“Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50km. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”

Trong suốt thời kì quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam (1968-1972), những âm thanh báo động máy bay Mỹ sắp ném bom phát ra từ những chiếc loa truyền thanh được trang bị trên các con đường, các khu dân cư đã trở nên quen thuộc đối với người dân ở các thành thị cũng như làng quê miền Bắc Việt Nam … “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội 50km. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”… Người dân khi nghe hiệu lệnh từ những chiếc loa lặp lại 3 lần liên tiếp liền chui xuống các hầm trú ẩn trên phố hoặc các hầm chữ A hay giao thông hào. Khi nguy hiểm đã trôi qua, cũng từ những chiếc lao ấy phát ra thông báo an toàn được lặp lại 2 lần “Máy bay địch đã cách xa không phận tỉnh ta (hoặc là cách địa phận tỉnh ta 50/60 cây số), các cơ quan, trường học và đồng bào trở lại sinh hoạt bình thường. Nhưng phải đề cao cảnh giác, đề phòng máy bay địch lợi dụng thời tiết xấu, dùng tốp nhỏ vào đánh bất ngờ”… mọi người lại quay về với các sinh hoạt bình thường. Những lúc quân đội Mỹ tạm ngừng ném bom thì chiếc loa lại phát đi tin tức tình hình chiến sự, các hoạt động lao động, sản xuất ở các địa phương khác trên cả nước. 

Loa truyền thanh với thiết kế đơn giản, được chế tạo bằng kim loại không rỉ, bên ngoài phủ sơn tĩnh điện, dễ lắp đặt, chịu được thời tiết khắc nghiệt phù hợp ngoài trời. Loa có âm thanh lớn, rõ và chi tiết, hợp với việc thông báo trong không gian rộng đưa tin tức kịp thời đến người nghe và giúp người dân kịp thời ứng phó. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, chiếc loa cũng đã trở thành công cụ hữu dụng, là loại “vũ khí” vô hình gắn liền với phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, góp phần vào thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước bằng hình thức tuyên truyền nhằm cổ vũ, động viên nhân dân. Hệ thống loa phóng thanh với công suất lớn của quân đội Việt Nam bên bờ sông Bến Hải bờ Bắc cầu Hiền Lương được xây dựng, chia thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ Bắc, mỗi cụm có 24 loa loại 25W quay về bờ Nam. Hàng ngày phát đi các chương trình của đài Tiếng nói Việt Nam, đài truyền thanh Vĩnh Linh về các chủ trương, chính sách của Đảng, tính ưu việt và sự lớn mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các chương trình văn hóa, văn nghệ. Có những chương trình thời lượng phát thanh kéo dài từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ và có khi phát cả vào ban đêm. Để đối phó với hệ thống loa phóng thanh của ta bên bờ Bắc, ở bờ Nam chính quyền Sài Gòn cũng gắn những cụm loa có công suất lớn do Tây Đức, Úc cung cấp phát inh ỏi… Cuộc chiến loa phóng thanh của hai phía tuy tính chất không giống cuộc chiến trên trận địa nhưng cũng căng thẳng không kém, kéo dài cho đến năm 1965, khi máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Cột cờ, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, Dàn loa phóng thanh cũng bị máy bay Mỹ đánh phá và hư hỏng nặng. Gần 10 năm sau ngày giải phóng, nhiều di tích, hiện vật, nhân chứng lịch sử không còn nữa, cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương tồn tại dưới dạng phế tích .

Hiện nay loa truyền thanh vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi trong cả nước với mục tiêu thông báo thông tin, gắn kết công đồng. Đặc biệt trong đợt dịch Covid vừa qua, loa truyền thanh chính là phương tiện đưa tin an toàn và hiệu quả nhất, giúp mọi người nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh, các hoạt động cứu trợ về y tế, lương thực hay những bản tin nói về sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng tới các y bác sĩ, quân đội, công an ở tuyến đầu chống dịch…Trãi qua nhiều năm tháng chiếc loa vẫn giữ được tầm quan trọng của nó và trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” người dân Việt Nam.

Để hiểu rõ thêm về chiếc loa kể chuyện trong chiến tranh trông như thế nào, chúng ta hãy xem một vài hình ảnh về chiếc loa được trưng bày trong chuyên đề “Điện Biên Phủ trên không - 50 năm nhìn lại” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nhé.

Người dân nghe thông tin về tình hình trận "Điện Biên Phủ trên không" từ loa truyền thanh ở đầu phố Bà Triệu, Hà Nội, năm 1972