Trước đây tôi đã từng đọc được ở đâu đó rằng “Quên và biết quên cũng là một lẽ sống ở đời. Biết quên nên đời bỗng nhiên biết cất tiếng hát”, thế nhưng trong cuộc sống lại có những chuyện xảy ra khiến chúng ta khó lòng quên được, thậm chí còn cần phải nhớ, phải khắc ghi. Một trong số những chuyện khó quên đó chính là chuyến công tác Côn Đảo trong tháng 10 vừa qua. Đã gần 5 tháng trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những cảm xúc khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, gặp những con người thân thương nơi ấy và biết những câu chuyện tưởng chừng chỉ có ở trong phim.
Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng đây là lần đầu tiên tôi đi Côn Đảo, nhưng đây không phải lần đầu tôi nghe đến địa danh này, cũng không phải tôi không biết Côn Đảo là như thế nào? “Trong thời kỳ chiến tranh, Côn Đảo được mệnh danh là địa ngục trần gian” — đó là câu nói mà chúng tôi hay nói với khách tham quan khi họ đến khu vực trưng bày tái hiện lại mô hình “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo.
Chúng tôi ra Côn Đảo trong những ngày thời tiết thất thường. Buổi sáng ngày đầu tiên, Côn Đảo đón chúng tôi với sóng biển rất êm, nắng vàng, cát trắng, gió reo vi vu trên những hàng cây dọc theo con đường về nơi dừng chân. Trong suy nghĩ của tôi, đi chuyến này tôi sẽ chụp cho mình thật nhiều tư liệu về Côn Đảo, tôi sẽ ghi âm, sẽ chụp hình, sẽ phỏng vấn thật nhiều nhân chứng để bổ sung kiến thức, phục vụ cho công việc của mình ở bảo tàng. Nhưng những gì diễn ra sau đó khiến tôi không thể thực hiện được dự tính của mình.
Tôi đã chết lặng khi nhận ra rằng, khắp nơi ở Côn Đảo đều còn in dấu vết không phải của một nhà tù mà là một hệ thống nhà tù khét tiếng tàn bạo bậc nhất trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Căn phòng mà tôi và đồng nghiệp ở trong những ngày dừng chân ở Côn Đảo có mặt trước hướng ra biển, nhưng mặt sau hướng ra một nhà tù — Trại Phú Sơn. Đây là nơi ghi dấu ấn của bao thế hệ tù chính trị như đồng chí Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Thực dân Pháp gọi khu xà lim ở trại này là “Vườn ươm cây cộng sản”, vì nhiều đảng phái khác đã bị đưa ra và giam chung với tù chính trị để gây mâu thuẫn, nhưng với tài cảm hóa của các đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, cuối cùng họ đã trở thành người cộng sản.
Trước cổng Trung tâm cải huấn Trại Phú Sơn
Buổi tối, chúng tôi đi dạo ra khu vực Nhà Công quán. Đó là ngôi nhà khách do Pháp xây dựng từ cuối thế kỉ 19 nằm trong quần thể của dinh thự Chúa đảo. Dưới thời Mỹ xâm lược Việt Nam, di tích này mới được gọi là Nhà Công Quán và dành cho người người được Mỹ hoặc chính quyền Sài Gòn cũ đưa ra Côn Đảo thi hành công vụ của họ. Côn Đảo về đêm thật yên bình, vẻ yên bình này có lẽ là điều mà bao thế hệ người tù từng bị giam giữ tại đây ao ước, tôi cảm thấy thế hệ của tôi thật may mắn khi được sống trong những ngày đất nước hòa bình như hiện nay.
Ngày thứ hai ở Côn Đảo quả là một ngày không thể nào quên được. Chị Xuân - hướng dân viên của Ban quản lý di tích Côn Đảo đã giới thiệu cho chúng tôi vê những trại giam khét tiếng tàn bạo lúc bấy giờ, tuy nhiên chúng tôi không thể đi thăm hết những nơi đó bởi cả Côn Đảo ngày xưa là một hệ thống nhà tù nên số lượng các di tích tại đây rất lớn mà thời gian lưu lại Côn Đảo thì có hạn. Chúng tôi đành chọn ra ba địa điểm để đến thăm, đó là trại Phú Hải, trại Phú Tường và Trại Phú Bình.
Trại Phú Hải là trại lớn nhất và lâu đời nhất ở Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19. Đây là nơi Chi bộ cộng sản đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo được ra đời cuối năm 1932, cũng là nơi những người cộng sản mở các học văn hóa, lý luận, chính trị. Lớp nữ tù chính trị đầu tiên thời chống Mỹ cũng bị giam giữ tại đây. Trại Phú Hải là điển hình của chế độ khổ sai. Nơi đây còn là hiện thân của “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Nhưng đây cũng chính là nơi khởi đầu cuộc đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản của tù chính trị câu lưu, ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo.
