Cách đây 26 năm, ngày 11/7/1995 Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.
Việc 2 nước ký kết quan hệ ngoại giao là một bước ngoặt kỳ diệu, một quyết định có ý nghĩa lịch sử, đưa quan hệ hai nước sang chương mới, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Có thể thấy sự khởi đầu tốt đẹp đó, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực: chính trị và ngoại giao, quan hệ kinh tế và thương mại, quốc phòng và an ninh, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, trợ giúp nhân đạo/cứu trợ thiên tai, các vấn đề chiến tranh để lại, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, giao lưu nhân dân hai nước, và văn hóa, thể thao và du lịch.
Tổng thống Bill Clinton (trái) và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ năm 1995
1. Về lĩnh vực chính trị - ngoại giao.
Tháng 8/1995, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc của hai nước được thiết lập trước đó thành Đại sứ quán. Quan hệ hai nước ngày càng thắt chặt hơn khi liên tục có những chuyến thăm cấp cao. Lần lượt, các tổng thống Hoa Kì viếng thăm chính thức Việt Nam như: Bill Clinton (năm 2000), George W. Bush (năm 2006), Barack Obama (năm 2016) và Donald Trump (năm 2017, 2019). Việt Nam cũng có các chuyến thăm Mỹ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017) … Các chuyến thăm này đã tăng cường sự hiểu biết, tạo đà cho quan hệ, thông qua các tuyên bố để thiết lập đối tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực giữa hai nước. Nhiều chính khách nổi tiếng của Hoa Kỳ đã thực hiện các chuyến thăm hoặc tiến hành tổ chức các hoạt động nhằm thắt chặt quan hệ hai nước như Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Thượng nghị sĩ John McCain đã viếng thăm chính thức Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 30/10/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Việt Nam để thể hiện sự ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.
Qua nhiều đối thoại, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng thảo luận, cùng giải quyết những vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh: nỗ lực tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích, tháo gỡ bom mìn, tẩy độc dioxin…Việc phối hợp tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh có vai trò cốt lõi trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Đây là vấn đề hợp tác khởi nguồn của 2 quốc gia sau chiến tranh, trước hết vì lý do nhân đạo góp phần gây dựng lòng tin giữa 2 bên về thiện chí hòa hợp, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Với tư cách là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến Việt Nam vào năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã cho rằng, Mỹ và Việt Nam đang làm những việc mà chưa 2 quốc gia nào từng làm trước đây, giúp những người hy sinh trong cuộc chiến trở về với gia đình của họ. Tổng thống Clinton cũng mang theo hàng trăm nghìn trang tài liệu nhằm cung cấp cho Việt Nam thêm thông tin để tìm kiếm những người đã mất tích của mình.
Hàng năm Bộ Chỉ huy Hỗn hợp tìm kiếm Tù binh và Quân nhân mất tích thực hiện bốn giai đoạn tìm kiếm và khai quật lớn tại Việt Nam, trong đó các cán bộ quân sự và dân sự được đào tạo đặc biệt của Hoa Kỳ sẽ điều tra và khai quật hàng trăm trường hợp để thống kê một cách đầy đủ nhất các trường hợp này. Kể từ tháng 8 năm 2011, các đội khai quật của Việt Nam cũng thường xuyên tham gia vào những cuộc khai quật này.
Việc tháo gỡ bom mìn chưa nổ sau chiến tranh cũng là vấn đề cấp thiết cần giải quyết hiện nay vì mức độ nguy hiểm của nó đối với con người và môi trường Việt Nam.Các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chủ yếu dưới dạng vật liệu chưa nổ, bao gồm nhiều diện tích ô nhiễm bom chùm từ cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nhà tài trợ riêng lẻ lớn nhất cho hoạt động khắc phục hậu quả vật liệu chưa nổ/bom mìn tại Việt Nam, theo đó Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 140 triệu USD từ năm 1994, và vào tháng 12 năm 2013, hai quốc gia đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tiếp tục hợp tác trong xử lý bom mìn, vật liệu chưa nổ. Những nỗ lực của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại, đã tạo nền tảng cho quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Việt Nam.
2. Về lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
26 năm qua, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước có những bước phát triển nhanh chóng, đánh dấu bằng việc tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động đối thoại an ninh chính trị, quân sự cấp cao nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng được hai bên ký vào tháng 9/2011, quan hệ song phương trong lĩnh vực này tiếp tục được thúc đẩy. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho Việt Nam một số trang thiết bị cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển (cung cấp các tàu, xuồng tuần tra trên biển), hợp tác về lĩnh vực quân y và tham vấn cơ chế quốc phòng giữa các nước ASEAN, ASEAN mở rộng.
Từ tháng 6/2015, hai nước đã ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ với 5 nội dung lớn gồm: Tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc điôxin; hợp tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.
3. Về lĩnh vực kinh tế.
Năm 1994, khi Mỹ vừa bỏ cấm vận Việt Nam, thương mại 2 chiều mới khoảng 500 triệu USD thì đến nay đã trên 75 tỷ USD, gấp hơn 150 lần. Trong khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế Mỹ bị thách thức nhưng vẫn có nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Thượng nghị sĩ John Kerry, nay là ngoại trưởng Mỹ, là người đi đầu trong nỗ lực vận động bãi bỏ cấm vận Việt Nam
Trước đây, Việt Nam đã thu hút hàng loạt tên tuổi lớn của Mỹ như Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo. Tiếp sau đó, các tập đoàn Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric... cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google và cả Apple. Hiện tại, tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương; General Electric cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tua bin gió ở Hải Phòng; tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ là AES được cấp phép triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ; các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam. . .
Tóm lại, 26 năm không phải là quá dài, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng. Để lại đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục gạt bỏ khác biệt, tôn trọng lịch sử và hướng về phía trước, vì một tương lai chung lòng tin, hòa bình và thịnh vượng.