Năm 1966, vào thời kỳ cao trào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân miền Nam Việt Nam, tại miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng đã mở rộng nối liền 6 tỉnh Khu 9. Cùng lúc đó, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị quân đội Mỹ phát hiện, phong tỏa, đánh phá nên gặp nhiều khó khăn. Lúc này, các phương tiện chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ. Nhiệm vụ cấp bách của cách mạng miền Nam Việt Nam là bằng mọi cách phải mở tuyến đường trên bộ để vận chuyển tài lực đến tận vùng Đất mũi Cà Mau và các tỉnh miền Tây. Đó là lý do mà các đội thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ được thành lập và tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.

Con đường 1C được xem như đường Trường Sơn của Đồng bằng Nam bộ vì sự quan trọng, gian truân và ác liệt diễn ra trên con đường đó. Đã có biết bao cô gái, chàng trai tuổi đôi mươi hy sinh ngã xuống trên tuyến đường máu lửa này. Trong những tháng năm gian nguy nhất, đôi chân của những cô thanh niên xung phong hàng ngày vẫn băng đồng, lội sông, vượt rừng không chùn bước, đôi vai mềm mại thanh xuân gánh lương tải đạn, góp phần gánh cả sinh mạng dân tộc, sinh mạng Tổ quốc trên đôi vai và trong trái tim của mình dọc theo tuyến lửa 1C.

Lực lượng Thanh niên xung phong trên Tuyến đường 1C huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tổng quân số phục vụ cho tuyến đường 1C trên 800 người, với đa số là nữ. Hầu hết đều ở lứa tuổi 18 - 20. Nhiều cô gái mới 14, 15 tuổi đã khai thêm tuổi để được tòng quân, có những cô gái lên đường vì lòng căm thù khi những người thân của mình đã bị giết chết vì đạn bom của quân đội Mỹ, lại có người sắp chạm tay vào ngưỡng cửa hôn nhân nhưng quyết lỗi hẹn, chờ ngày hòa bình... Suốt 10 năm liền, lực lượng thanh niên xung phong đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến, giao liên dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hoá, vận chuyển thương binh về tuyến hậu cần để phục vụ cho tiền tuyến. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu.

Thanh niên xung phong đường 1C đa phần là những cô gái tuổi từ 18 đến 20.

Ngày ấy, lực lượng thanh niên xung phong nói chung và những nữ thanh niên xung phong trên con đường 1C không chỉ chiến đấu kiên cường với đối phương mà còn phải đối mặt với bệnh tật, thiên tai, hiểm họa rình rập nơi con đường họ bám trụ. Trên chuyến đường hành quân xuyên ngày đêm ấy, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, họ cứ thế tiến lên. Có chị vì ngâm mình lâu trong nước nên bị bệnh phụ khoa, có chị bị ong đốt chết, rồi bệnh sốt rét, cái đói ập đến... Kinh hoàng nhất là bệnh sốt rét, có đợt chỉ trong 10 ngày mà 13 người hy sinh, trong đó có cả chính trị viên đại đội, những người may mắn còn sống thì xanh xao, gầy rộc, ghẻ lác đầy người. Những cô gái tuổi thanh xuân không dám chải đầu vì mỗi lần chải, tóc rụng thành từng nắm, nhiều cô gái 18 - 20 tuổi phải cạo trọc đầu, các cô không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi vì thân thể quá xơ xác, tàn tạ… Để vượt qua và thích nghi với hoàn cảnh, họ cùng động viên nhau hy sinh mái tóc dài, họ cắt tóc cho nhau mà nước mắt lăn dài.

Những người con gái trên tuyến đường 1C ngày ấy.

Thân con gái vừa tuổi trăng tròn, vai mang gần 50kg đạn băng qua nơi hiểm trở địa hình Bảy Núi (An Giang). Những người con gái ấy mang chứng bệnh phụ khoa do phải ngâm mình suốt ngày dưới nước. Móng chân, móng tay bị thối cũng mặc kệ và cũng quên luôn bệnh ghẻ lở sần sùi khắp thân thể. Bộ chỉ huy quân đội Mỹ và Vùng 4 chiến thuật quân đội Sài Gòn biết rõ con đường "sinh mệnh" của chiến trường miền Tây nên đã dốc toàn lực đối phó bằng các loại vũ khí tối tân có tính sát thương và hủy diệt cao. Trên trời là máy bay ném bom chiến lược B-52; dưới đất, quân đội đối phương tổ chức hành quân cấp sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn với chất độc hóa học, chính sách chiêu hồi, chiêu hàng, mạng lưới "phượng hoàng", cảnh sát, mật vụ dày đặc. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi - Ba Hòn mà trung tâm là những cánh rừng đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn.

Để cắt đứt tuyến đường huyết mạch, quân đội Mỹ đã dùng nhiều loại bom đạn đánh phá suốt ngày đêm, dùng chất độc da cam hủy hoại sự sống đến nỗi con đường được ví là nơi "sắt thép còn tan chảy", những người con gái, con trai tuyến đường 1C đã trụ lại và chiến thắng.  Hơn 400 thanh niên xung phong 1C đã hy sinh, rất nhiều trong số đó đã gửi xương máu của mình vùi lại trên con đường huyết mạch, không tìm thấy thi thể. Có một thời, chiến trường 1C không đủ vải để bọc thi thể đồng đội. Đồng nước mênh mông, mừng quýnh khi tìm được một gò đất, vội đem xác đồng đội đến chôn. Không ngờ, mới đào mấy nhát cuốc đã bàng hoàng khi nhìn thấy hài cốt của anh em mình được chôn trước đó. Trên đường vận chuyển hàng, tìm thấy một vạt đất để nghỉ lưng vài phút là niềm hạnh phúc lớn đối với người còn sống, tìm được đất để chôn đồng đội là may mắn với người chết. Dọc tuyến đường đã hình thành 3 cụm nghĩa trang: Cụm vàm kinh Chiến Thắng với 80 thanh niên xung phong; Cụm Gộc Xây Nhỏ có 100 anh chị; số còn lại chôn rải rác ở gò cát, bờ đìa, hoặc chìm sâu dưới mương lạch, dòng sông. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh mang thương tật, những di chứng vết thương chiến tranh nhức nhối, nuôi những đứa con nhiễm chất độc da cam với cuộc sống khó khăn thiếu thốn...

Nhiều chị em đã gửi lại tuổi xuân của mình cho tuyến đường 1C ngày ấy.

Đất nước thống nhất, đường 1C hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Những người con gái còn lại hầu hết đều kiệt sức, mang trong người những thương tật chiến tranh và phải sống trong cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn. Có những người bệnh tật không đủ sức khỏe để lao động, đáng buồn hơn có những phụ nữ không bao giờ có cơ hội được làm mẹ.

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của cuộc sống, sức khỏe yếu kém, bệnh tật nhưng những gian truân của một thời đạn lửa lẫn thời hậu chiến không khuất phục được ý chí của những con người cao đẹp dấn thân vào cuộc chiến tranh năm xưa. Trong hòa bình, họ vẫn vẹn ngời phẩm giá, kiên cường vượt qua những ngày hậu chiến khó khăn, chống đói nghèo, tràn ngập tình yêu thương đồng đội, tìm lại hài cốt những liệt sĩ còn nằm lại trên tuyến đường máu lửa năm xưa...