PHẦN 2: TỪ NGÀY MỞ MÀN ĐẾN NGÀY TOÀN THẮNG

Sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều quan chức cao cấp di cư nước ngoài, một số tướng lĩnh còn lại của quân đội chính quyền Việt Nam Cộng hòa xúc tiến chiếm ghế tổng thống nhưng toan tính ấy không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Pháp...  Vào lúc này, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: Hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3; hướng Bắc - Quân đoàn 1; hướng Đông Nam - Quân đoàn 2; hướng Đông - Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8). Các cánh quân đã tập kết tại các bàn đạp tiến công.

Trước hành động phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nhân dân và quân giải phóng Miền Nam kiên quyết phản công và tiến công, đập tan toàn bộ lực lượng quân sự và bộ máy chính quyền tay sai. Nguồn: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Sáng ngày 26/4/1975, bộ phận tiền phương của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển xuống Căm Xe, phía bắc Dầu Tiếng. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các binh đoàn tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ các mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân đội Việt Nam Cộng hòa, cắt đứt giao thông đường bộ, đường thủy xuống đồng bằng sông Cửu Long và ra biển, khống chế các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc (Cần Thơ), chế áp các trận địa pháo quan trọng, vây ép Sài Gòn trên tất cả các hướng, không cho các sư đoàn chủ lực quân đội Sài Gòn co cụm về vùng ven và nội đô, tạo điều kiện cho bước kế tiếp tiến công đồng loạt vào sào huyệt đối phương.

Hướng Bắc: Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng), nhiệm vụ của Quân đoàn 1 là bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập. Do phải hành quân gấp từ miền Bắc vào bằng mọi phương tiện thủy, bộ và đường không nên Quân đoàn 1 bắt đầu tấn công chậm một ngày so với các đơn vị khác.

Hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) - Khác với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 phải tấn công trên một chính diện hẹp từ 7 đến 10 km nhưng có chiều sâu nhiệm vụ lên đến 100 km. Nhiệm vụ của Quân đoàn trong giai đoạn 1 là sử dụng Sư đoàn 316 cùng binh chủng phối thuộc chặn đánh Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa tại Gò Dầu, Trảng Bàng, cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều các đơn vị ở Tây Bắc Sài Gòn lui về Đồng Dù, Củ Chi. Trong giai đoạn 2, Quân đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, Phú Nhuận đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.

Ở hướng Đông và Đông Nam, 18 giờ ngày 26/4/1975, sau màn hỏa lực bắn phá dồn dập của hàng chục trận địa pháo binh dội xuống mục tiêu đối phương ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa, các sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu mở cuộc tiến công.

Tại khu vực phía Đông, Sư đoàn Bộ binh 341 thuộc Quân đoàn 4 được tăng cường 01 tiểu đoàn xe tăng, 01 tiểu đoàn pháo cao xạ hỗn hợp và hỏa lực chiến thuật cấp trung đoàn, tiểu đoàn, do Đại tá Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Đô làm Chính ủy trực tiếp chỉ huy, nổ súng đánh chiếm yếu khu Trảng Bom - mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự phía trước của đối phương. Nhiều trận chiến đấu dữ dội kéo dài hàng giờ giữa xe tăng, xe thiết giáp của hai bên diễn ra khốc liệt. Phối hợp chặt chẽ với Quân đoàn 4. Hướng Đông Nam, chiều ngày 26/4, Quân đoàn 2 cho Sư đoàn Bộ binh 3, được tăng cường 1 đại đội xe tăng T54 do Sư đoàn trưởng Lâm Bá Khuê chỉ huy, đánh chiếm Chi khu Đức Thạnh. Sau 2 giờ chiến đấu trong thế áp đảo, quân giải phóng đã làm chủ các khu vực Bình Giã, Ngãi Giao, Núi Đất, hỗ trợ du kích và nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng Xuyên Mộc, Long Lễ; sau đó sư đoàn chuyển sang truy kích địch rút chạy. 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn Bộ binh 141 và Đại đội xe tăng 4 được pháo binh Quân đoàn chi viện hỏa lực, tiến công thị xã Vũng Tàu. Trước sức mạnh vượt trội của lực lượng tiến công, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản ứng yếu ớt rồi bỏ chạy.

