Trong chiến tranh Việt Nam, số phóng viên thường trú tại Sài Gòn khá lớn và tăng rất nhanh. Năm 1960 chỉ có khoảng 10 người nhưng đến năm 1968 đã có 179 phóng viên Mỹ, 114 phóng viên Nam Việt Nam, 171 của các nước khác, đại diện cho hơn 130 tờ báo và các hãng thông tin, truyền hình của nhiều nước trên thế giới. Trong và sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), những con số này còn tăng lên nhiều rồi sau đó mới giảm bớt đi.
Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn hợp đồng báo chí, có một số vấn đề nhạy cảm hoặc bí mật quân sự không được đụng đến, nếu phóng viên nào không vi phạm vào những điều cấm chỉ thì sẽ được hưởng một số ưu đãi: được mua hàng rẻ tiền ở các cửa hàng cung cấp của quân đội; được dự các cuộc báo cáo tin tức hàng ngày, được cung cấp phương tiện đi lại, cho quá giang trên các máy bay hay xe cộ quân sự ra chiến trường, được trợ cấp tiền vào ở trong những trung tâm riêng của báo chí v.v... Những người không hợp tác, vi phạm các thỏa thuận có thể bị cắt những quyền lợi này một vài tháng hoặc vĩnh viễn.
Trong những năm đầu, dưới thời Tổng thống Kennedy, số đông báo chí đứng về phía chính phủ, ủng hộ chiến tranh, chỉ có một vài tiếng nói của hãng Associated Press (AP) là tỏ ý nghi ngờ và đòi hỏi chứng cứ xác minh các tiến bộ mà các phái đoàn cố vấn Mỹ ở Sài Gòn đưa ra hàng ngày.
Đối với truyền hình thì đây là lần đầu tiên một cuộc chiến tranh được truyền lên màn ảnh nhỏ của từng gia đình, nên truyền hình nghiên hẳn về phía ủng hộ các chính sách của chính phủ, cố tình tránh không đưa những hình ảnh không có lợi cho các chính sách này. Không có đến 5% số các buổi cho người xem thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, chỉ thấy toàn những cảnh máy bay lên thẳng và xuống trên một đồng cỏ xanh mướt, những lính Mỹ ung dung trèo lên một ngọn đồi. Nếu có những hình ảnh về giao tranh, trận mạc đó là của những trận đánh đã cũ cả tuần hay nữa tháng, không còn tính thời sự nữa. Mãi đến năm 1968, khi có những sự kiện nghiêm trọng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của phía lực lượng MTDTGPMNVN, khán giả màn ảnh nhỏ ở Mỹ mới thấy được một vài sự thật. Cảnh quay Tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉa súng vào đầu của một chiến sĩ cách mạng đã làm nhân dân Mỹ choáng váng, không thể tưởng tượng nổi sự khốc liệt đến thế. Còn hình ảnh những lính Mỹ bị chết hay bị thương thì tuyệt đối cấm với lý do để tránh sự đau thương cho các gia đình nhận diện được người thân của mình. Thiếu tướng Winemt Sidle, sĩ quan phụ trách vấn đề báo chí và đối ngoại của quân đội ở Washington sau này nhật xét: "Ngoài một số trường hợp các biệt, thì hầu hết các thông tin về chiến tranh ở Việt Nam đều có lợi cho các chính sách của chính phủ, hoặc chỉ cho thấy một phần nhỏ sự thật của những gì đang diễn ra ở chiến trường”. Những nhà quân sự ở Sài Gòn thường nghĩ rằng đưa phóng viên ra mặt trận để được tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của hỏa lực Mỹ thì họ sẽ phải khâm phục và tin vào chiến thẳng. Nhưng cũng có một số cá biệt nhận thấy có những vấn đề bất cập tại mặt trận, lãng phí tiền của phải đóng thuế của người dân Mỹ vào những trận bắn phá vô ích nên họ lại viết những bài chỉ trích và thường những bài này bị gạt bỏ hoặc cắt xén những đoạn nhạy cảm.
“Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn trong Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968)” của phóng viên Eddie Adams.
Với bộ máy truyền thông khổng lồ có định hướng phục vụ những chính sách của chính quyền Johnson nên sự thật về chiến tranh Việt Nam đã bị bưng bít khiến cho nhân dân Mỹ hiểu về chiến tranh Việt Nam mờ nhạt trong những năm đầu của thập niên 1960. Tuy nhiên, từ năm 1966 và càng sâu đậm hơn trong năm 1967, một số quan chức trong Quốc hội Mỹ có trách nhiệm trong cuộc điều hành chiến tranh, và chỉ họ mới biết được sự thật và đã đi đến nhận thức Mỹ đang bị sa lầy ở Việt Nam.
Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm cho các phóng viên ở Sài Gòn và bộ máy truyền thông ở Mỹ bàng hoàng. Từ lâu đã nghi ngờ về sự chiến thắng nay họ thấy rõ chính quyền Johnson đã không trung thực và đã lừa dối nhân dân Mỹ về những chiến thắng không có thật.
Bìa Tạp chí Life số ra ngày 16/2/1968: chiến sĩ Việt Nam tại một căn cứ kiến cố giành lại được từ phía Mỹ ở Huế của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Catherine Leroy, thuộc Hãng thông tấn Mỹ AP là một sự kiện chấn động phương Tây.
Ngày 31/10/1968, Tổng thống Johson tuyên bố xuống thang chiến tranh, ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, đồng thời tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai "để cống hiến hết mình cho việc đi tìm kiếm hòa bình”. Tuyên bố này đã làm cho Nixon hụt hẫng vì đó là chủ đề mà ông định đưa ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Nixon truyền bố với cử tri ông không phải đi tìm kiếm hòa bình nữa mà đã có sẵn một kế hoạch để chấm dứt chiến tranh. Vừa đắc cử vào tháng 1/1969, Tổng thống Nixon đã ra lệnh bắt đầu rút quân, giảm bớt cường độ chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Trong năm 1969, dư luận quần chúng Mỹ bị phân tán khi một ít người tán thành rút quân nhanh khỏi Việt Nam trong khi số đông người đòi phải leo thang cao hơn nữa để dành chiến thẳng. Trước tình hình đó, báo chí Mỹ cũng thay đổi thái độ và định hướng nhằm vào lời tuyên bố của Tổng thống Nixon “đã có kế hoạch chấm dứt chiến tranh”, hề có hành động nào đi chệch hướng đó là bị chỉ trích gay gắt. Chính những chỉ trích này từ báo chí Mỹ đã có sức ảnh hưởng lớn, tác động mạnh mẽ đến phong trào phản chiến ngày một lớn mạnh, nhân rộng ảnh hưởng đến cả Quốc hội và các giới trí thức Mỹ. Thêm vào đó, tại thời điểm này, các vị chủ nhiệm của nhiều tờ báo hoặc đã về hưu hoặc chuyển công tác, được thay thế bởi một thế hệ những người trẻ hơn, hăng hái hơn và có nhiều cảm tình hơn với phong trào chống chiến tranh.
Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, các phóng viên báo chí ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã viết nhiều bài phản ánh sự suy sụp nghiêm trọng tinh thần binh lính Mỹ: tâm trạng chung của họ là không muốn mình là người chết cuối cùng ở Việt Nam; không tuân lệnh đi chiến đấu; họ để tóc dài, râu ria xồm xoàm không cạo; mặc binh phục không đúng quy cách... Một số chỉ huy cao cấp phản ứng lại đã ra lệnh cấm phóng viên không được tự do đến các đơn vị, phải xin giấy phép rất khó khăn và khi đến phải có ngưởi của căn cứ đi kèm. Họ không cung cấp phương tiện đi lại, ít mời họp những buổi báo cáo tin tức và chỉ cung cấp những tin tức không còn tính thời sự, không còn sử dụng được nữa.
Từ những bài viết của các phóng viên báo chí ở chiến trường miền Nam Việt Nam trong nỗ lực buộc cả thế giới phải hiểu rõ những sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam như những gì mà chính mắt các phóng viên nhìn thấy đã có tác động mạnh đến dư luận Mỹ. Báo chí đã góp phần đưa Mỹ đến quyết định phải rút quân khỏi Việt Nam, tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Đồng thời, báo chí Mỹ đã thay đổi chính kiến của người dân Mỹ từ ủng hộ cuộc chiến tranh trong những năm đầu đến nghi ngờ mục đích của cuộc chiến tranh và cuối cùng là chống lại cuộc chiến tranh. Không những thế, báo chí cũng đã thay đổi chính mình khi loại hình điều tra ra đời trong lòng cuộc chiến tranh và tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở các cuộc chiến tranh của Mỹ sau này.
Nguyễn Thị Thu Sương
Tổ Tuyên Truyền - Đối ngoại