Rời trại Phú Hải, chúng tôi đến trại Phú Tường. Đây có lẽ là địa điểm mà tôi muốn đến nhất khi đặt chân lên mảnh đất Côn Đảo. Nơi đây cùng với Banh III và trại 5 tạo thành một cụm bao quanh che giấu cho khu biệt lập “Chuồng cọp Pháp". Sở dĩ tôi muốn đến đây nhất là vì ở khu vực trưng bày Chế độ lao tù ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có phục chế lại những ngăn chuồng cọp kiểu Pháp, tôi rất muốn trực tiếp được nghe kể về khu vực này. Chị Xuân tại Ban quản lý Di tích Côn Đảo là người hướng dẫn cho chúng tôi về những chuồng cọp mà thực dân Pháp đã xây dựng để giam giữ những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Thú thật, hằng ngày tôi đã hướng dẫn cho nhiều đoàn khách về khu trưng bày chuồng cọp tại Bảo tàng nơi tôi làm việc, nhưng khi đứng trên mảnh đất Côn Đảo linh thiêng này, tôi cảm thấy rất xúc động, lòng không khỏi bồi hồi khi nghe về một thời đấu tranh gian khổ của các chiến sĩ cách mạng bị tù đày tại đây. Sau khi nghe chị Xuân trao đổi thêm những nội dung về khu vực chuồng cọp trong trại Phú Tường tôi có chút xâu hổ, tôi tự dặn lòng mình sẽ phải cố gắng hơn, học hỏi và tìm hiểu nhiều hơn về chuồng cọp, về những câu chuyện cảm động ở nhà tù Côn Đảo để bồ sung, làm giàu thêm sự hiểu biết của bản thân, vì những gì tôi biết về Côn Đảo trong mấy năm qua là khá ít so vớinhững gì chúng tôi được nghe, được biết trong chuyến đi này. Tôi càng ngưỡng mộ nhiều hơn bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên ở đây, không chỉ là về kiến thức mà còn về cách truyền đạt, cách khiến cho người nghe không thể lơ là một phút giây nào cả. Do đó, trong chuyến này tôi chỉ chụp vội vàng được một số bức ảnh ở khu vực “chuồng cọp kiểu Pháp” rồi nhanh chóng theo sau chị để đến khu vực “chuồng cọp kiểu Mỹ” ở trại Phú Bình.
Khi chúng tôi vừa đến trại Phú Bình cũng là lúc trời chuyển mưa, cái mưa ở Côn Đảo không vô vập mà rả rích cả mấy tiếng đồng hồ. Tiếng mưa trộn lẫn mùi ẩm mốc của những trại giam tối và thấp (một đặc điểm của Chuông cọp kiều Mỹ), kèm với chất giọng rõ ràng, chân chất của chị Xuân khi kể về những ngày bị giam cầm nghiệt ngã của những người tù ở đây khiến chúng tôi như nghẹn lại, nước mắt chỉ chực trào ra. Theo lời kể của chị Xuân, hầu như mỗi mảnh đất Côn Đảo đều khắc sâu nỗi cực nhọc và thấm máu của người tù. Trong sự đày đọa khốn cùng, những người cộng sản, những người yêu nước phải quyết định vận mệnh, chịu chết mỏi mòn hoặc là đấu tranh để sống và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Người tù phải chống lại cả một bộ máy từ chúa đảo đến nhiều gác ngục và tay sai...Điều đó đòi hỏi người tù cộng sản phải được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, hình thức đấu tranh thích hợp. Qua lời kể của chị, trước mắt chúng tôi như hiện rõ một thước phim quay chậm, đầy bi tráng về những ngày đấu tranh kiên cường của thế hệ đi trước, về câu nói nghẹn ngào: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ” của đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời Côn Đảo khi được hỏi cần gì thì đất liền sẽ chi viện ngay, ngay sau ngày được giải phóng. Ngoài những địa điểm trên, đoàn chúng tôi còn đến cảng Bến Đầm, nghĩa trang Hàng Dương, cầu tàu 914, Sở Cò, v.v.. Mỗi địa danh đều ghi đậm dấu ấn về sự đấu tranh kiên cường bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng khi bị giam cầm tại Côn Đảo, về một thời mà cả dân tộc chỉ có một mục tiêu duy nhất là đất nước hòa bình, thống nhất.
Nóc của những chuồng cọp - hành lang để cai ngục đi tuần tra
Sau hơn ba ngày học tập, chúng tôi rời Côn Đảo trong một ngày mưa rả rích ngay từ sáng sớm, biển động mạnh, chiếc máy bay đưa chúng tôi trở vê đất liền rung lắc dữ dội, nhưng nó cũng không thể bằng cảm xúc đang dậy sóng trong lòng chúng tôi sau ba ngày học tập tại đây. Tạm biệt Côn Đảo mà lòng ngổn ngang cảm xúc vui - buồn, hình ảnh chị Xuân với thân hình nhỏ bé cùng chiếc nón lá đứng trong khu vực chuồng cọp đang đứng nói trước những vị khách quốc tế về hệ thống nhà tù ở đây cứ ở trong tâm trí tôi mãi. Ba ngày ở Côn Đảo là không đủ để tôi có thể tìm hiểu hết về hòn đảo này, nhưng sau chuyến đi này tôi nhận ra mình cần phải học hỏi thêm nhiều lắm, về cả kiến thúc lẫn kỹ năng truyền đạt, như vậy mới có thể xứng đáng làm việc trong một bảo tàng góp phần cho thế giới biết về hậu quả của chiến tranh, góp phần gìn giữ hòa bình không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Ngày trước ông bà ta hay nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn!” quả không sai! Những ngày tháng mười này thật khó quên trong tâm tôi. . .
Một chiều mưa ở Côn Đảo - một góc trại Phú Bình
Mô hình tái hiện lại cảnh tra tấn trong phòng phơi nắng ở trại Phú Tường