Phối hợp tác chiến với các binh đoàn chủ lực trên hướng Đông và Đông Nam, các đơn vị bộ đội chủ lực miền Nam bao gồm đặc công, biệt động được du kích ven đô hỗ trợ, cũng chủ động đánh chiếm các mục tiêu quan trọng theo kế hoạch.

Trên hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc, Quân đoàn 3 vào trận với khí thế áp đảo dù lực lượng của đối phương trên hướng này còn đông, hỏa lực mạnh, phòng thủ theo chiều sâu, có nhiều cứ điểm vững chắc. Nhiệm vụ chủ yếu của Quân đoàn 3 là: “Tổ chức lực lượng đột kích liên tục, đánh ngã đối phương, chiếm các mục tiêu then chốt trong thành phố… Đánh ngoài và đột kích vào trong là đồng thời, không chia thành bước. Nhiệm vụ chính là bên trong. Mục tiêu chiến đấu của Quân đoàn 3 là sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn 10 thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sư đoàn Bộ binh 316, Sư đoàn Bộ binh 320A và Trung đoàn Đặc công 198 phải đánh chiếm hoặc khống chế bằng được nhiều mục tiêu quan trọng, đặc biệt là 4 mục tiêu ở Trảng Bàng, Đồng Dù, cầu Bông, cầu Sáng trên Đường số 1 và Đường 15.

Trong hai ngày 25 và 26/4/1975, với sự phối hợp chặt chẽ pháo binh giữa các quân đoàn, trên cơ sở tính toán phần tử xạ kích chính xác, hỏa lực pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chế áp có hiệu quả được một loạt trận địa pháo binh đối phương ở Lào Táo, Phước Hiệp, Suối Sâu, Trà Võ, Bông Tráng, Bến Nương, Bàu Nâu, Cẩm Giáng..., tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bộ binh tiếp cận các căn cứ quân đội Việt Nam Cộng hòa. Được pháo binh chiến dịch chi viện đắc lực, chiều ngày 26/4, Sư đoàn Bộ binh 316 do Đại tá, Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy chỉ huy đã mở cuộc tiến công quét sạch một loạt đồn bốt của quân đội Việt Nam Cộng hòa dọc Quốc lộ 1, các đoạn từ Phước Mỹ đến gần Trảng Bàng, từ Bàu Nâu đến Trà Võ trên Đường 22, làm chủ Suối Ao, Trung Hàng, khống chế các trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 25 đối phương ở Gò Dầu, Trảng Bàng, không cho đối phương rút chạy về Đồng Dù, Củ Chi.

Khi Quân đoàn 3 tiến công trên hướng Tây Bắc, Quân đoàn 1 đảm nhiệm hướng Bắc của chiến dịch cũng sử dụng một bộ phận lực lượng đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Hòa cùng 4 hướng tiến công của chiến dịch, ngày 26/4/1975, Bộ tư lệnh Đoàn 232 sử dụng Sư đoàn Bộ binh 5, Sư đoàn Bộ binh 8 (Quân khu 8) được tăng cường Tiểu đoàn Công binh 341 và lực lượng vũ trang địa phương, tiến công một loạt vị trí do Sư đoàn 22 chính quyền Việt Nam Cộng hòa chốt giữ dọc hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tỉnh Long An. Sư đoàn 5 do Sư đoàn trưởng Nam Thược chỉ huy, tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm huyện lỵ Thủ Thừa và thị xã Tân An. Sư đoàn 8 táo bạo luồn sâu, được lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ, bất ngờ tiến công giải phóng thành phố Mỹ Tho. Việc Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) làm chủ được các mục tiêu trọng yếu trên và cắt đứt hoàn toàn đường quốc lộ số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc vào ngày 30/4/1975 đã góp phần chấm dứt 30 năm của cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ đầy gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đồng thời mang một ý nghĩa to lớn đó là mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước Việt Nam và hôm nay vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa là đưa Việt Nam đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bền vững.

Biện Thu Ngần

Phòng Trưng bày - Tuyên truyền - Đối ngoại