Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Trong chiến thắng lịch sử này, lực lượng hậu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm về quân nhu cho lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, góp sức làm nên một kỳ tích nằm ngoài dự tính của chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Một trong những phương tiện được sử dụng chủ yếu và vô cùng sáng tạo trong công tác hậu cần phục vụ chiến dịch là lực lượng “xe đạp thồ”. Mặc dù là phương tiện thô sơ nhưng xe đạp đã được “chế tạo” thành những “chiếc xe thồ” có thể vận chuyển thông suốt hàng nghìn tấn hàng hóa cho tuyền tuyến không thua kém bất kì phương tiện tối tân nào.
Trước đó, khi Pháp sang xâm lược Việt Nam đã mang theo những chiếc xe đạp này. Thời kỳ ấy, xe đạp là một tài sản có giá trị, không phải gia đình nào cũng có thể mua được. Sở hữu được nó phải là những gia đình có điều kiện, hơn thế muốn đi được còn phải đăng ký, được cấp biển số xe. Tại thời điểm đó, chiếc xe đạp là tài sản lớn của mỗi gia đình nhưng những người dân yêu nước vẫn sẵn sàng tự nguyện đóng góp cho cách mạng để phục vụ tiền tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 20.991 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch và đã làm nên chiến tích mang tên Điện Biên Phủ. Người Pháp không thể ngờ rằng họ bị đánh bại trong trận đụng đầu lịch sử bởi chính những chiếc xe đạp mà họ sản xuất ra và mang sang Việt Nam. Không phải người Pháp không phát hiện ra những chiếc xe đạp thồ là nguồn vận chuyển chính cho Điện Biên Phủ mà những nỗ lực để ngăn chặn nó chưa bao giờ thực hiện được. Ký giả Jules Joy trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” đã viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh nilong trải trên đất”.
Xe đạp thồ dùng thồ lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn: https://baotanglichsu.vn
Xe đạp thồ trở thành loại phương tiện vận chuyển chính, cơ động, năng suất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Xe đạp thồ còn được ví như “vua vận tải” chiến trường, “binh đoàn nửa cơ giới” vì có nhiều ưu điểm vượt trội và có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của nhiều phương tiện vận chuyển khác. Loại phương tiện này linh hoạt, nhỏ gọn, cơ động hơn phương tiện có động cơ nên có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi, sông suối, dù là khó khăn nhất, cũng có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, chất lỏng (xăng, dầu), lại không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết. Việc vận chuyển bằng xe đạp có hiệu quả cao trên những cung đường mòn nhỏ hẹp khúc khuỷu. Không những vậy, xe đạp còn có lợi thế ít gây tiếng ồn. Trong quá trình hoạt động, những người vận chuyển có thể kịp thời nghe thấy tiếng máy bay từ xa và kịp thời ẩn nấp.
Để đưa quân nhu lên trận tuyến, những dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 05 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi nhóm mang theo hành trang là những nhu yếu phẩm để có thể tự nấu nướng, những tấm nilong để che mưa cho hàng hóa. Xe nào hỏng thì chuyển vào bên đường sửa chữa để không cản trở lối đi của xe sau. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sữa chữa dọc đường, được gọi là “xưởng sửa chữa lưu động”.
Đoàn xe đạp thồ lương thực và khí tài phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguồn: https://baotanglichsu.vn
Lúc đầu, mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80 - 100kg, sau trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công. Qua nhiều lần cải tiến, xe đạp thồ ngày càng hoàn chỉnh với các phụ tùng như: tay ngai, tay phanh, khung phụ, lốp kép, nan hoa, phụ tùng bằng tre… Chiếc xe đạp đã “mọc” lên những bộ phận “kỳ dị” ngoài thiết kế ban đầu để tăng thêm sức thồ của nó trên những đoạn đường mòn giữa núi rừng hiểm trở mà ô tô không đi được. Để biến một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi đông. Một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để vừa cầm, được buộc vào trục yên xe nhằm vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, dân công và bộ đội còn hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ; ngoài ra những dân công còn sử dụng quần áo cũ, săm cũ… để “gia cố”, tăng độ bền của săm, lốp … Với những đường núi đá sắc, dân công phải dùng cả đến vải quần áo quấn vòng quanh lốp, tăng thêm sức chịu đựng cho xe. “Có đại đội xe thồ người chỉ còn quần cộc, áo lót nhưng những “con ngựa sắt” đều được “đóng móng”, tha hồ “phi nước đại”. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được hai thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm.
Đã có nhiều kỷ lục gắn liền với chiếc xe đạp thồ ấy. Tiêu biểu như ông Bùi Tín (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đạt trọng tải từ 80kg đến 213kg (kết thúc chiến dịch, ông vinh dự được thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng ba); “Kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) với nhiều sáng kiến đã chở được 320kg/chuyến. Đặc biệt là ông Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ), chiếc xe đạp thồ do ông gia cố đã lập kỷ lục vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có chuyến chở 325 kg hàng, tức gấp 13 lần một người gồng gánh.
Với năng suất vận chuyển cao như vậy, những chiếc xe đạp thồ tưởng chừng thô sơ vô hại lại trở thành “vũ khí đặc biệt” góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Chưa bao giờ công tác hậu cần lại đảm bảo được một khối lượng vật chất lớn đến như thế: 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Lần đầu tiên ta bảo đảm cho một lực lượng lớn tham gia chiến dịch bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ chiến dịch là 33. 300 người.
Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới. Những chiếc xe đạp thồ tuy giản dị nhưng lại là minh chứng sống động cho tinh thần và ý chí quyết tâm không có gì lay chuyển được của một dân tộc trên con đường giành lại độc lập tự do. Thông qua câu chuyện của mình, những chiếc xe thồ đã làm toát lên ý nghĩa là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù phải đối mặt với bao khó khăn và nghịch cảnh, nếu xuất phát từ những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp cùng với sự kiên trì, sáng tạo, chúng ta có thể tạo ra được những kỳ tích từ những điều tưởng chừng như rất giản đơn. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc mà các thế hệ ông cha đi trước muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay mà hình ảnh những “chiếc xe thồ” là một ví dụ tiêu biểu.
Người viết: Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trần Thị Kiều Vy