946. Ông đã từng bị thương nhiều lần trong các cuộc chiến nhưng vẫn tiếp tục tác nghiệp ở hầu hết các điểm nóng của thế giới như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ấn độ, Morocco,v.v... Khi là phóng viên của Tạp chí Life, David Douglas Duncan đã dùng chiếc máy ảnh Leica M3D-2 để chụp nhiều bức ảnh mang tính biểu tượng của chiến tranh Việt Nam, trong đó có chụp tại chiến trường Khe Sanh và đã được Tạp chí Life đăng tải vào ngày 23/02/1968. Những bức ảnh ấy giúp cho công chúng Mỹ thấy rõ sự kinh hoàng, tuyệt vọng của lính thủy đánh bộ Mỹ trước những cuộc tiến công của Quân Giải phóng miên Nam Việt Nam.

Cũng như tiếng nỗ của đạn pháo hay tiếng động cơ máy bay phản lực gầm rú, cái chết là một điều quá quen thuộc ở Khe Sanh. Bạn có thể nghe tin về cái chết của một đồng đội thân thiết ở nơi bốc dỡ hàng hóa, bãi rác, hằm cá nhân, trạm xá, hay bất kỳ chỗ nào, thậm chí là ngay cả khi anh ta vừa đứng cạnh bạn. Mọi người chỉ còn biết phó thác sinh mạng của mình cho Chúa trời.

Trong sự nghiệp của mình, ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách. Có thể nói Duncan vừa hoạt động như một nghệ sĩ mà lại vừa như một chính trị gia, bởi lẽ bên cạnh 8 cuốn sách được xuất bản dựa trên hàng ngàn những bức ảnh chụp về danh họa Picasso trong hai thập kỷ cuối đời giúp công chúng biết đến nhiều bức tranh chưa hề được trưng bày lúc Picasso còn sống, Douglas Duncan còn xuất bản những cuốn sách về các cuộc chiến tranh mà mình đã từng chứng kiến và ghi lại như cuốn “This is War!” về cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên năm 1951 và cuốn “I Protest!” cho thấy sự chỉ trích gay gắt về sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

Chiến tranh Triều Tiên, năm 1950

 

Ông đã từng chia sẻ với tờ New York Times: “Tôi không cảm thấy điều gì đó bắt buộc trở thành nhiếp ảnh gia chiến trường, tôi chỉ cảm thấy một vài người ngoài kia xứng đáng được ghi lại hình ảnh như chính họ, đang chạy trốn trong sợ hãi, thể hiện sự dũng cảm, trốn vào một hốc hoặc nói cười. Và tôi nghĩ, tôi đã mang lại một cái nhìn hoàn toàn đúng đắn về chiến trường”.

Hình ảnh những người lính Mỹ hiện lên trong các tấm ảnh của Douglas Duncan không phải là những hình ảnh xông pha trận địa, chỉ là gương mặt của những chàng trai trẻ với nón cối ám ảnh người xem với ánh mắt mệt mỏi ngước nhìn lên trên cho thấy cuộc chiến mà Mỹ gây ra đã khiến cho chính những người lính Mỹ cảm thấy khiếp sợ, đến nỗi đã có những người lính khắc lên chiếc bật lửa zippo dòng chữ: "Nếu tôi chết, chắc chắn tôi sẽ lên thiên đàng vì khi sống, tôi đã sống ở địa ngục Khe Sanh”.

Ảnh bên trái: Người lính John L. Lewis trang trí nón cối với những quân bài may mắn, Khe Sanh, tháng 2/1968

Ảnh bên phải: Đại uý Fenton, chỉ huy Đại đội Baker, Trung đoàn 5, Lữ đoàn 1, Thuỷ quân Lục chiến nhận được tin giảm nguồn cung cấp ở Triều Tiên, tháng 9/1950

 

Chiến trường Khe Sanh do phóng viên Robert J. Ellison chụp năm 1968, hiện đang được trưng bày trong chuyên đề: Hồi niệm - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Trong thời điểm này, những bức ảnh chụp ở Khe Sanh của Douglas Duncan cùng với các phóng viên chiến trường khác như Robert J. Ellison, Larry Burrow đã thổi bùng lên ngọn lửa phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ. Lòng quả cảm và sự say nghề của các phóng viên chiến trường đã góp phần không nhỏ để đưa sự thật cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam ra với công luật thế giới, nhưng chính họ cũng phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Douglas Duncan là một trong số các phóng viên chiến trường may mắn thoát nạn khi tác nghiệp tại Việt Nam, và sự may mắn đó không dành cho tất cả các phóng viên chiến trường trong cuộc chiến khốc liệt này. Nhưng những gì họ đã làm vì sự thật, vì một thế giới hòa bình là những điều hết sức có giá trị, không chỉ trong quá khứ mà ngay cả hiện nay. Nếu có dịp, hãy dừng chân trước chân dung các phóng viên chiến trường đã tử nạn khi tác nghiệp tại Việt Nam, cũng như lắng mình nhìn lại những tác phẩm của họ đang được trưng bày trong chuyên đề Hồi niệm tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, chúng ta sẽ phần nào cảm nhận sâu sắc hơn điều đó.

Khe Sanh, tháng 4/1968 của Larry Burrow. Bức ảnh đang được trưng bày trong chuyên đề Hồi niệm - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

 

Vào năm 2012, chiếc máy ảnh Leita ra đời năm 1955 của David Douglas Duncan đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đã được bán với giá không thể tin được - gần 2 triệu USD (Khoảng 40 tỉ đồng Việt Nam) - tại một cuộc đấu giá ở Westlicht, Vienna, Áo. Nhà nhiếp ảnh tài ba David Douglas Duncan đã được yên nghỉ năm 2018 sau một cuộc đời đầy cống hiến, công việc và những bức ảnh ghi lại sự thật về những cuộc chiến tàn khốc, hưởng thọ 102 tuổi.

Đoàn Thị Quỳnh Dung

Tổ Tuyên Truyền - Đối ngoại